Quan chức Trung Quốc: 'Chúng tôi không ép buộc giới siêu giàu giúp đỡ người nghèo'
Không ép người giàu làm từ thiện
Tại cuộc họp giao ban tại thủ đô Bắc Kinh hôm nay (26/8), ông Han Wenxiu - quan chức cấp cao thuộc Ủy ban Tài chính và Kinh tế Trung ương Trung Quốc, khẳng định lời kêu gọi thúc đẩy "thịnh vượng chung" của Chủ tịch Tập Cận Bình không phải là "ép buộc người giàu để giúp đỡ người nghèo".
Ngoài ra, ông Han còn lưu ý Trung Quốc phải "đề phòng để tránh rơi vào cái bẫy của chủ nghĩa phúc lợi". Ông nhấn mạnh, những ai "đã làm giàu thành công" nên nâng đỡ những người còn yếu thế hơn, nhưng chính phủ vẫn khuyến khích người dân chăm chỉ lao động.
"Chúng ta không thể chờ đợi được giúp đỡ, lệ thuộc hoặc cầu xin người khác. Chúng ta không thể hỗ trợ người kẻ lười biếng, không hăng say lao động", Reuters dẫn lời vị quan chức cấp cao nhấn mạnh.
Ông Han cho biết, việc đóng góp từ thiện nên được khuyến khích thông qua các chính sách thuế, còn các khoản quyên góp là "không bắt buộc".
Định hướng mới của chính phủ Trung Quốc xuất hiện trong bối cảnh Bắc Kinh đang tăng cường giám sát và áp đặt quy định đối với các doanh nghiệp lớn, đặc biệt là các công ty công nghệ khổng lồ.
Giới đầu tư tin rằng một thay đổi lớn đang hình thành trong lòng xã hội Trung Quốc, khi mà chính quyền ông Tập Cận Bình tích cực theo đuổi các cải cách nhằm xoa dịu tình trạng bất bình đẳng và giảm áp lực chi phí sinh hoạt của người dân, thay vì ưu tiên doanh nghiệp như trước.
Song, ông Han cho rằng các chính sách gần đây được đưa ra để chấn chỉnh các hành vi bất thường và bất hợp pháp trên một số nền tảng internet, "tuyệt đối" không nhằm vào các doanh nghiệp tư nhân hay công ty nước ngoài.
Ông Tập kêu gọi không lâu, giới tỷ phú đã quyên góp 5 tỷ USD
Tại cuộc họp cấp cao do Chủ tịch Tập Cận Bình chủ trì hồi tuần trước, chính phủ tuyên bố sẽ "điều chỉnh hợp lý tình trạng thu nhập cao vượt mức, đồng thời khuyến khích các nhóm thu nhập cao cũng như doanh nghiệp phải chia sẻ nhiều hơn với xã hội".
Ông Tập đã đề cập đến mục tiêu "thịnh vượng chung" ít nhất 65 lần trong các bài phát biểu và cuộc họp trong năm nay, gấp hơn hai lần so với con số 30 lần hồi năm ngoái, theo Bloomberg.
Hiện chưa rõ các hàm ý chính sách của Bắc Kinh bao gồm những gì, nhưng gần đây chính phủ đã đề cập đến đợt "phân phối của cải lần ba". Đợt ba này tạo điều kiện cho các cá nhân và doanh nghiệp làm từ thiện, bên cạnh các biện pháp can thiệp thị trường của chính phủ.
Theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp, từ đầu năm đến nay, 7 tỷ phú Trung Quốc đã chi số tiền kỷ lục 5 tỷ USD cho các tổ chức từ thiện, vượt 20% so với tổng số tiền quyên góp của cả nước trong năm 2020.
Tuy nhiên, tổng các khoản quyên góp trong năm 2021 có thể cao hơn do doanh nghiệp và người nổi tiếng đã đóng góp hơn 600 triệu USD cho các nỗ lực cứu trợ lũ lụt ở tỉnh Hà Nam hồi tháng 7.
Ngoài ra, các ông lớn công nghệ cũng đã cam kết trích một phần lợi nhuận hiện tại và trong tương lai cho các dự án từ thiện.
Trong đó, Tencent Holdings hứa hẹn chi đến 15 tỷ USD cho các chương trình trách nhiệm xã hội và và Pinduoduo dự kiến quyên góp 10 tỷ nhân dân tệ cho một số dự án nông nghiệp.
Tình trạng bất bình đẳng thu nhập giữa 1,4 tỷ dân của Trung Quốc đã gia tăng đáng kể trong vài thập kỷ qua. Năm 2015, thu nhập của top 10% dân số chiếm 41% tổng thu nhập toàn quốc, tăng so với mức 27% vào năm 1978, theo ước tính của giáo sư Thomas Piketty và đồng nghiệp tại Trường Kinh tế Paris.
Tuy nhiên, một nửa dân số có thu nhập thấp hơn lại chứng kiến tỷ trọng của họ giảm từ 27% xuống còn khoảng 15% trong cùng giai đoạn.
Năm nay, người dân thành thị tại Thượng Hải có thu nhập khả dụng bình quân đầu người là hơn 7.000 nhân dân tệ/tháng, cao hơn nhiều so với mức trung bình 4.021 nhân dân tệ/tháng trên toàn quốc và gấp 4,5 lần so với thu nhập khả dụng của người dân nông thôn.