|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

[Phần 1] Hàng rào phòng ngự COVID của ông Tập ngày càng suy yếu: Khi những quân cờ domino đổ rạp trước Delta và Omicron

12:50 | 19/01/2022
Chia sẻ
Ngay cả trước khi biến chủng Omicron xuất hiện, chiến lược "Zero COVID" của Chủ tịch Tập Cận Bình đã bắt đầu suy yếu, như những quân cờ domino đổ rạp.

"Zero COVID" có thể sụp đổ tại Trung Quốc

Sau hơn hai năm đại dịch bùng phát, hầu hết quốc gia trên thế giới đều đã tiến tới sống chung với COVID, chấp nhận virus SARS-CoV-2 như một phần của cuộc sống hàng ngày.

Trung Quốc, nơi mầm bệnh xuất hiện đầu tiên, lại tồn tại trong một thực tế khác. Đến giờ, chính quyền Chủ tịch Tập Cận Bình vẫn kiên quyết theo đuổi chiến lược "Zero COVID" nhưng tình hình dường như đang ngày càng khó kiểm soát.

Dù Bắc Kinh đã khóa chặt biên giới và đạt tỷ lệ tiêm chủng gần 90%, biến chủng Omicron đã xuất hiện tại tất cả thành phố lớn cũng như tại 7 trong tổng cộng 31 tỉnh của Trung Quốc.

Tình trạng phong tỏa tại nhiều thành phố và tắc nghẽn nghiêm trọng tại các cảng biển lớn ngày càng phổ biến. Chưa kể, cái giá về sinh mạng con người cũng đang lớn dần, dù liên quan trực tiếp hay gián tiếp tới COVID-19.

[Phần 1] Hàng rào phòng ngự COVID của ông Tập ngày càng suy yếu: Khi những quân cờ domino đổ rạp trước Delta và Omicron - Ảnh 1.

Người dân lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 trong đêm ở thành phố Thiên Tân, ngày 15/1. (Ảnh: Getty Images).

Trên thực tế, Trung Quốc đã không còn "zero COVID" trong nhiều tháng qua vì mỗi ngày đều ghi nhận trung bình hàng trăm ca nhiễm mới và khi mỗi biến chủng mới xuất hiện, rủi ro cho ông Tập và phần còn lại của thế giới càng tăng lên.

Trên danh sách các rủi ro chính trị toàn cầu của năm 2022, Eurasia Group cho rằng sự thất bại của chiến lược Zero COVID mà Trung Quốc đang thực hiện là nguy cơ số một, Bloomberg cho hay.

Báo cáo của Eurasia dự đoán rằng đất nước tỷ dân sẽ không thể ngăn chặn hoàn toàn Omicron và các biến chủng tiếp theo, buộc lòng chính phủ phải phong tỏa nhiều hơn và chuỗi cung ứng do đó sẽ tiếp tục bị gián đoạn.

"Tăng trưởng thấp, lạm phát cao và bất bình đẳng ngày càng lớn sẽ khiến công chúng càng bất mãn với chính phủ. Bất ổn chính trị sẽ sinh ra từ đó và có thể nghiêm trọng đến mức chúng ta chưa từng thấy kể từ những năm 1990", báo cáo có đoạn.

Ngoài ra, do số lượng ca nhiễm quá thấp so với các nước khác, dân số Trung Quốc hầu như chưa hình thành được khả năng miễn dịch tự nhiên. Điều này sẽ khiến công chúng phải phụ thuộc hoàn toàn vào vắc xin.

Biến chủng Omicron có thể tương đối nhẹ, nhưng nó dễ lây lan hơn nhiều. Chỉ cần một vài ca nhiễm cũng có thể gây ra một đợt bùng phát lớn, khiến hệ thống miễn dịch của cả Trung Quốc lung lay.

[Phần 1] Hàng rào phòng ngự COVID của ông Tập ngày càng suy yếu: Khi những quân cờ domino đổ rạp trước Delta và Omicron - Ảnh 2.

Từng quân domino đổ rạp, báo hiệu tương lai đen tối

Trải qua 18 tháng đầu của đại dịch, các biện pháp không không khoan nhượng của Trung Quốc đã giúp hầu hết người dân trở lại cuộc sống bình thường, trong khi phần còn lại của thế giới trải qua tổn thất nặng nề.

Sang năm 2021, ngay cả khi nhà máy phải đóng cửa đột ngột để chống dịch, các doanh nghiệp tại đất nước tỷ dân vẫn lập kỷ lục về xuất khẩu trong 10 tháng đầu năm, với kim ngạch xuất khẩu tăng 31% so với cùng kỳ năm trước.

Song, cuộc chiến giữ cho đất nước sạch bóng COVID trở nên khó khăn hơn sau khi biến chủng Delta xuất hiện vào tháng 5 năm ngoái. Giáp biên với Myanmar, thị trấn Ruili của tỉnh Vân Nam đã mạnh tay đến mức lắp dây thép gai dọc biên giới để ngăn chặn những người vượt biên có nguy cơ mang theo virus SARS-CoV-2.

Tuy nhiên, các ca nhiễm mới vẫn khiến chính quyền địa phương phải phong tỏa 4 lần trong 7 tháng, buộc nhiều doanh nghiệp nhỏ phải đóng cửa. Cư dân phải xét nghiệm thường xuyên và không ai ngoại lệ. Một trong những cư dân trẻ nhất của Ruili, một em bé hai tuổi, đã bị ngoáy mũi tới 74 lần, truyền thông địa phương đưa tin.

Ông Dai Rongli, cựu Phó Thị trưởng Ruili, bày tỏ: "Mỗi lần phong tỏa là một lần tổn thất nặng nề về tinh thần và vật chất. Mỗi cuộc chiến chống lại COVID-19 đều gây thêm đau đớn cho người dân".

[Phần 1] Hàng rào phòng ngự COVID của ông Tập ngày càng suy yếu: Khi những quân cờ domino đổ rạp trước Delta và Omicron - Ảnh 3.

Sinh viên tại Đại học Bách khoa Tây Bắc (tại thành phố Tây An) xếp hàng chờ xét nghiệm. (Ảnh: Getty Images).

Đến giữa tháng 10, chuỗi ngày không có ca bệnh ở Trung Quốc đã chấm dứt và những nỗ lực nhằm ngăn chặn virus lây lan ngày càng trở nên hà khắc. Vào Halloween, Disneyland Thượng Hải đã tạm giữ 34.000 khách để xét nghiệm sau khi một khách tham quan công viên có kết quả dương tính.

Dù chỉ có một ca nhiễm COVID-19 duy nhất, một quận nhỏ ở miền đông Trung Quốc đã chuyển đèn đường sang màu đỏ rất lâu để ngăn mọi người di chuyển, Bloomberg liệt kê thêm.

Sang tháng 11, khi một giáo viên và học sinh ở Bắc Kinh có kết quả xét nghiệm dương tính, chính phủ đã ra lệnh phong tỏa hàng trăm học sinh và nhân viên của trường học này. Phụ huynh lo lắng chờ đợi bên ngoài cổng trường suốt đêm. Cuối cùng, một số người phải khăn gói đi cách ly cùng con cái họ.

Đến tháng 12, biến chủng Delta đã tấn công Tây An, thành phố lớn thứ 10 của Trung Quốc và phản ứng của chính quyền địa phương đã khiến công chúng bức xúc. Các nhà chức trách đã cấm người dân mua đi chợ nhưng không giao đồ ăn cho họ.

Một số bắt đầu trao đổi với hàng xóm, chẳng hạn như đổi gói thuốc lá lấy gói mì tôm và các loại thực phẩm khác. Một người phụ nữ nước mắt giàn giụa đã đăng một đoạn video lên mạng, cầu xin y tế địa phương cho cô rời căn hộ đi mua băng vệ sinh.

Hai phụ nữ mang thai đã mất con sau khi bệnh viện từ chối tiếp nhận vì quy định chống dịch. Một người đàn ông khoảng 60 tuổi đã chết sau khi lên cơn đau tim. Ông bị một số bệnh viện từ chối vì không có giấy xét nghiệm COVID. Khi đã có giấy trong tay và nhận kết quả âm tính, thì mọi thứ đã quá muộn.

Đó là những chuyện đã xảy ra ở Trung Quốc trước khi Omicron xuất hiện. Siêu biến chủng mới lần đầu được phát hiện ở Thiên Tân, sau đó đã lan tới thành phố cảng Đại Liên, trung tâm chính trị Bắc Kinh, trung tâm tài chính Thượng Hải và trung tâm công nghệ Thâm Quyến.

Chính quyền Thiên Tân đã ra lệnh xét nghiệm trên toàn thành phố, đồng thời đóng cửa doanh nghiệp trong nửa ngày. Toyota và Volkswagen phải tạm dừng hoạt động để tuân theo chỉ thị xét nghiệm diện rộng. Airbus, vốn có một trung tâm lắp ráp ở Thiên Tân, cho biết biến chủng Omicron có thể ảnh hưởng đến sản lượng và nhu cầu máy bay ở Trung Quốc.

Chỉ còn chưa đầy hai tuần nữa là tới Tết Nguyên đán, chính quyền nhiều địa phương đã cảnh báo rằng nếu người dân về quê nghỉ lễ, họ có thể không quay trở lại được vì các biện pháp ngăn chặn COVID-19.

Yên Khê

Khối ngoại chưa dừng bán ròng tuần VN-Index hồi phục
Bất chấp xu hướng hồi phục của TTCK, NĐT nước ngoài đẩy mạnh bán ròng gần 5.200 tỷ đồng trên HOSE. Điểm sáng là trong phiên cuối tuần khối ngoại đảo chiều mua ròng nhẹ hơn 31 tỷ đồng. Đây là phiên mua ròng đầu tiên sau 21 ngày bán ròng liên tiếp.