Mỹ khẳng định soái hạm Nga bị tên lửa Ukraine bắn chìm
Tàu tuần dương Moskva – soái hạm của Nga ở Biển Đen – đã bị hư hỏng nặng vào ngày 14/4 và sau đó chìm khi đang trên đường về cảng.
Phía Nga thông báo nguyên nhân là một vụ tai nạn trên tàu làm cho kho đạn phát nổ, khi đang được kéo về cảng ở bán đảo Crimea để sửa chữa thì biển động mạnh làm cho con tàu chìm.
Phía Ukraine tuyên bố Moskva bị hư hỏng vì trúng hai quả tên lửa Neptune do quân đội Ukraine phóng đi. Quan chức quốc phòng Mỹ ban đầu chỉ xác nhận là tàu đã chìm nhưng không khẳng định nguyên nhân.
Ngày 15/4, một quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng Mỹ khẳng định chắc chắn rằng Moskva đã trúng tên lửa của Ukraine, hãng tin NPR cho hay. Nga tuyên bố tất cả 500 thủy thủ đã được sơ tán sang một con tàu khác an toàn nhưng Mỹ cho rằng nhiều khả năng đã có thương vong về người.
Các chuyên gia quân sự cho rằng việc mất đi soái hạm Moskva ở Biển Đen là một đòn đau với Nga cả về mặt danh tiếng lẫn ý nghĩa quân sự thực tiễn.
Theo NPR, việc mất đi một tàu chiến sẽ không thể giam chân toàn bộ hải quân Nga nhưng nó cho thấy quân đội Ukraine vẫn có thể tung ra những đòn đánh mạnh mẽ nhờ sự sáng tạo và linh hoạt.
Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết nhiều tàu chiến của Nga đã di chuyển ra xa khỏi bờ biển Ukraine sau khi tuần dương hạm Moskva bị hư hỏng, cho thấy lời giải thích “hỏa hoạn làm nổ kho đạn” của phía Nga là khá đáng ngờ. Các bản tin thời tiết cho thấy tình hình Biển Đen khi Moskva chìm là tương đối tĩnh lặng chứ không phải biển động như phía Nga tuyên bố.
Đô đốc về hưu James Foggo, cựu Tư lệnh Hải quân Mỹ ở châu Âu và châu Phi nói: “[Tàu Moskva bị đánh chìm] là một thất bại khiến hải quân Nga phải bẽ mặt. Thật đáng ngạc nhiên khi Nga để chuyện này xảy ra với chính mình”.
Thắng lợi tinh thần cho phía Ukraine
Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) có trụ sở tại Washington cho rằng việc tàu Moskva của Nga bị đánh chìm mang lại niềm khích lệ tinh thần lớn cho phía Ukraine. Tên lửa Neptune mà phía Ukraine tuyên bố đã dùng để bắn trúng tàu Nga là loại vũ khí diệt hạm của chính Ukraine, không phải do Phương Tây cung cấp.
Ngược lại, phe Nga sẽ khó lòng mà giải thích thỏa đáng thất bại này. “Cả hai cách giải thích về nguyên nhân chìm tàu Moskva đều cho thấy những thiếu sót của phía Nga – hoặc là yếu kém về phòng không, hoặc là quy trình an toàn lỏng lẻo và kiểm soát thiệt hại kém”, ISW nhận định hôm 14/4.
Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan cũng đưa ra nhận xét tương tự khi cho rằng phía Nga sẽ phải thừa nhận soái hạm của mình bị quân địch tấn công hoặc là quản lý yếu kém nên để xảy ra tai nạn nghiêm trọng. Cả hai phương án đều bất lợi cho Nga.
Thiệt hại cho Nga lớn đến đâu?
Việc tuần dương hạm Moskva chìm là một thất bại đáng kể đối với Nga, cả về mặt danh tiếng cũng như sức mạnh thực tế. Các chuyên gia Phương Tây cho rằng một số sĩ quan cấp cao trong Hạm đội Biển Đen của Nga có thể sẽ mất chức vì để Moskva bị chìm.
Nga có một lực lượng phòng không mạnh ở bán đảo Crimea kể từ năm 2014 nhưng tàu Moskva chuyên đảm nhận vai trò phòng thủ di động cho toàn bộ Hạm đội Biển Đen. Tuần dương hạm này còn là một trung tâm chỉ huy và kiểm soát trên biển.
Việc mất đi Moskva sẽ làm suy yếu năng lực phòng không của Hải quân Nga trên Biển Đen.
Nga còn hai tuần dương hạm khác cùng lớp Slava và có năng lực tương tự như Moskva nhưng một chiếc đang phục vụ ở Thái Bình Dương và chiếc kia ở Hạm đội Phương Bắc. Cả hai sẽ không thể vào Biển Đen để thay thế vai trò của Moskva vì Thổ Nhĩ Kỳ không cho tàu chiến đi qua eo biển Bosphorus khi đang có chiến tranh xảy ra.
- TIN LIÊN QUAN
-
Lời nguyền địa lý: Vì sao Nga luôn phải dè chừng NATO và không thể hùng mạnh như Mỹ? 08/03/2022 - 20:51
Mặc dù vậy, việc mất đi Moskva sẽ không ảnh hưởng quá lớn tới hoạt động quân sự của Nga nói chung. Một phần nguyên nhân là vai trò của Hải quân Nga trong chiến dịch ở Ukraine vốn dĩ tương đối hạn chế.
Theo Reuters, chiếc Moskva được trang bị các tên lửa chống hạm và tên lửa phòng không nhưng không có các vũ khí tối tân của Nga như tên lửa hành trình Kalibr hay tên lửa siêu vượt âm (hypersonic).