|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

[Phần 2] Hàng rào phòng ngự COVID của ông Tập ngày càng suy yếu: Chưa có giải pháp để thay thế 'Zero COVID'

15:43 | 19/01/2022
Chia sẻ
Theo các chuyên gia, vắc xin nội địa cũng là một phần nguyên nhân khiến chiến lược "Zero COVID" ngày càng trở nên kém hiệu quả. Song, cả về mặt vắc xin lẫn chính trị, Bắc Kinh vẫn chưa có giải pháp nào để thay thế chính sách không khoan nhượng với đại dịch.

Vắc xin nội là một phần vấn đề của Trung Quốc

Theo nhận định của Bloomberg, một phần vấn đề của Trung Quốc nằm ở vắc xin do chính nước này sản xuất.

Ban đầu, Trung Quốc dẫn đầu thế giới trong cuộc đua điều chế vắc xin. Đầu năm 2020, hai hãng dược Sinovac và Sinopharm đã thử nghiệm hai vắc xin bất hoạt và Trung Quốc là nước đầu tiên phê duyệt các vắc xin này cho nhân viên y tế tuyến đầu.

Cuối năm đó, Trung Quốc bắt đầu vận chuyển hàng trăm triệu liều vắc xin ra thế giới, giúp sản phẩm do các công ty dược nội địa điều chế trở thành trụ cột chính trong chương trình tiêm chủng ở Indonesia, Chile, Brazil, UAE,…

Tỷ lệ hiệu quả của các vắc xin Trung Quốc biến động thất thường ở các địa điểm thử nghiệm khác nhau, nhưng dù sao vẫn giúp bảo vệ người bệnh trước nguy cơ trở nặng và tử vong. Hơn nữa, điều quan trọng là các hãng dược ở Mỹ và châu Âu vẫn chưa điều chế thành công vắc xin mRNA ở thời điểm đó.

[Phần 2] Hàng rào phòng ngự COVID của ông Tập ngày càng suy yếu: Chưa có giải pháp để thay thế 'Zero COVID' - Ảnh 1.

Trong 6 tháng đầu năm 2021, Sinovac ghi nhận doanh thu 11 tỷ USD, tăng 161% so với cùng kỳ năm trước. Song, hãng cũng cảnh báo rằng tương lai có thể không xán lạn bằng khi phải đối mặt với sự cạnh tranh từ các vắc xin nước ngoài hiệu quả và sử dụng công nghệ mới hơn.

Sự xuất hiện của các biến chủng mới đã đặt ra câu hỏi rằng liệu vắc xin của Trung Quốc có còn hiệu quả hay không.

Cho đến nay, chưa ai có câu trả lời chắc chắn. Nghiên cứu từ Đại học Hong Kong cho thấy, ngay cả ba liều tiêm bất hoạt của Sinovac cũng không tạo đủ kháng thể để ngăn ngừa biến chủng mới.

Song, một nghiên cứu sơ bộ từ Chile, nơi hơn một nửa lượng vắc xin được triển khai đến từ Trung Quốc, chỉ ra rằng các mũi tiêm của Sinovac có thể kích hoạt phản ứng miễn dịch ở tế bào, tức là vắc xin này vẫn bảo vệ cho người bệnh trước nguy cơ trở nặng.

[Phần 2] Hàng rào phòng ngự COVID của ông Tập ngày càng suy yếu: Chưa có giải pháp để thay thế 'Zero COVID' - Ảnh 3.

Đường xá tại thành phố Anyang, tỉnh Hà Nam vắng lặng vì người dân phải ở yên trong nhà để chống dịch, ngày 13/1. (Ảnh: Getty Images).

Ông Tập chưa có giải pháp thỏa đáng

Theo một ước tính chính thức, chiến lược Zero COVID đã giúp Trung Quốc tránh được 1 triệu trường hợp tử vong và 50 triệu ca nhiễm. Mặc dù biến chủng Omicron có thể tương đối nhẹ ở các nước mà nó đã lan tới, cũng có thể là những nơi này đã có sẵn miễn dịch cộng đồng nhờ tỷ lệ lây nhiễm cao hoặc do chương trình tiêm chủng hiệu quả.

Tuy nhiên, ngay cả vậy thì Omicron vẫn lây lan rất nhanh chóng và đủ sức làm tắc nghẽn hệ thống bệnh viện tại nhiều quốc gia, Bloomberg lưu ý.

Ông Liang Wannian, quan chức cấp cao đã dẫn dắt cuộc chiến chống COVID-19 của chính phủ Trung Quốc từ năm 2020 đến nay, khẳng định rằng đất nước tỷ dân cần những biện pháp mạnh mẽ hơn để đứng vững trước Omicron. Tuy nhiên, một số chuyên gia khác lại muốn Trung Quốc cân nhắc chấm dứt chiến dịch Zero COVID.

[Phần 2] Hàng rào phòng ngự COVID của ông Tập ngày càng suy yếu: Chưa có giải pháp để thay thế 'Zero COVID' - Ảnh 5.

Tình nguyện viên chuẩn bị các nhu yếu phẩm cho những người dân bị cách ly tại Tây An, ngày 12/1. (Ảnh: Getty Images).

Chia sẻ với Bloomberg, ông Zeng Guang, cựu nhà dịch tễ học tại Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc, khuyến nghị rằng Trung Quốc nên học hỏi các nước khác cách mở cửa cũng như cân nhắc thay đổi chiến lược vì thiệt hại của Zero COVID hiện đã quá lớn so với lợi ích mà nó mang lại.

Ông Hu Xijin, cựu tổng biên tập của tờ Global Times, gần đây cũng cho biết người dân Trung Quốc đang có những lo ngại chính đáng về chính sách chống dịch, đồng thời cảnh báo rằng sự ủng hộ của công chúng đối với Zero COVID sẽ ngày càng xuống thấp.

Hiện tại, về mặt vắc xin, Trung Quốc không có nhiều lựa chọn trước mắt. Chính phủ có thể triển khai tiêm mũi thứ 3 hoặc thậm chí thứ 4 của các vắc xin bất hoạt. Ngoài ra, vắc xin mRNA của Pfizer-BioNTech đã qua được vòng đánh giá tại Trung Quốc và về lý thuyết có thể trở thành mũi tiêm tăng cường cho người dân.

Song, về mặt chính trị, việc sử dụng các vắc xin phương Tây ngay bây giờ sẽ làm suy yếu lời kêu gọi tự chủ nguồn cung vắc xin của Trung Quốc cũng như làm giảm tính ưu việt của các công nghệ nội địa.

Hơn nữa, Bắc Kinh có thể sẽ muốn "có qua có lại" với phương Tây. Tức là, nếu Trung Quốc phê chuẩn một vắc xin ngoại, Trung Quốc cũng muốn các nước phương Tây sử dụng vắc xin do mình sản xuất.

Khả năng cao là chính phủ Trung Quốc sẽ chờ đợi một vắc xin bất hoạt mới nhắm vào biến chủng Omicron, tương tự như cách các vắc xin cúm được điều chỉnh hàng năm, Bloomberg nhận định.

Đầu tuần này, chính phủ đã công bố một loạt dữ liệu kinh tế gây sốc. GDP năm 2021 tăng 8,1% - cao hơn mục tiêu của Bắc Kinh, nhưng tăng trưởng của quý IV đã hụt hơi thấy rõ so với quý III. Đồng thời, doanh số bán lẻ cũng thấp hơn dự báo và đầu tư cũng chững lại.

Sự giảm tốc của nền kinh tế buộc giới quan chức phải tăng cường chi tiêu ngay từ đầu năm để thúc đẩy đầu tư và hoạt động kinh tế. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã cắt giảm lãi suất chính sách để hỗ trợ tăng trưởng, lần đầu tiên kể từ đầu 2020.

Kết quả kinh tế kém lạc quan và phản ứng của PBoC cho thấy mức độ căng thẳng của chính quyền Bắc Kinh. Ông Tập đã đặt mục tiêu dài hạn là đẩy mạnh tiêu dùng trong nước và bớt phụ thuộc vào nhu cầu của nước ngoài, nhưng chiến lược Zero COVID đã đảo ngược mọi thứ.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Yên Khê