|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Ngân sách đầu tư của ba tập đoàn dầu khí Trung Quốc cao nhất kể từ năm 2014

06:47 | 07/04/2022
Chia sẻ
Năm 2021, Trung Quốc đã chi 253 tỷ USD để nhập khẩu dầu. Nhà kinh tế Hui Shan của ngân hàng Goldman Sachs (Mỹ) dự đoán chi phí nhập khẩu dầu của Trung Quốc có thể tăng gấp đôi trong năm nay nếu giá dầu vẫn cao và nhu cầu ổn định.

Ảnh minh họa: Reuters.

PetroChina, Sinopec và CNOOC - ba tập đoàn dầu khí quốc doanh lớn của Trung Quốc - đang tăng ngân sách vốn đầu tư trong năm 2022 lên mức cao nhất kể từ năm 2014 giữa bối cảnh nền kinh tế lớn thứ hai thế giới nỗ lực thúc đẩy sản xuất trong nước, để đảm bảo an ninh năng lượng.

Cụ thể, ba tập đoàn trên dự kiến chi từ 530-540 tỷ nhân dân tệ (83,33-84,91 tỷ USD) cho các công trình vốn trong năm nay, tăng tới 6,3% so với năm 2021.

Trong một phát biểu, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã coi việc tăng cường khả năng khai thác tài nguyên trong nước, xúc tiến thăm dò và sản xuất dầu khí, khoáng sản là yếu tố chính trong chương trình nghị sự của chính phủ trong năm. 

Cơ quan Năng lượng Quốc gia đã công bố công khai bản hướng dẫn mà họ đã gửi trước đó cho các chính quyền địa phương và các công ty năng lượng nhà nước, trong đó nhấn mạnh bảo vệ nguồn cung năng lượng ổn định và an toàn là nhiệm vụ hàng đầu thông qua tăng cường khả năng sản xuất năng lượng trong nước. Cơ quan này đặt mục tiêu sản xuất ít nhất 200 triệu tấn dầu thô trong năm nay, mức cao nhất kể từ năm 2015. 

Chủ tịch Sinopec Ma Yongsheng cho biết tập đoàn này sẽ thực hiện nghiêm túc yêu cầu của Chính phủ Trung Quốc. Theo đó, Sinopec sẽ tăng ngân sách vốn đầu tư thêm 18% lên mức cao kỷ lục 198 tỷ NDT trong đó hơn 40% ngân sách được phân bổ cho chi phí thăm dò và khai thác.

Trong khi đó, CNOOC có kế hoạch chi từ 90-100 tỷ nhân dân tệ cho vốn đầu tư trong năm nay nhằm tăng cường hoạt động thăm dò và khai thác. PetroChina cũng sẽ tăng chi tiêu cho hoạt động thăm dò và sản xuất, vốn chiếm 3/4 ngân sách đầu tư của tập đoàn này, thêm 2% lên 181,2 tỷ NDT. Chủ tịch Dai Houliang cho biết PetroChina đã sẵn sàng tăng cường các nỗ lực phát triển trong nước, để gia tăng nguồn cung khí đốt tự nhiên và dầu thô.

Việc gia tăng sản lượng dầu khí dường như mâu thuẫn với cam kết của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về việc giảm lượng khí thải của Trung Quốc bắt đầu từ năm 2030 và đạt được tình trạng trung hòa carbon vào năm 2060. Tuy nhiên, Cơ quan Năng lượng Quốc gia không thừa nhận mâu thuẫn đồng thời khẳng định nước này sẽ theo đuổi cả việc tăng cường sản xuất nhiên liệu hóa thạch lẫn khử carbon.

Năm 2021, Trung Quốc đã chi 253 tỷ USD để nhập khẩu dầu. Nhà kinh tế Hui Shan của ngân hàng Goldman Sachs (Mỹ) dự đoán chi phí nhập khẩu dầu của Trung Quốc có thể tăng gấp đôi trong năm nay nếu giá dầu vẫn cao và nhu cầu ổn định.

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.