|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Trung Quốc: Thực trạng u ám đằng sau con số tăng trưởng GDP 8,1%

19:56 | 18/01/2022
Chia sẻ
Trung Quốc thông báo tăng trưởng kinh tế năm 2021 đạt mức tương đối cao là 8,1%. Con số này không thể hiện hết hàng loạt vấn đề nan giải mà đất nước tỷ dân đang phải đối mặt.

Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) ngày 17/1 cho biết tổng sản lượng quốc nội (GDP) quý IV/2021 chỉ tăng trưởng 4% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn đáng kể so với con số tăng trưởng 4,9% của quý III.

Nhu cầu của thế giới đối với hàng tiêu dùng điện tử, đồ thội thất và nhiều mặt hàng gia dụng khác đã giúp Trung Quốc đẩy mạnh xuất khẩu và nâng cao sản lượng. Tính chung cả năm 2021, GDP của đất nước tỷ dân tăng 8,1% so với năm 2020. Tuy nhiên, đa phần tăng trưởng đến từ nửa đầu năm.

Trung Quốc: Thực trạng u ám đằng sau con số tăng trưởng GDP 8,1% - Ảnh 1.

Nền kinh tế chậm lại đáng kể trong những tháng cuối năm khi Trung Quốc hạn chế hoạt động đầu cơ bất động sản, khiến cho hàng loạt lĩnh vực khác bị vạ lây. Các biện pháp phong tỏa và hạn chế đi lại cũng ảnh hưởng tiêu cực tới chi tiêu tiêu dùng. Chính sách thắt chặt quản lý với các ngành từ công nghệ thông tin đến dạy thêm đã khiến hàng triệu việc làm biến mất.

Những vấn đề của Trung Quốc – đầu tàu của nền kinh tế toàn cầu trong vài năm qua – khiến nguy cơ giảm tốc của cuộc hồi phục kinh tế thế giới ngày càng hiện hữu.

Đã vậy, biến thể Omicron của dịch COVID-19 đang lây lan trên khắp Trung Quốc khiến các biện pháp phong tỏa càng nghiêm ngặt hơn, đe dọa làm đứt gãy chuỗi cung ứng thêm lần nữa.

Sự giảm tốc của nền kinh tế là một bài toán làm đau đầu giới lãnh đạo Trung Quốc. Các chính sách được thực thi thời gian gần đây nhằm giải quyết vấn đề bất bình đẳng xã hội và kiểm soát các tập đoàn lớn là một phần trong kế hoạch dài hạn vì mục tiêu bảo vệ nền kinh tế và an ninh quốc gia. Tuy vậy, theo New York Times, các quan chức đang lo ngại những bất ổn kinh tế ngắn hạn, đặc biệt là trong một năm có tầm quan trọng chính trị đặc biệt như 2022.

Trong tháng 2 tới, Trung Quốc sẽ khai mạc Thế vận hội mùa đông (Winter Olympics) ở Bắc Kinh và do vậy thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế. Đến mùa thu, Chủ tịch Tập Cận Bình nhiều khả năng sẽ bắt đầu đảm nhận nhiệm kỳ thứ 3.

Phát biểu trực tuyến tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) vào ngày 17/1, ông Tập tỏ ra lạc quan: "Chúng tôi hoàn toàn tin tưởng vào tương lai của nền kinh tế Trung Quốc".

Trong bối cảnh tăng trưởng đang chậm lại, nhu cầu suy yếu và khối nợ vẫn ở mức cao kỷ lục, Chủ tịch Tập Cận Bình có thể phải đối mặt với những thách thức kinh tế nghiêm trọng nhất kể từ cuộc cải cách dưới thời nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình 4 thập kỷ trước.

Cuối tháng 12 vừa qua, nhà kinh tế nổi tiếng Li Daokui, một cố vấn của chính phủ Trung Quốc nhận định: "Tôi e rằng sự vận hành và phát triển của kinh tế Trung Quốc trong vài năm tới sẽ tương đối khó khăn. Nhìn tổng thể 5 năm, đây có lẽ là quãng thời gian khó khăn nhất kể từ khi chúng ta mở cửa 40 năm về trước".

Trung Quốc cũng đang phải đối mặt với vấn đề dân số già hóa nhanh chóng, đe dọa tạo thêm gánh nặng lên nền kinh tế và lực lượng lao động. Cục Thống kê quốc gia ngày 17/1 cho biết tỷ lệ sinh của Trung Quốc trong năm ngoái suy giảm mạnh và không cao hơn tỷ lệ tử là bao.

Trung Quốc: Thực trạng u ám đằng sau con số tăng trưởng GDP 8,1% - Ảnh 2.

Năm 2021, tỷ lệ sinh của Trung Quốc là 7,52/1.000 trong khi tỷ lệ tử là 7,18/1.000, dẫn tới tốc độ gia tăng dân số tự nhiên chỉ là 0,34/1.000.

Kinh tế tư nhân chật vật

Giá nhiều loại nguyên vật liệu lên cao, dịch bệnh hoành hành khiến người dân phải ở nguyên trong nhà, vì thế mà hàng triệu hộ kinh doanh và công ty tư nhân đã sập tiệm. Đây là một vấn đề lớn do doanh nghiệp tư nhân là xương sống của nền kinh tế Trung Quốc, đóng góp 3/5 sản lượng và 4/5 việc làm ở thành thị.

Ba năm trước, ông Kang Shiqing đầu tư phần lớn tiền tiết kiệm của mình để mở một cửa hàng quần áo nữ ở thành phố Nam Bình, tỉnh Phúc Kiến. Khi đại dịch bùng phát đầu 2020, số khách hàng sụt giảm rõ rệt và đến giờ vẫn chưa hồi phục.

Tương tự như nhiều quốc gia khác, Trung Quốc cũng đang chứng kiến sự chuyển đổi sang mua sắm online để giảm chi phí lao động và thuê mặt bằng. Các cửa hàng như của ông Kang vẫn phải trả tiền thuê nhà trong thời dịch. Đến tháng 6/2021, ông không gắng gượng nổi và phải đóng cửa, New York Times cho biết.

Một vấn đề dai dẳng khác với doanh nghiệp nhỏ ở Trung Quốc là chi phí đi vay cao, thường lên tới hàng chục % mỗi năm trên thị trường tự do. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc hiểu rõ những thách thức mà doanh nghiệp tư nhân gặp phải. Thủ tướng Lý Khắc Cường đã hứa sẽ tiếp tục cắt giảm các loại thuế, phí để giúp đỡ nhóm doanh nghiệp nhỏ.

Hôm 17/1, ngân hàng trung ương Trung Quốc hạ lãi suất, từ đó giảm bớt gánh nặng tài chính với các tập đoàn bất động sản.

Xây dựng đình trệ

Ngành xây dựng và trang trí nhà cửa chiếm khoảng 1/4 nền kinh tế Trung Quốc. Mùa thu 2021, lĩnh vực quan trọng này lao đao. Chính phủ muốn kìm hãm đầu cơ và xì hơi bong bóng từng khiến cho giá nhà vượt xa tầm với của các gia đình trẻ.

Evergrande chỉ là cái tên lớn nhất và được nhắc tới nhiều nhất trong một bản danh sách dài các doanh nghiệp bất động sản Trung Quốc lâm vào khủng hoảng tài chính gần đây. Kaisa, China Aoyuan Property và Fantasia cũng đang chật vật xoay xở tiền trả nợ khi các nhà đầu tư không còn muốn rót vốn vào bất động sản.

Khi các doanh nghiệp cố tiết kiệm tiền mặt, số công trình mới giảm rõ rệt, khiến cho nền kinh tế cũng đình trệ theo. Giá thép xây dựng dùng để gia cố bê tông giảm khoảng 25% trong tháng 10 và 11 rồi mới ổn định ở mức thấp trong tháng 12.

Giá nhà suy giảm ở các thành phố nhỏ khiến tài sản của nhiều người bị thu hẹp và dẫn tới tiêu dùng đi xuống. Ở Bắc Kinh và Thượng Hải, giá các căn hộ không còn tăng liên tục như trước.

Nhà kinh tế Hu Jinghui, cựu Chủ tịch Liên đoàn Bất Động sản Trung Quốc cho rằng áp lực tài chính của Evergrande "là một dấu hiệu cho thấy dòng tiền sẽ bị đẩy từ bất động sản sang thị trường cổ phiếu. Các chính sách có thể được nới lỏng nhưng thị trường sẽ không quay lại thời quá khứ".

Chính quyền địa phương đau đầu

Thị trường nhà ở giảm tốc cũng khiến cho các chính quyền địa phương thiệt hại nặng nề do mất đi nguồn thu từ bán đất cho doanh nghiệp.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ước tính doanh số bán đất của chính quyền mỗi năm tương đương 7% sản lượng kinh tế của Trung Quốc. Trong những tháng gần đây, các doanh nghiệp đã thắt chặt hầu bao.

Không còn nguồn thu từ bán đất, một số chính quyền địa phương đã dừng tuyển dụng công chức và cắt giảm tiền lương, làm dấy lên làn sóng phẫn nộ trên mạng xã hội.

Ở Hàng Châu, thủ phủ của tỉnh Chiết Giang, một công chức phàn nàn vì bị cắt 25% thu nhập và thông tin này nhanh chóng lan rộng trên mạng Internet. Ở tỉnh Hắc Long Giang, chính quyền thông báo sẽ không tuyển thêm nhân viên "cấp thấp".

Một số địa phương còn tăng cường thu phí từ doanh nghiệp để bù đắp phần hụt thu. Trong ba tháng 10 - 12, thành phố Bá Châu ở tỉnh Hà Bắc thu tiền từ xử phạt doanh nghiệp nhỏ nhiều gấp 11 lần so với tổng 9 tháng đầu năm. Chính quyền trung ương tại Bắc Kinh đã nhanh chóng khiển trách địa phương này vì đi ngược lại nỗ lực quốc gia trong việc cắt giảm chi phí kinh doanh.

Trông cậy vào đầu tư công

Nhu cầu trên thế giới tăng cao, đặc biệt là với hàng tiêu dùng, đã thúc đẩy hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc. Đầu tư công nghiệp tăng trưởng 13,5% so với 2020.

Một số lĩnh vực tiêu dùng diễn biến khả quan, nhất là hàng xa xỉ như xe hơi thể thao và đồ trang sức. Doanh số bán lẻ tăng 12,5% so với mức thấp trong năm 2020. Tuy nhiên doanh số của tháng 12 lại thấp hơn tháng 11 do các biện pháp hạn chế phòng dịch khiến nhiều người không được ra ngoài.

Đa số chuyên gia cho rằng Bắc Kinh sẽ không để nền kinh tế suy thoái nghiêm trọng trong năm diễn ra Đại hội đảng. Các nhà kinh tế kỳ vọng chính phủ sẽ nới lỏng quy định cho vay và tăng cường chi tiêu công.

Ông Zhu Ning, Phó Viện trưởng Viện Tài chính Cao cấp Thượng Hải cho rằng: "Nửa đầu năm 2022 sẽ rất khó khăn nhưng nửa sau sẽ có hồi phục".

Tờ Global Times (Thời báo Hoàn cầu) phủ nhận tác động tiêu cực của chính sách phòng dịch hà khắc "Zero COVID" tới kinh tế Trung Quốc: "Truyền thông Phương Tây phóng đại rằng chính sách Zero COVID gây thiệt hại khổng lồ tới nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, nhưng các nhà phân tích đã phản bác nhận định này và chỉ ra rằng chiến lược Zero COVID gây tổn thất nhỏ mà vẫn đảm bảo công xưởng lớn nhất của thế giới hồi phục mạnh mẽ và cung cấp hàng hóa cho toàn cầu".


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Song Ngọc

Trước thềm Diễn đàn Đầu tư Việt Nam: Đầu tư thụ động trong bối cảnh vĩ mô không chắc chắn
Trong năm 2024, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn đang ở mức thấp. 4 ngân hàng quốc doanh có mức huy đông kỳ hạn 12 tháng đang ở mức 4,6%-5,0%. Trong khi đó thị trường trái phiếu, cũng như thị trường bất động sản đều chưa phục hồi, dẫn đến thiếu các kênh đầu tư tài chính hấp dẫn. Lượng tiền gửi trong ngân hàng đang ở mức cao nhất trong lịch sử đạt gần 6,84 triệu tỷ đồng vào tháng 7/2024.