|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Nhiều gia đình Trung Quốc ngập trong nợ nần vì ham mua chứng khoán, bất động sản

14:32 | 11/08/2021
Chia sẻ
Nợ hộ gia đình Trung Quốc tăng rõ nhất trong nhóm trung lưu khá giả, những người muốn chớp thời cơ làm giàu từ cuộc phục hồi kinh tế qua thị trường chứng khoán và nhà đất.
Các hộ gia đình Trung Quốc vùng vẫy trong nợ nần vì ham mua chứng khoán, bất động sản - Ảnh 1.

Đến cuối năm ngoái, nợ hộ gia đình trung bình của Trung Quốc tính theo phần trăm thu nhập khả dụng đã đạt mức cao kỷ lục 130,9%. (Ảnh: AP).

Kể từ tháng 5, cô Jane Zeng luôn thao thức hàng đêm sau khi nghe chồng kể gia đình đang lún sâu trong nợ nần.

Chồng của cô Zeng đã liên tục vay tiền trong vài năm qua, bao gồm khoản vay để mua căn hộ ba phòng ngủ 70 m2 và hai condo ở Thâm Quyến. Anh ta còn tiếp tục dùng số bất động sản này làm tài sản đảm bảo vay thế chấp, lấy tiền rót vào những khoản đầu tư khác.

Tuy tổng giá trị thị trường của số bất động sản trên là hơn 18 triệu nhân dân tệ, tiền tiết kiệm của gia đình cô Zeng hiện chỉ còn 200.000 nhân dân tệ (31.000 USD). Họ cần 60.000 nhân dân tệ mỗi tháng để trả các khoản vay ngân hàng trị giá 10 triệu nhân dân tệ. 

Cô Zeng, nữ nội trợ tuổi tứ tuần lo lắng: "Các khoản nợ đã làm giảm chất lượng sống của gia đình chúng tôi rất nhiều. Ngoại trừ học phí trường quốc tế của con cái, tôi đang cố gắng hết sức để giảm chi phí sinh hoạt xuống còn 5.000 nhân dân tệ một tháng".

"Bất động sản đang tăng giá, nhưng tôi có cảm giác như đang đi trên dây giữa không trung. Ngày nào tôi cũng lo tháng sau sẽ không có đủ tiền để trả các khoản vay thế chấp".

Tình cảnh khó khăn của gia đình cô Zeng là một trong những dấu hiệu mức nợ hộ gia đình ngày càng tăng ở Trung Quốc. Nợ hộ gia đình lên cao có thể đe dọa chi tiêu tiêu dùng, yếu tố mà Bắc Kinh hy vọng sẽ thúc đẩy nền kinh tế trong nửa cuối năm 2021.

Có hàng loạt lý do dẫn đến nợ tăng, nhưng xu hướng này rõ rệt nhất trong các gia đình trung lưu bậc trên (upper-middle class). Những người này đang vay nợ ngập đầu để đầu tư vào cuộc phục hồi kinh tế của Trung Quốc hậu COVID-19, bằng cách mua gom bất động sản hoặc đầu tư vào thị trường chứng khoán.

Việc tái thế chấp các tài sản hiện có để tài trợ thêm các khoản đầu tư khiến cho nhiều gia đình thiếu tiền mặt để trả nợ, buộc họ phải bán của cải với giá rẻ mạt để huy động tiền. 

Nhiều chủ sở hữu doanh nghiệp vừa và nhỏ đi vay với danh nghĩa cá nhân để duy trì hoạt động kinh doanh. Số khác vay để trang trải cuộc sống hàng ngày.

Bất kể lý do là gì, việc thanh toán các khoản vay đang ăn mòn thu nhập khả dụng mà lẽ ra người tiêu dùng sẽ dùng để mua hàng hóa và dịch vụ, hỗ trợ nền kinh tế.

Theo SCMP, nợ hộ gia đình tính theo phần trăm GDP của Trung Quốc trong quý II đạt 62%, giảm nhẹ so với đỉnh lịch sử 62,2% vào cuối năm ngoái. Tuy nhiên, cuối năm 2020, nợ hộ gia đình dưới dạng phần trăm thu nhập khả dụng đã lên đến mức cao nhất mọi thời đại là 130,9%.

Rất nhiều gia đình thừa nhận dòng tiền của họ đã rơi đến ngưỡng khẩn cấp, nhưng họ gần như không thể làm gì để xoay chuyển tình hình.

Tháng trước, Trung Quốc bất ngờ cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, giải phóng 1.000 tỷ nhân dân tệ (154,6 tỷ USD) thanh khoản. Giới phân tích cho rằng động thái này là nỗ lực của Bắc Kinh nhằm giảm chi phí các khoản vay ngân hàng.

Cô Zeng hy vọng tỷ lệ dự trữ bắt buộc giảm sẽ giúp giải phóng lượng thanh khoản rất cần thiết cho thị trường nhà ở của Thâm Quyến, qua đó giúp gia đình cô bán được căn hộ ba phòng ngủ để thu về 8-9 triệu nhân dân tệ.

Nhưng cô không may mắn đến thế.

Tháng trước, giới chức trách Thâm Quyến đã nâng ngưỡng cho vay đối với căn nhà thứ hai. Điều này có nghĩa là người mua tiềm năng sẽ phải trả trước ít nhất 5 triệu nhân dân tệ để sở hữu căn hộ của cô Zeng. Hai condo còn lại có giá quá cao, không thể bán được.

Chồng cô Zeng nói: "Trong hai năm qua, những gia đình giàu có và trung lưu bậc trên mà tôi biết đều tăng đòn bẩy, để đầu tư bất động sản hay chứng khoán".

"Nợ nần của mọi người đều đang chồng chất. Nhưng nếu không làm vậy thì bạn không thể giàu lên như người khác. Dĩ nhiên rủi ro cũng tăng chóng mặt, nhưng không ai dám giảm đòn bẩy".

Giàu nghèo đều đổ xô đi vay

Nợ hộ gia đình Trung Quốc – dù là ngắn, trung hay dài hạn – tiếp tục leo thang. Trong 5 tháng đầu năm, các khoản vay tín dụng cấp mới cho khu vực hộ gia đình lên tới 3.700 tỷ nhân dân tệ, theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Cấp cao thuộc Đại học Kinh tế Tài chính Thượng Hải.

Con số trên tương ứng với mức tăng 1.100 tỷ nhân dân tệ so với cùng kỳ năm 2020, và cao hơn 700 triệu nhân dân tệ so với 5 tháng đầu năm 2019.

Không chỉ tầng lớp trung lưu mà cả dân lao động di cư lên thành phố và thế hệ trẻ cũng vay nợ nhiều hơn.

Anh Wang Yan, người sản xuất máy chế biến ngũ cốc cho biết: "Hầu hết mọi lao động gốc nông thôn trong nhà máy của chúng tôi đều mắc nợ, vì họ cần mua một căn hộ hoặc làm của hồi môn".

"Chi phí cho của hồi môn tại quê tôi và các làng quê ở đông bắc Trung Quốc đã lên đến hơn 250.000 nhân dân tệ. Đó là gánh nặng lớn đối với nhiều gia đình nông thôn".

Khác với các thế hệ trước, giới trẻ Trung Quốc đang sử dụng các ứng dụng cho vay trên điện thoại và thẻ tín dụng để vay tiền.

Đến tháng 6/2020, giá trị các khoản nợ thẻ tín dụng quá hạn trên 6 tháng đã lên tới 85,4 tỷ nhân dân tệ, lớn gấp 10 lần một thập kỷ trước. Và một nửa số người nợ quá hạn đó sinh trong thập niên 1990, theo dữ liệu từ ngân hàng trung ương Trung Quốc.

Cô Tang Ying, cư dân Quảng Châu, kiếm được 4.800 nhân dân tệ mỗi tháng. Nhưng tổng nợ của cô qua các ứng dụng điện thoại đã lên đến 18.000 nhân dân tệ sau 4 tháng thất nghiệp năm ngoái. Giờ cô phải trả nợ với lãi suất hàng năm khoảng 16%.

Cô than thở: "Tôi đã cắt giảm mạnh chi tiêu, nhưng nợ cứ chồng chất nợ".

Giang