|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Thủ tướng Nga thừa nhận nền kinh tế đang khó khăn nhất ba thập kỷ: Lên kế hoạch thặng dư lớn, giờ hết sạch

08:14 | 08/04/2022
Chia sẻ
Trong buổi phát biểu với Duma quốc gia, Thủ tướng Mikhail Mishustin đã phải thừa nhận rằng Nga đang đối mặt với những khó khăn lớn nhất trong hơn 30 năm. Tuy nhiên, ông cũng khẳng định nền kinh tế Nga đang ổn định trở lại.

Thời kỳ khó khăn nhất

Theo Reuters, vào hôm 7/4, Thủ tướng Mikhail Mishustin cho biết Nga đang phải đối mặt với tình huống khó khăn nhất trong ba thập kỷ do các lệnh trừng phạt chưa từng có của Phương Tây. Tuy nhiên, ông khẳng định các nỗ lực của nước ngoài nhằm cô lập Moscow khỏi nền kinh tế toàn cầu sẽ thất bại.

Phương Tây đang mở rộng một loạt các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm buộc Nga rút quân và chấm dứt hoạt động quân sự ở Ukraine.

Nga gọi các hành động của mình ở Ukraine là một "hoạt động quân sự đặc biệt", không để chiếm đóng lãnh thổ mà nhằm phá hủy khả năng quân sự của Kiev và tiêu diệt những phần tử theo chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa phát xít.

Thủ tướng Mikhail Mishustin (phải) và Tổng thống Vladimir Putin. (Ảnh: Sputnik).

Thủ tướng Mishustin nói với Duma quốc gia (Hạ viện Nga): "Không còn nghi ngờ gì nữa, tình hình hiện tại có thể được gọi là khó khăn nhất trong ba thập kỷ đối với Nga".

"Các biện pháp trừng phạt như vậy đã không được sử dụng ngay cả trong thời kỳ đen tối nhất của Chiến tranh Lạnh."

Các biện pháp trừng phạt của Phương Tây đã cắt Moscow khỏi mạng lưới tài chính toàn cầu và khiến một số ngân hàng hàng đầu của Nga không có quyền truy cập vào hệ thống thông tin tài chính quốc tế SWIFT. Trong khi đó, một số thương nhân bắt đầu từ chối vận chuyển dầu từ Nga, làm gia tăng áp lực tài chính.

Trước khi Phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt, Nga đã lên kế hoạch thặng dư ngân sách 1,3 nghìn tỷ rúp (17 tỷ USD) trong năm 2022, bằng 1% tổng sản phẩm quốc nội. Hôm 7/4, Tổng thống Mishustin cho biết Nga sẽ dùng tất cả nguồn thu trong năm nay cho các chương trình hỗ trợ của chính phủ, tức là không còn thặng dư. 

Nga sẽ vượt qua

Cho đến nay, Điện Kremlin đã cam kết khoản hỗ trợ chống khủng hoảng hơn 1 nghìn tỷ rúp (13 tỷ USD) cho các doanh nghiệp, các khoản trợ cấp xã hội và các gia đình có trẻ em. Trong đó, 250 tỷ rúp (3,3 tỷ USD) sẽ được chi cho ngành đường sắt Nga.

Moscow cũng đã áp dụng các biện pháp kiểm soát vốn để trả đũa lệnh trừng phạt, khiến các nhà đầu tư nước ngoài trong cả lĩnh vực công nghiệp và tài chính gần như không thể bán tài sản nếu quyết định rút vốn khỏi Nga.

 

"Nếu bạn phải rời đi, hoạt động sản xuất vẫn sẽ tiếp tục diễn ra vì nó cung cấp việc làm cho ông dân của Nga", Thủ tướng Mishustin nói.

Điện Kremlin đã gợi ý về việc quốc hữu hóa tài sản khi các nhà đầu tư Phương Tây quyết định rời đi. Ông Mishustin cho biết, một số công ty rời đi đang chuyển cổ phần cho các công ty Nga, giúp mở ra cơ hội kinh doanh mới.

 

Thủ tướng Nga nói thêm: “Hệ thống tài chính của chúng ta, huyết mạch của toàn bộ nền kinh tế, đã được giữ vững”.

"Thị trường chứng khoán và đồng rúp đang ổn định. Tôi nghi ngờ rằng bất kỳ quốc gia nào khác có thể chịu đựng được điều này. Chúng ta đã làm được."

Hôm 5/4, Ủy ban châu Âu đã đề xuất các biện pháp trừng phạt mới chống lại Nga vì cuộc xung đột Ukraine, bao gồm lệnh cấm mua than và cấm cập cảng EU với tàu của Nga. Châu Âu đồng thời cho biết cũng đang nghiên cứu cấm nhập khẩu dầu.

Minh Quang