|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Liên minh dầu mỏ OPEC+ rơi vào bế tắc, đàm phán kéo dài sang tuần sau

08:40 | 03/07/2021
Chia sẻ
Sau khi một thành viên chủ chốt lên tiếng phản đối thỏa thuận tăng sản lượng, OPEC và các đồng minh khác phải kéo dài đàm phán sang tận ngày 5/7 tới.

Thế bế tắc của liên minh dầu mỏ

Sau khi Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) lên tiếng yêu cầu các điều khoản tốt hơn, cuộc đàm phán của liên minh dầu mỏ OPEC+ đã kết thúc vào ngày 2/7 mà không đạt được thỏa thuận tăng nguồn cung nào.

Tình trạng bế tắc này có thể làm đảo lộn nỗ lực của OPEC+ trong vấn đề kiểm soát đà phục hồi của thị trường dầu mỏ hậu đại dịch COVID-19. Ngoài ra, vụ việc còn diễn ra giữa lúc nhiều nước tiêu thụ dầu mỏ lo ngại về tác động kinh tế tiềm tàng nếu giá dầu tiếp tục tăng cao.

Theo đưa tin từ Bloomberg, OPEC+ sẽ tiếp tục đàm phán vào ngày 5/7 tới. Trước đó, chính phủ Mỹ đã bày tỏ lo ngại về việc giá xăng tăng cao khi giá dầu thô chạm ngưỡng 75 USD/thùng.

Nếu liên minh dầu mỏ không chốt được thỏa thuận tăng sản lượng, nguồn cung trên thị trường vốn đang eo hẹp sẽ càng bị siết chặt, có khả năng thúc đẩy giá dầu tăng mạnh.

Song, kịch bản ngược lại cũng có thể diễn ra. Nếu OPEC+ bất đồng quan điểm, các nước thành viên có thể tự do bơm dầu ra thị trường theo ý muốn và giá dầu thô có nguy cơ lao dốc tương tự như cuộc chiến giá dầu giữa Arab Saudi và Nga hồi đầu năm ngoái.

Liên minh dầu mỏ OPEC+ rơi vào bế tắc, đàm phán kéo dài sang tuần sau - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa: Reuters).

Ông Amrita Sen, chuyên gia phân tích tại hãng tư vấn Energy Aspect, cho biết: "Sự bế tắc hiện nay trong nội bộ OPEC+ là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy ý định của UAE. Đất nước Trung Đông này đang muốn tăng sản lượng và tạo ra ảnh hưởng sâu rộng hơn trên thị trường".

Abu Dhabi để ngỏ ý tưởng rời OPEC vào cuối năm 2020 vì nước này muốn bơm thêm dầu để tận dụng hàng tỷ USD mà các doanh nghiệp đã đầu tư để mở rộng công suất trong nhiều năm trước.

Cuộc tranh cãi gay gắt hai ngày qua và việc các đại biểu UAE từ chối nhượng bộ cho thấy căng thẳng bên trong OPEC+ sẽ còn âm ỉ trong thời gian dài, Bloomberg dự đoán.

Đề xuất mới

Hầu hết thành viên OPEC+ đều ủng hộ đề xuất bơm thêm 400.000 thùng dầu/ngày kể từ tháng 8 năm nay, cũng như lùi hạn chót của thỏa thuận giảm sản lượng đến cuối năm 2022 thay vì chỉ đến tháng 4.

Tuy nhiên, UAE đang kêu gọi thay đổi mức cơ sở mà liên minh dầu mỏ dùng để tính hạn ngạch cho nước này. Phái đoàn UAE cho rằng con số hiện tại không thực sự công bằng.

Abu Dhabi sẽ không ủng hộ thỏa thuận mới trừ khi các thành viên khác đồng ý thay đổi mức cơ sở của mình. Nếu OPEC+ đồng thuận, thị trường có thể tiếp nhận thêm 700.000 thùng dầu/ngày từ UAE.

"Nếu OPEC+ không nhượng bộ như UAE mong muốn, liệu đất nước Trung Đông này có tuyên bố rời khỏi liên minh vào ngày 5/7 hay không?", bà Helima Croft, chiến lược gia hàng hóa tại RBC Capital Markets, đặt câu hỏi.

Thái độ chống đối của Abu Dhabi còn cho thấy người cai trị đất nước, Thái tử Mohammed bin Zayed Al Nahyan đang tăng cường sức ảnh hưởng trên thị trường dầu mỏ sau những động thái chính trị táo bạo từ Yemen sang Israel.

Thái tử Mohammed cật lực ủng hộ Sultan Al Jaber, người đứng dầu công ty dầu khí quốc gia UAE và cũng là người đang đầu tư mạnh tay để nâng cao năng lực khai thác dầu mỏ trong nước.

Theo Bloomberg, Thái tử Mohammed từng có quan hệ thân thiết với Thái tử Arab Saudi Mohammed bin Salman. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa hai người thừa kế dường như đã nguội lạnh trong những tháng gần đây.

Trong năm nay, giá dầu đã tăng khoảng 50% nhờ nhu cầu phục hồi và vượt xa mức tăng nguồn cung của OPEC+. Thỏa thuận giảm sản lượng mà OPEC+ triển khai từ năm ngoái đã giúp thị trường chuyển biến rõ rệt.

"Câu hỏi đặt ra bây giờ là liệu OPEC+ có thể duy trì tính gắn kết và nhất quán trong nội bộ tổ chức vào năm tới hay không", ông Bob McNally, Chủ tịch hãng tư vấn Rapidan Energy và là cựu quan chức Nhà Trắng, cho hay.

Theo ông McNally, điều đó phụ thuộc rất nhiều vào việc các nhà lãnh đạo Arab Saudi, UAE và Nga có tìm ra cách giải quyết yêu cầu của UAE hay không.

Khả Nhân