|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

EU nhập khẩu năng lượng từ Nga nhiều gấp 35 lần tài trợ vũ khí cho Ukraine

22:32 | 07/04/2022
Chia sẻ
Mặc cho những tuyên bố ủng hộ Ukraine, Liên minh Châu Âu vẫn tăng cường nhập khẩu năng lượng từ Nga, thậm chí còn hơn mức trước xung đột. Qua 6 vòng trừng phạt, dầu khí của Nga vẫn chảy vào EU.

Giúp Nga nhiều hơn Ukraine

Theo The Telegraph, người đứng đầu các vấn đề đối ngoại EU thừa nhận Liên minh Châu Âu đã chi cho nhập khẩu năng lượng của Nga nhiều hơn 35 lần so với vũ khí cho Ukraine kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu.

Đại diện Cấp cao Liên minh châu Âu về Chính sách Đối ngoại và An ninh Josep Borrell nói với Nghị viện Châu Âu rằng EU đã trả cho Moscow 35 tỷ EUR tiền năng lượng, so với chỉ 1 tỷ EUR viện trợ vũ khí cho Kiev.

Trong khi ông Borrell nói rằng mặc dù số tiền 1 tỷ EUR mà châu Âu tài trợ vũ khí cho Ukraine trong một tháng trông “có vẻ nhiều” nhưng “1 tỷ EUR là số tiền EU trả cho Nga mỗi ngày để mua năng lượng”.

Lính phòng thủ lãnh thổ của Ukraine với tên lửa chống tăng Panzerfäust 3 được Đức viện trợ. (Ảnh: mil.in.ua).

Theo dữ liệu từ Bloomberg, nhập khẩu khí đốt của Nga vào EU hiện nay là 976 gigawatt giờ/ngày, tăng từ mức 370 gigawatt giờ/ngày trước khi Nga thực hiện chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kêu gọi áp dụng các biện pháp trừng phạt mới chống lại Nga sau cáo buộc về vụ giết hại dân thường trên đường phố Bucha. Ông Macron muốn các biện pháp cấm vận mạnh hơn nữa đối với xuất khẩu than và dầu của Nga.

Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht cho biết EU phải bắt đầu các cuộc đàm phán về việc cấm nhập khẩu từ Nga bất chấp lo ngại về tác động đối với các hộ gia đình Châu Âu.

Chủ tịch Hội đồng EU Charles Michel nói rằng mình "bị sốc trước những hình ảnh về những hành động tàn bạo mà Nga gây ra" và "các biện pháp trừng phạt và hỗ trợ của EU đang tiếp tục được tiến hành".

Hành động cụ thể

Anh tuyên bố sẽ chấm dứt mọi sự phụ thuộc vào than và dầu của Nga vào cuối năm nay và khí đốt sau đó “càng sớm càng tốt”.

Bộ trưởng Ngoại giao Anh Liz Truss kêu gọi các đồng minh châu Âu và G7 đồng ý với một thời gian biểu để chấm dứt mọi hoạt động nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch từ Nga.

Khi các Ngoại trưởng NATO và G7 gặp nhau tại Brussels, bà cảnh báo rằng Anh sẽ không bao giờ bình thường hóa quan hệ với Moscow cho đến khi các nhà lãnh đạo của Nga phải đối mặt với công lý vì những cáo buộc tội ác chiến tranh ở Ukraine. 

Bà Truss nói với The Telegraph: “Bây giờ là lúc phải mạnh mẽ để ngăn chặn hành động Nga. Chúng ta phải đi xa hơn nữa để làm tê liệt Moscow thông qua các lệnh trừng phạt".

 

Anh áp đặt lệnh đóng băng tài sản đối với Sberbank, ngân hàng lớn nhất của Nga. Ngoài ra, London cũng cấm đầu tư vào Moscow, với trị giá hơn 11 tỷ bảng Anh (GBP) vào năm 2020, đồng thời ra luật cấm nhập khẩu sắt và thép.

Anh cũng ra lệnh trừng phạt 8 tài phiệt Nga, trong đó có cả giám đốc một công ty sản xuất xe quân sự. Ngoài ra, London hạn chế bán một số công nghệ tiên tiến và cấm xuất khẩu thiết bị lọc dầu sang Nga.

Hôm 6/4, Mỹ cũng trừng phạt thêm các ngân hàng Nga và cấm người Mỹ đầu tư vào Nga, nhằm đáp lại sự kiện thảm sát Bucha mà Phương Tây tố cáo do Quân đội Moscow tiến hành. Hai con gái lớn của Tổng thống Putin, vợ và con gái của Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và các thành viên cấp cao của hội đồng an ninh Nga đều nằm trong danh sách trừng phạt.

Nội bộ bất đồng

Lệnh cấm của EU đối với than của Nga là động thái đầu tiên của khối chống lại hoạt động xuất khẩu năng lượng của Moscow. Tuy nhiên, lệnh cấm đã bị trì hoãn vào ngày 6/4 do những vấn đề không chắc chắn liên quan đến phạm vi áp dụng.

Các nguồn tin lạc quan cho biết lệnh cấm sẽ được các đại sứ phê duyệt ngày 7/4. Tuy nhiên, EU không có kế hoạch trừng phạt ngay lập tức đối với khí đốt vì vấp phải sự phản đối của các nước thành viên phụ thuộc vào nguồn cung từ Nga như Đức và Hungary.

Đức đã cam kết chấm dứt nhập khẩu khí đốt vào giữa năm 2024. Thủ tướng Olaf Scholz phát biểu tại Bundestag (Quốc hội Liên bang Đức) rằng: “Sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga đã tăng lên trong nhiều thập kỷ và không thể thay đổi trong ngày một ngày hai”.

Brussels đang chuẩn bị vòng trừng phạt thứ 6, bao gồm cả lệnh cấm vận đối với dầu mỏ của Nga. Tuy nhiên, các biện pháp này cần sự ủng hộ nhất trí của tất cả 27 nước thành viên EU.

Thủ tướng Hungary Viktor Orban cùng Đảng Cánh hữu Fidesz tái đắc cử ngày 3/4. (Ảnh: AFP).

Tại cuộc họp báo kỷ niệm chiến thắng tái đắc cử, Thủ tướng Hungary Viktor Orban tuyên bố sẽ chặn bất kỳ lệnh trừng phạt nào của EU đối với dầu khí của Nga.

Ông Orban đã giành được nhiệm kỳ thứ 4 liên tiếp vào ngày 3/4 sau khi kỳ vận động tranh cử với quan điểm giữ cho Hungary không tham chiến. Thủ tướng Hungary tuyên bố không cho phép vũ khí Phương Tây gửi tới Ukraine đi qua đất nước của mình,.

Ông nói: “Chúng tôi chắc chắn sẽ không cung cấp vũ khí cho Ukraine và không mở rộng các biện pháp trừng phạt chống lại khí đốt và dầu mỏ của Nga.” Ông vẫn khẳng định đứng về phía EU và NATO, đồng thời phản đối việc cuộc chiến tại Ukraine.

Hungary phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu dầu và khí đốt của Nga và đã ký một thỏa thuận cung cấp khí đốt mới kéo dài 15 năm vào năm ngoái. Gazprom dự kiến sẽ vận chuyển 4,5 tỷ mét khối khí đốt hàng năm cho đất nước này.

Ông Orban nói: “Hungary không thể có được năng lượng nếu các lệnh trừng phạt được áp đặt”. Ông cũng đồng thời cam kết sẽ chống lại áp lực từ các đồng minh EU để có hành động cứng rắn hơn.

Phá vỡ quan điểm với những nhà lãnh đạo EU khác, ông Orban cho biết sẽ “không có vấn đề gì” nếu Hungary đồng ý với yêu cầu của Nga rằng khí đốt do Điện Kremlin bán được thanh toán bằng đồng rúp.

Ông cũng loại trừ việc Hungary tham gia phối hợp với châu Âu nhằm trục xuất nhà ngoại giao Nga sau khi các nước bao gồm Italy, Pháp và Đức yêu cầu những người bị tình nghi là gián điệp của Nga phải rời đi.

Tổng thống Orban thuộc đảng Cánh hữu Fidesz, chiếm đa số 2/3 trong quốc hội cho biết: “Chúng tôi không có kế hoạch trục xuất nào và cũng không ủng hộ chính sách của EU”.

Nhà lãnh đạo theo chủ nghĩa dân tộc của Hungary từng ủng hộ các lệnh trừng phạt trước đây của EU đối với Nga, cho biết ông đã mời Tổng thống Putin tới Budapest để đàm phán ngừng bắn với Tổng thống Ukraine.

Ông cho rằng Tổng thống Volodymyr Zelensky có “thói quen xấu là nói mọi người phải làm gì”.

Một số nhà lãnh đạo châu Âu đã không chúc mừng chiến thắng của Thủ tướng Hungary. Có thể ông Orban sẽ phải đối mặt với hành động pháp lý từ Brussels là đóng băng nguồn tài trợ của EU do lo ngại về pháp quyền.

Minh Quang

[Infographic] Bức tranh kinh tế vĩ mô 4 tháng đầu năm qua các con số
Trong 4 tháng đầu năm, xuất hiện nhiều điểm sáng của nền kinh tế như: Xuất siêu hơn 8 tỷ USD, sản xuất công nghiệp phục hồi tăng trưởng 6%, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt trên 6,2 triệu lượt khách, cao hơn cả cùng kỳ năm 2019. Dù vậy, nền kinh tế vẫn gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp rút lui vẫn cao hơn cả số doanh nghiệp gia nhập thị trường.