|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Điều gì sẽ xảy ra nếu Nga tấn công Phần Lan?

17:44 | 15/04/2022
Chia sẻ
Lịch sử cũng như tương quan sức mạnh hai bên đều cho thấy một cuộc tấn công của Nga vào Phần Lan sẽ không mang lại kết quả tốt đẹp.

Theo tờ Newsweek, Giáo sư Stephen Biddle nghiên cứu chính sách quốc phòng tại Hội đồng Quan hệ quốc tế nói rằng Nga sẽ gặp khó khăn trong việc tấn công Phần Lan. 

“Nga gần như đã sử dụng hết tất cả các lực lượng tại chiến trường Ukraine”, ông Biddle nói. “Moscow không còn nhiều quân để tấn công Phần Lan, và bất cứ hành động gì ở Phần Lan sẽ ảnh hưởng tới hoạt động quân sự tại Ukraine”.

“Quân đội Phần Lan không lớn, nhưng cũng không hẳn là nhỏ, đặc biệt được huấn luyện và có tinh thần tốt hơn Nga”, ông Biddle nói thêm.

Hai quốc gia Bắc Âu là Phần Lan và Thụy Điển đang xem xét gia nhập NATO bất chấp những cảnh báo từ Nga. Thủ tướng Sanna Marin tuyên bố rằng Phần Lan sẽ thảo luận vấn đề và sớm đưa ra quyết định. Trong khi đó, Thủ tướng Magdalena Andersson tại một cuộc họp báo cùng bà Marin cho biết Thụy Điển cũng đang suy xét việc tham gia NATO.

Kaliningrad - lãnh thổ tại vùng Baltic của Nga, có lực lượng quân đội lớn và tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander M. (Ảnh: The Sun). 

Cựu thủ tướng Nga Dmitry Medvedev cảnh báo trên kênh Telegram cá nhân rằng nếu Thụy Điển và  Phần Lan tham gia vào Liên minh quân sự, Moscow sẽ triển khai vũ khí hạt nhân tới vùng Baltic. 

Lời đe dọa của Moscow đặc biệt khiến Helsinki lo ngại. Phần Lan có chung 1.300 km đường biên giới với Nga, và đã bị tấn công ba lần kể từ năm 1918.

Tấn công Phần Lan

Mặc dù Nga không thể dồn quân tấn công Phần Lan do còn vướng chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, ông Biddle cho rằng Nga sẽ có một số hành động.

“Tôi có thể tưởng tượng được việc Nga tấn công Phần Lan với tên lửa, pháo hoặc không kích khiến NATO không thể chấp nhận tư cách thành viên của Helsinki. Tuy nhiên, Moscow khó lòng chinh phục được Phần Lan”, ông nói.

“Tôi nghi ngờ rằng Tổng Tham mưu lực lượng vũ trang Nga lo ngại về việc sa lầy tại một cuộc chiến mới tượng tự như ở Ukraine”.

Hệ thống tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander M của Nga tại một cuộc tập trận năm 2021. (Ảnh: Sputnik).

Lịch sử xung đột

Phó Giáo sư lịch sử quốc phòng tại Đại học Notre Dame, ông Ian Johnson nói với Newsweek rằng lực lượng Nga trước đây chưa từng chinh phục được Phần Lan.

“Nga hay Liên Xô đã tấn công Phần Lan ba lần kể từ năm 1918. Không lần nào người Nga giành được chiến thắng tuyệt đối, mặc cho sự khác biệt lớn về sức mạnh giữa hai quốc gia”, ông nói.

Phó Giáo sư Johnson giải thích rằng Hồng Quân tấn công Phần Lan vào năm 1918, tuy nhiên lực lượng Phần Lan Trắng “sau 3 tháng chiến đấu đã giành chiến thắng, đẩy lùi người Nga và thành lập Cộng hòa Phần Lan”.

Trong Chiến tranh mùa Đông vào năm 1939-40, Liên Xô lại tấn công Phần Lan “với mục tiêu kiểm soát các vùng biên giới, và nếu khả thi, thành lập chính quyền bù nhìn thân Liên Xô”.

“Kế hoạch chiếm toàn bộ Phần Lan của Liên Xô sụp đổ sau thất bại quân sự thê thảm trong tháng đầu tiên của cuộc chiến”, ông nói.

Trong Chiến tranh mùa Đông năm 1939, lực lượng Phần Lan sử dụng chiến tranh du kích tại các khu rừng để gây thiệt hại lớn cho Liên Xô. (Ảnh: rferl).

“Nhưng dần dần, số lượng vượt trội của Liên Xô áp đảo lực lượng phòng thủ Phần Lan. Vào tháng 3/1940, chính phủ Phần Lan ký một hiệp ước hòa bình, nhượng lại đất đai mà người Nga yêu cầu nhưng đảm bảo sự độc lập của Phần Lan”, ông Johnson nói.

Năm 1941, chiến tranh Liên Xô - Phần Lan một lần nữa nổ ra. Phó Giáo sư Johnson cho biết sau hai cuộc chiến, Phần Lan mất khoảng “15% lãnh thổ”. “Tuy nhiên, Phần Lan không bị sáp nhập vào Liên bang Xô Viết giống những người hàng xóm vùng Baltic”

“Trong cả hai cuộc chiến, Liên Xô mất 6 người để đánh đổi 1 người Phần Lan, mặc dù có lợi thế lớn về mặt trang bị và nhân lực”, ông nói.

“Sĩ khí cao, lãnh đạo đúng đắn, áp dụng chiến thuật bao vây và phòng thủ hiệu quả trong địa hình rừng cây dày đặc là nguyên nhân chính dẫn đến thành công của lực lượng Phần Lan”.

Lực lượng dự bị và vũ khí Phương Tây

Phó Giáo sư Johnson trả lời rằng mặc dù Phần Lan buộc phải “giải ngũ đa số quân đội” sau khi đàm phán hòa bình với Liên Xô vào năm 1947, quốc gia này vẫn được phép có lực lượng dự bị.

“Bởi vậy, Phần Lan duy trì chế độ quân dịch, với lực lượng dự bị lớn”. Ông nói thêm: “Mặc dù quân đội chính quy chỉ có 22.000 quân, nhưng 900.000 người Phần Lan nằm trong lực lượng dự bị”.

“Và khác với Ukraine, lực lượng này được trang bị chủ yếu bằng vũ khí từ Tây Âu và Mỹ, ví dụ như xe tăng Leopard của Đức và tiêm kích F-18 của Mỹ”.

Xe tăng chủ lực Leopard 2A6 của Đức trong biên chế quân đội Phần Lan. (Ảnh: Quân đội Phần Lan).

“Lực lượng vũ trang Nga đang tham chiến tại Ukraine, và đã chịu nhiều tổn thất về nhân lực cũng như những thiếu hụt về hậu cần”. 

Ông Johnson giải thích: “Nếu Moscow có hành động quân sự với Helsinki trong tương lai gần, cả lịch sử cũng như sự chuẩn bị của quân đội Phần Lan cho thấy Nga sẽ không có kết quả tốt đẹp”.

Thất bại của Nga

Ông Patrick Bury, phó giáo sư an ninh tại Đại học Bath ở Anh kỳ vọng rằng Phần Lan và Thụy Điển sẽ nhanh chóng được gia nhập NATO. “Vì cả hai đều là thành viên của Chương trình Đối tác hòa bình NATO, nên sẽ có những hiểu biết về tổ chức và tiêu chuẩn NATO”, ông nói.

“Khi tôi còn làm việc tại NATO, Thụy Điển, với lực lượng quốc phòng lớn và có năng lực, được xem như một sự đóng góp có giá trị vào Liên minh”.

NATO tăng cường hiện diện quân sự tại Sườn Đông sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine.

“Trong trường hợp hai nước nộp đơn chính thức để gia nhập, tôi nghĩ NATO sẽ nhanh chóng chấp nhận”. Ông Bury cũng chỉ ra rằng nếu Phần Lan gia nhập NATO, biên giới của Liên minh quân sự này với Nga sẽ tăng thêm “khoảng 1.300 km - một con số đáng chú ý, đặc biệt khi NATO đang tăng cường hiện diện ở Sườn Đông”.

Minh Quang