|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Thế giới nên biết ơn Trung Quốc vì vẫn kiên trì với 'Zero COVID'

14:33 | 09/02/2022
Chia sẻ
Nếu Trung Quốc mở cửa hoàn toàn thì kết quả rất có thể là sự gia tăng khủng khiếp của số ca mắc và tử vong vì COVID-19, khiến chuỗi cung ứng toàn cầu ngừng trệ, đẩy lạm phát lên cao hơn nữa.
Thế giới nên thấy mừng vì Trung Quốc chưa dẹp bỏ 'Zero COVID' - Ảnh 1.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Chính phủ Trung Quốc kiên quyết dập tắt mọi ổ dịch theo chiến lược Zero COVID. (Ảnh: Financial Times).

Trong hai năm qua, chính sách không khoan nhượng với COVID-19 đã giúp Trung Quốc tránh được số ca tử vong khủng khiếp và đảm bảo mọi loại hàng hóa, từ iPhone đến xe điện Tesla, được xuất sang phần còn lại của thế giới.

Theo Bloomberg, nếu người tiêu dùng và doanh nghiệp muốn tiếp tục mua hàng sản xuất từ Trung Quốc mà không phải tranh giành nhau, thì họ nên muốn nước này gắn bó với "Zero COVID" như chính sách của Chủ tịch Tập Cận Bình.

Nhưng thông điệp phổ biến bên ngoài Trung Quốc lại là phê phán quyết tâm dập tắt mọi ổ dịch của Bắc Kinh. Ngày càng nhiều người chỉ trích chiến lược này đe dọa nền kinh tế, gây rủi ro tới chuỗi cung ứng toàn cầu.

Thế giới nên thấy mừng vì Trung Quốc chưa dẹp bỏ 'Zero COVID' - Ảnh 2.

Nhân công mặc đồ bảo hộ cá nhân tại một cảng hàng hóa ở Thanh Đảo, Trung Quốc. (Ảnh: Getty Images).

Tháng trước bà Gita Gopinath, Phó Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nói rằng các nhà chức trách Trung Quốc cần "hiệu chỉnh" cách phản ứng với COVID-19, đồng thời cảnh báo sự gián đoạn bởi các đợt phong tỏa trong tương lai có thể "gây hậu quả rất nghiêm trọng tới chuỗi cung ứng toàn cầu".

Báo cáo tháng 1/2022 của Goldman Sachs viết rằng nếu nhiều tỉnh thành xuất hiện chủng Omicron trong mùa đông này và chính phủ ra lệnh phong tỏa toàn quốc, tăng trưởng của Trung Quốc có thể sụt xuống còn 1,5% trong 2022, mức thấp nhất kể từ 1976.

Những lo ngại trên là có cơ sở và thậm chí còn có thể tồi tệ hơn nếu COVID-19 tiếp tục lây lan. Nhưng trên thực tế, chúng chẳng thấm vào đâu nếu so với thiệt hại về con người và kinh tế nếu Trung Quốc từ bỏ Zero COVID, cho phép virus lây lan giữa 1,4 tỷ người dân nước này.

Sự gia tăng số ca nhiễm COVID-19 sau khi Trung Quốc mở cửa có thể sẽ tồi tệ hơn nhiều những nước khác. Bất chấp tỷ lệ tiêm chủng ấn tượng 87%, dân Trung Quốc vẫn rất dễ nhiễm bệnh do vắc xin của nước này kém hiệu quả hơn các loại vắc xin mRNA được các quốc gia khác sử dụng.

Đồng thời ông Yanzhong Huang, thành viên cấp cao về y tế toàn cầu tại Hội đồng Đối ngoại Quốc tế chỉ ra rằng thành công trong việc bảo vệ gần như tất cả mọi người khỏi COVID-19 cũng đồng nghĩa là Trung Quốc đối mặt với "khoảng cách miễn dịch lớn".

Mô hình của các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Bắc kinh cho thấy Trung Quốc sẽ đối mặt với "đợt bùng phát dịch khổng lồ" với hơn 630.000 ca nhiễm mỗi ngày nếu mở cửa như Mỹ. Ngay cả trong trường hợp duy trì được tỷ lệ tử vong thấp, số người chết vì COVID-19 hẳn vẫn sẽ cao hơn nhiều con số 4.636 trường hợp được ghi nhận trong hai năm qua. Dân số của Mỹ còn chưa bằng 1/4 Trung Quốc nhưng số ca tử vong đã vượt 900.000.

Các đợt bùng phát dịch tại Trung Quốc đều đã được dập tắt bởi biện pháp kiểm soát của chính phủ, ví dụ như 13 triệu người dân ở Tây An bị phong tỏa đến cuối tháng 1/2022. Cho đến nay, biện pháp liên tục xét nghiệm hàng loạt và truy vết là đủ để kiểm soát Omicron ở Bắc Kinh, Thiên Tân, Hàng Châu và những vùng khác.

Tuy các hạn chế buộc nhà máy và cảng biển phải đóng cửa tạm thời, các ngành công nghiệp của Trung Quốc nhìn chung đã vượt qua được đại dịch an toàn. Xuất khẩu lập kỷ lục hai năm liền 2020 và 2021. Nếu không nhờ dòng hàng hóa đều đặn đó, giá hàng nhập khẩu của Mỹ sẽ còn tăng nhanh hơn và tình trạng thiếu hụt sản phẩm càng thêm trầm trọng.

Thế giới nên thấy mừng vì Trung Quốc chưa dẹp bỏ 'Zero COVID' - Ảnh 3.

Trung Quốc khó có thể duy trì nguồn cung ổn định như vậy nếu mở cửa biên giới và loại bỏ kiểm soát COVID-19 trong nước. Australia, sau một thời gian dài duy trì giãn cách COVID-19 như Trung Quốc, hứng chịu số ca nhiễm và tử vong tăng vọt sau khi hầu hết các bang chấm dứt phong tỏa và ngừng yêu cầu cách ly bắt buộc với người nhập cảnh.

Khi chính phủ Trung Quốc từ bỏ Zero COVID thì phản ứng của người nước này rất có thể cũng sẽ tương tự như người Australia: Người dân ở nhà để tránh bị bệnh, chữa bệnh hoặc cách ly vì đã tiếp xúc gần với người mắc bệnh. Chỉ trừ khi lúc đó virus đã biến đổi thành thứ gì đó ít nguy hại hơn Omicron.

Trong những ngày đầu đại dịch 2020, nhiều người Trung Quốc tự cách ly mà chẳng cần chờ chính phủ ra lệnh. Nếu số ca nhiễm và tử vong tăng vọt trên đất nước, tình cảnh này có thể lặp lại lần nữa, đặc biệt nếu bệnh viện quá tải.

Thế giới nên thấy mừng vì Trung Quốc chưa dẹp bỏ 'Zero COVID' - Ảnh 4.

Một điểm xét nghiệm COVID-19 ở Bắc Kinh. (Ảnh: Getty Images).

Trong trường hợp đó, đòn giáng tới chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ tồi tệ hơn bất kỳ giai đoạn nào trong đại dịch từ trước đến nay. Nếu lao động nghỉ làm buộc nhà máy và cảng biển ở Trung Quốc đóng cửa hoặc giảm công suất, thì hiệu ứng lan tỏa sẽ như cơn sóng thần lao ra toàn thế giới.

Thiếu hụt hàng hóa trên diện rộng sẽ khiến lạm phát đã cao còn cao hơn nữa, đè nặng lên cuộc phục hồi kinh tế toàn cầu vốn đã mỏng manh vì Omicron.

Tuy Omicron đã chọc thủng lớp phòng vệ của Bắc Kinh, nhưng nhiều người cho rằng chính sách không khoan nhượng với COVID-19 vẫn sẽ kéo dài đến hết 2022 và lâu hơn nữa. Chính phủ Trung Quốc thừa nhận chính sách này có gây tổn thất nhưng tin rằng lợi ích còn lớn hơn nhiều, theo báo cáo của IMF.

Ngay cả những loại vắc xin tốt hơn cũng chưa chắc đã đủ để khiến Trung Quốc đổi ý vì các biến chủng mới có thể tránh né vắc xin. Ông Wu Zunyou trưởng nhóm dịch tễ học tại Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc nói với tờ Thời báo Hoàn cầu (Global Times) rằng Trung Quốc sẽ còn áp dụng chính sách hiện tại chừng nào các ca nhiễm nhập khẩu có thể gây ra đợt bùng phát lớn.

Nhưng hai năm qua cũng đã cho thấy rằng việc phong tỏa không có nghĩa là các nhà sản xuất và nhà xuất khẩu ngừng hoạt động mà ngược lại, hàng hóa vẫn được chất đầy lên tàu. Do vậy Trung Quốc gắn với Zero COVID càng lâu bao nhiêu thì càng tốt cho thế giới bấy nhiêu.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Giang