|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Cuộc chiến sắp tới tại miền đông Ukraine sẽ diễn ra như thế nào?

08:33 | 09/04/2022
Chia sẻ
Theo nhiều chuyên gia quân sự Phương Tây, việc Nga chuyển lực lượng từ bao vây Kiev sang tấn công miền đông Ukraine sẽ báo hiệu một cuộc xung đột kéo dài.

Theo CNBC, Nga đã thay đổi chiến lược quân sự tại Ukraine, tái bố trí lực lượng ở miền đông nhằm giành quyền kiểm soát khu vực Donbas.

Các nhà phân tích Phương Tây coi sự thay đổi trong cách tiếp cận của Nga là một sự thừa nhận thất bại ngầm, và Ukraine đã cản trở nỗ lực của Moscow nhằm nhanh chóng chiếm được các thành phố lớn và lật đổ chính phủ.

Theo các nhà phân tích, giai đoạn tiếp theo của cuộc chiến có thể dẫn đến tình trạng bế tắc nguy hiểm, làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nhân đạo vốn đã tàn khốc khi Nga tìm cách thiết lập toàn quyền kiểm soát hai nước cộng hòa ly khai Donetsk và Luhansk.

Ông Sergei Rudskoy, Phó tổng tham mưu trưởng Lực lượng vũ trang Nga, thông báo rằng quân đội Moscow đang chuyển hướng khỏi một cuộc tấn công trên quy mô toàn Ukraine. Thay vào đó, ông Rudskoy cho biết mục tiêu của Điện Kremlin là tập trung nỗ lực vào việc “giải phóng hoàn toàn” vùng Donbas.

Giám đốc điều hành khu vực EMEA (Châu Âu, Trung đông và Châu Phi) và nghiên cứu chính trị toàn cầu tại TS Lombard, ông Christopher Granville, nói với CNBC qua điện thoại: “Đối với tôi, có vẻ như đây là tin tức lớn nhất kể từ khi xung đột bắt đầu."

Ông Granville cho rằng việc Nga tập trung lại quân đội ở phía đông Ukraine báo trước “một số chuyện kinh hoàng có thể xảy ra”. Ông nêu mối quan tâm đặc biệt đối với Slovyansk và Kramatorsk, hai thành phố lớn nằm ở phía bắc tỉnh Donetsk.

 

Mục tiêu rõ ràng

Các lực lượng Ukraine đã chiến đấu với phe ly khai ở Kramatorsk vào năm 2014. Ông Granville cho biết thành phố Slovyansk gần đó được biết là có “ý nghĩa biểu tượng” đối với lực lượng ly khai Donbas.

Theo các nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu Chiến tranh, Nga vẫn chưa đưa lực lượng khu vực Kiev sang phía đông, nhưng quân đội Moscow được cho là đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công vào Slovyansk.

 

Ông Granville nói: “Tôi nghĩ từ quan điểm quân sự, cần phải có câu hỏi về thành công và tinh thần. Những người lính Nga đóng quân gần Kiev và phải chịu các đợt tấn công của Ukraine hằng ngày, mục đích là gì? Họ đang cố gắng làm gì?”

“Theo lẽ thường, quân đội cần phải có mục tiêu và mục tiêu tự nhiên của cuộc tấn công là giành được lãnh thổ. Đây là chiến dịch ở Donbas, ”ông nói thêm. 

“Những người lính Nga đang chiến đấu ở Ukraine sẽ nhìn thấy những gì họ đang chiến đấu và nhìn thấy sự tiến bộ khi chuyển sang tấn công ở vùng Donbas. Tôi nghĩ rằng sự thay đổi mục tiêu này là đúng từ cấp cao của Bộ Tổng tham mưu Nga cho đến các chỉ huy và những người lính trên chiến trường”.

Hành lang trên bộ

Ông Jonathan Flint, một chiến lược gia quân sự và trợ giảng tại Đại học Case Western Reserve ở Cleveland tin rằng có hai con đường để Nga đạt được các mục tiêu quân sự mới của mình.

Ông Flint nói với CNBC: “Một là Nga sẽ rút lui đến nơi an toàn tương đối, và sử dụng cơ hội này để tái vũ trang, tái tổ chức và củng cố lực lượng cho một cuộc tiến công mới vào lãnh thổ Ukraine”.

Tuy nhiên, cách tiếp cận này không phải là không có rủi ro, đặc biệt là khi các lực lượng Ukraine có thể băng qua biên giới để giao chiến với Nga và nỗ lực tấn công lần hai có thể thất bại như lần đầu tiên.

“Lựa chọn khác sẽ là cố thủ, khiến cho tất cả những khu vực này không thể bị quân Ukraine chiếm lại” ông Flint nói. “Đây là con đường khôn ngoan hơn cho Nga, bởi vì bằng cách đóng băng cuộc xung đột, về cơ bản, Nga sẽ ngăn Ukraine gia nhập EU hoặc NATO trong tương lai bất chấp mọi cam kết trong các cuộc đàm phán hòa bình”.

Thành viên cấp cao về an ninh và quốc phòng tại Quỹ Marshall của Đức, ông Bruno Lete, trả lời CNBC rằng mặc dù các lực lượng Nga đã thua trận ở Kiev, nhưng cuộc chiến kéo dài gần 6 tuần của Điện Kremlin vẫn chưa kết thúc.

“Ngoài phía đông, chúng ta cũng phải nhìn vào phía nam của Ukraine”. Ông Lete cho biết các khu vực rộng lớn ở bờ biển phía đông Crimea của Ukraine đã bị chiếm đóng. 

“Rõ ràng Nga đang cố gắng thiết lập một cầu nối trên bộ giữa Crimea và Nga. Nếu Mariupol thất thủ, Nga sẽ thành công ”.

 

Tình báo quân sự Anh hôm 6/4 đưa tin rằng chiến sự tại Mariupol vẫn xảy ác liệt. Nga dường như muốn gây áp lực buộc các lực lượng Ukraine trong thành phố cảng phía nam Ukraine bị bao vây phải đầu hàng.

Ông Lete nói rằng Nga cũng có thể xem xét tăng cường các cuộc tấn công vào thành phố cảng Odesa trên bờ Biển Đen để thiết lập một hành lang từ Crimea đến Transnistria (khu vực ly khai của Moldova hiện có quân Nga làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình).

“Người Ukraine có khả năng tự vệ trên bộ, nhưng trên không thì kém hơn rất nhiều. … Do đó, trong những ngày đầu của giai đoạn sau, có thể Nga sẽ tiến hành các cuộc tấn công bằng tên lửa và không kích vào các cơ sở hạ tầng quan trọng,” ông nói thêm.

Cuộc chiến sẽ kéo dài

Nga rút lui khỏi vùng ngoại ô Kiev cùng lúc Phương Tây tố cáo tội ác chiến tranh tại thị trấn Bucha. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã cáo buộc Nga phạm tội diệt chủng ở Ukraine, trong khi Tổng thống Mỹ Joe Biden kêu gọi xét xử Putin vì tội ác chiến tranh.

Điện Kremlin bác bỏ cáo buộc thảm sát dân thường tại ngoại ô Kiev và tố cáo Ukraine thực hiện một âm mưu nhằm bôi nhọ quân đội Nga.

Ông Fabrice Pothier, Giám đốc điều hành của công ty tư vấn chính trị Rasmussen Global, cho biết mục tiêu của Nga dường như là củng cố lãnh thổ đã có ở phía đông Donbas kể từ năm 2014.

"Tôi nghĩ đây là một trò chơi xem ai có thể giữ lâu hơn và ai có thể thuyết phục dân thường rằng cuộc chiến là xứng đáng với cái giá phải trả", ông Pothier trả lời phỏng vấn của CNBC vào hôm 5/4. 

“Tôi nghĩ rằng hiện tại Tổng thống Zelensky đang rất vững vàng, miễn là còn nhận được sự hỗ trợ phù hợp từ Phương Tây.”

Mặt khác, Tổng thống Putin cũng đang có sự ủng hộ mạnh mẽ từ bên trong nước Nga. Tuy nhiên theo ông Pothier, sự ủng hộ này tồn tại trong thời gian bao lâu là điều không chắc chắn. 

Cuối cùng, theo ông Christopher Granville thuộc TS Lombard, cuộc tấn công của Nga có khả năng trở thành một cuộc chiến tiêu hao. “Đối với tôi, dường như Nga sẽ trở nên phòng thủ hơn… và đây là công thức cho một cuộc xung đột kéo dài”.

Chiến lược gia quân sự Jonathan Flint cũng nghi ngờ về bước đột phá có thể xảy đến trong các cuộc đàm phán hòa bình: “Chỉ khi một bên cảm thấy nỗi đau không thể chịu đựng được nữa, mới có sự thay đổi hướng tới hòa bình”.

Minh Quang