|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

[Infographic] Arab Saudi - UAE: Quan hệ thắm thiết cũng có lúc trở mặt vì biên giới và dầu mỏ

13:33 | 06/08/2021
Chia sẻ
Arab Saudi và UAE đang là hai đồng minh thân cận tại Trung Đông nhưng cũng từng có lúc trở mặt, khắc khẩu với nhau vì tranh chấp biên giới và xuất khẩu dầu thô.
Arab Saudi - UAE: Quan hệ thắm thiết cũng có lúc trở mặt vì biên giới và dầu mỏ - Ảnh 1.

Arab Saudi và UAE cùng thuộc Trung Đông, khu vực sở hữu trữ lượng dầu mỏ lớn và lịch sử tranh chấp kéo dài. Đặc biệt, cả hai đều nằm sát eo biển Hormuz, điểm trung chuyển trọng yếu của ngành công nghiệp dầu thô thế giới.

Năm ngoái, các tàu chở dầu vận chuyển gần 12 triệu thùng dầu thô và khí ngưng tụ từ Arab Saudi, Iraq, Kuwait và UAE qua Hormuz mỗi ngày. Ngoài ra, khoảng 1/4 nguồn cung khí hóa lỏng (LNG) của thế giới cũng đi qua eo biển này, theo Bloomberg.

Kinh tế cùng phụ thuộc "vàng đen"

Từ lâu, nền kinh tế của Arab Saudi và UAE đã phụ thuộc lớn vào dầu thô - nguồn năng lượng của nền kinh tế toàn cầu. Thông thường, các nước kiểm soát trữ lượng dầu thô lớn thường có ảnh hưởng kinh tế và địa chính trị đáng kể.

Nhờ phát hiện dầu thô vào tháng 3/1938, Arab Saudi có bước chuyển mình từ một vương quốc sa mạc, kém phát triển thành một trong các nền kinh tế lớn nhất vùng Vịnh.

Tương tự, vào đầu thế kỷ 20, nền kinh tế của các tiểu vương quốc thuộc UAE ngày nay không có gì nổi bật. Khi đó, người dân chủ yếu kiếm sống bằng nghề mò ngọc trai, nuôi lạc đà và trồng chà là. Đến sau những năm 1958, UAE bắt đầu phát triển nhờ xuất khẩu "vàng đen".

Tính theo GDP danh nghĩa năm 2020, nền kinh tế Arab Saudi xếp hạng 20 toàn cầu, trong khi UAE là nền kinh tế lớn thứ 35 thế giới. Quy mô kinh tế của Arab Saudi gấp khoảng hai lần so với của UAE.

Gã khổng lồ ngành dầu khí BP cho biết, đến cuối năm 2019, trữ lượng dầu thô trên toàn cầu đạt 1,73 nghìn tỷ thùng. Arab Saudi và UAE nằm trong top 8 nước có trữ lượng dầu thô hàng đầu, lần lượt với 298 tỷ thùng (tương đương 17,2% tỷ trọng chung) và 98 tỷ thùng (chiếm 5,6%).

Đáng chú ý, trữ lượng dầu thô của Arab Saudi chỉ xếp sau "ngôi vương" là Venezuela. Nắm trong tay trữ lượng đáng nể, sản lượng khai thác và tỷ trọng xuất khẩu "vàng đen" trong tổng kim ngạch xuất khẩu của hai thành viên OPEC cũng rất lớn.

Riêng đối với Riyah, xuất khẩu dầu thô chiếm đến 77% kim ngạch xuất khẩu chung năm 2019, gấp gần 6 lần so với của Abu Dhabi. Điều này cho thấy sức ảnh hưởng của dầu mỏ đối với nền kinh tế Arab Saudi.

Do cùng nằm trên bán đảo Arab và lợi ích kinh tế lệ thuộc vào dầu thô, Arab Saudi và UAE - vốn là hai đồng minh thân cận tại Trung Đông cũng như trong liên minh OPEC, cũng nảy sinh không ít tranh chấp liên quan tới biên giới và "vàng đen".

Khắc khẩu hàng chục năm vì biên giới

Trên thực tế, ranh giới giữa các nước trên bán đảo Arab không được xác định rõ ràng. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến Arab Saudi và UAE bất hòa trong thời gian dài.

Trước khi UAE chính thức được thành lập thông qua sáp nhập 7 tiểu vương quốc vào năm 1971, Arab Saudi và Tiểu vương quốc Abu Dhabi đã tranh giành một số đoạn biên giới chung từ những năm 1949, trong đó có biên giới phía tây của Abu Dhabi.

Có thời điểm, Arab Saudi còn hối lộ để chiếm thế thượng phong, thậm chí chiến dịch này còn mở rộng đến Sheikh Zayed bin Sultan Al Nahyan - em trai của Sheikh Shakhbut bin Sultan Al Nahyan, người cai trị Tiểu vương quốc Abu Dhabi khi đó.

Sau khi UAE thành lập, Arab Saudi từ chối công nhận UAE như một quốc gia và sử dụng điều này như một đòn bẩy để giải quyết tranh chấp biên giới giữa hai nước. Sau cùng, UAE phải nhượng bộ.

Ngày 21/8/1974, vua Faisal của Arab Saudi và Tổng thống Sheikh Zayed bin Sultan Al Nahyan của UAE đặt bút kí Hiệp ước Jeddah. Arab Saudi ngay lập tức công nhận UAE như một quốc gia, cử đại sứ và chuyển đổi văn phòng liên lạc ở Dubai thành lãnh sự quán. Đổi lại, UAE phải giao mỏ dầu khổng lồ Shaybar cho Arab Saudi cai quản.

Về sau, UAE không chấp nhận, cho rằng cố Tổng thống Sheikh Zayed bin Sultan Al Nahyan bị cưỡng ép kí kết Hiệp ước Jeddah. Năm 2006, UAE khơi lại mối bất hòa năm xưa qua một tấm bản đồ, trong đó khẳng định chủ quyền tại các khu vực từng tranh chấp với Arab Saudi.

Đỉnh điểm trong căng thẳng biên giới giữa hai nước xuất hiện vào năm 2009, khi UAE đơn phương rút khỏi kế hoạch phát hành đồng tiền chung của vùng Vịnh mà Arab Saudi nỗ lực theo đuổi.

Xích lại gần nhau để rồi lại xa nhau vì dầu thô

Sự kiện Mùa xuân Arab vào năm 2011 đã giúp mối quan hệ song phương tan băng. Đến năm 2015, sự kiện vua Salman lên ngôi và cuộc gặp "tâm đầu ý hợp" giữa Thái tử Mohammed bin Salman của Arab Saudi và Thái tử Mohammed bin Zayed của UAE càng giúp hai ông lớn vùng Vịnh xích lại gần nhau.

Từ đó, hai nước bắt tay xử lý các vấn đề nổi cộm trong khu vực như chống lại Iran, kiềm chế Thổ Nhĩ Kỳ. Hơn nữa, UAE cũng là một đồng minh thân cận của Arab Saudi trong liên minh dầu mỏ OPEC+, thường xuyên đứng về phía Riyadh trong các cuộc họp.

Đến năm 2014, giá dầu thô lao liên tục lao dốc trong hơn 7 tháng, từ khoảng 100 USD/thùng vào tháng 6 rơi xuống còn khoảng 55 USD/thùng trong phiên giao dịch cuối năm. Sự kiện giá "vàng đen" sụt mạnh đã trở thành một điểm nhấn kinh tế quan trọng của năm 2014.

Cú sốc này buộc các nước vốn phụ thuộc nặng nề vào dầu thô như Arab Saudi và UAE phải tính đến chuyện đa dạng hóa nền kinh tế, chuẩn bị cho kịch bản giá dầu cắm đầu lần nữa hoặc nhu cầu dầu thô đạt đỉnh trong tương lai.

Trong nhiều năm qua, Abu Dhabi đã đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực năng lượng với mong muốn khai thác và xuất khẩu càng nhiều dầu thô càng tốt, mục đích là tăng tối đa nguồn thu ngân sách.

Năm ngoái, đại dịch COVID-19 bùng phát khiến nhu cầu năng lượng tụt dốc. Để đối phó, OPEC+ đã đồng ý giảm mạnh hơn 10 triệu thùng dầu/ngày để hỗ trợ thị trường, thỏa thuận này ban đầu dự kiến kéo dài đến tháng 4/2022.

UAE đã bơm vượt mức cho phép trong liên tiếp hai tháng 7 và 8/2020. Abu Dhabi cho rằng hạn ngạch của nước này không công bằng, song cuối cùng bị Riyadh nghiêm khắc cảnh báo.

Đến tháng 11 cùng năm, vì quá bất bình, UAE đe dọa rút khỏi OPEC. Căng thẳng giữa hai nước lại nóng lên.

Cuộc họp chính sách của OPEC vào đầu tháng 7 năm nay góp phần thổi bùng tranh chấp giữa hai đồng minh thân cận.

Đàm phán bế tắc trong gần hai tuần khi UAE yêu cầu OPEC+ nâng hạn ngạch cơ sở cho nước này từ gần 3,2 triệu thùng/ngày lên 3,8 triệu thùng/ngày, đổi lại họ sẽ chấp nhận gia hạn thỏa thuận giảm sản lượng đến cuối năm 2022. Cả Arab Saudi và Nga, hai "anh lớn" trong OPEC+, đều không đồng ý.

Giá dầu thô có nguy cơ tăng vọt nếu OPEC+ tiếp tục án binh bất động, triển vọng phục hồi của nền kinh tế toàn cầu lâm nguy giữa lúc lạm phát đang leo thang. Tuy nhiên, cuối cùng hai nước phải nhượng bộ UAE, bế tắc của liên minh dầu mỏ được khơi thông vào ngày 18/7.

Kết quả, OPEC+ nhất trí tăng sản lượng khoảng 400.000 thùng/ngày mỗi tháng từ tháng 8 năm nay; đồng thời, nâng hạn ngạch cơ sở đến tháng 5/2022 cho UAE, Iraq, Kuwait, Nga và Arab Saudi.

Nội dung: Yên Khê - Đồ họa: Alex Chu

VDSC: Dự trữ ngoại hối đã hao hụt đáng kể trong năm 2024
Các chuyên gia phân tích của VDSC cho rằng bộ đệm để ứng phó với áp lực tỷ giá là dự trữ ngoại hối đã hao hụt đáng kể trong năm 2024, ước tính khoảng 8-10 tỷ USD. Điều này khiến cho tỷ giá dễ biến động khi có áp lực về luồng ngoại tệ rút ra.