|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Thổ Nhĩ Kỳ đã trở thành siêu sao về máy bay không người lái như thế nào?

19:44 | 13/04/2022
Chia sẻ
Chỉ trong khoảng hơn 10 năm, Thổ Nhĩ Kỳ đã trở thành một tên tuổi lớn trong lĩnh vực máy bay không người lái, với khả năng sản xuất những loại vũ khí có giá thành rẻ, dễ dàng vận hành và nguy hiểm.

Từ cuộc xung đột giữa Azerbaijan và Armenia cho đến chiến sự tại Ukraine, những chiếc máy bay không người lái (UAV) của Thổ Nhĩ Kỳ đã chứng minh được năng lực tác chiến ưu việt, giá cả phải chăng và dễ vận hành. Thổ Nhĩ Kỳ bất ngờ trở thành một siêu cường về vũ khí không người lái.

Thành công đầu tiên

Máy bay không người lái có vũ trang ngày càng trở thành một phần quan trọng của chiến tranh kể từ khi Lầu Năm Góc triển khai dòng MQ-1 Predator ở Afghanistan sau vụ tấn công 11/9. 

Tuy nhiên, cuộc xung đột Nagorno-Karabakh đã trở thành ví dụ về cách các máy bay không người lái tấn công có kích thước nhỏ và tương đối rẻ tiền có thể thay đổi cục diện của chiến trường từng bị thống trị bởi các trận chiến trên bộ và sức mạnh không quân.

Azerbaijan đã sử dụng phi đội máy bay không người lái tự sát từ Israel và Bayraktar TB-2 của Thổ Nhĩ Kỳ, để theo dõi, phá hủy các hệ thống vũ khí của Armenia tại Nagorno-Karabakh nhằm tạo điều kiện cho một cuộc tiến công nhanh chóng. 

Những hệ thống phòng không cũ của Liên Xô không thể chống lại các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái, và tổn thất nhanh chóng chồng chất.

Ông Franz-Stefan Gady, một nhà nghiên cứu về tương lai của xung đột tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, cho biết các thiết bị quân sự truyền thống như xe tăng và xe bọc thép sẽ không trở nên lỗi thời.

Tuy nhiên Nagorno-Karabakh đã cho thấy “tầm quan trọng ngày càng tăng” của việc sử dụng máy bay không người lái có vũ trang cùng với các vũ khí khác và lực lượng mặt đất được đào tạo chuyên sâu.

Thử lửa tại Ukraine

Trong cuộc xung đột tại Ukraine, hệ thống vũ khí của Thổ Nhĩ Kỳ một lần nữa chứng minh được sức mạnh và hiệu quả trên chiến trường. So với không quân truyền thống, lợi thế về chi phí rẻ và điều kiện vận hành đơn giản đã khiến UAV trở thành một vũ khí đáng sợ.

Cả phía Ukraine và Nga đều sử dụng máy bay không người lái trong việc trinh sát và tấn công các mục tiêu, trong đó, ngôi sao nổi bật nhất có lẽ không ai khác ngoài những chiếc Bayraktar TB-2 của Thổ Nhĩ Kỳ.

 

Các quan chức phương Tây và Ukraine đã ca ngợi máy bay không người lái Bayraktar TB-2 của Thổ Nhĩ Kỳ đã đóng một vai trò trong việc chống lại các cuộc tấn công của Nga. 

Ban đầu, nhiều người nghi ngờ liệu những chiếc TB-2, trạm mặt đất và người điều khiển của chúng có thể sống sót sau các cuộc không kích của Nga hay không. 

Tuy nhiên, nhờ sự linh hoạt và dễ vận hành, Ukraine đã có thể di tản những căn cứ này khỏi khu vực Nga sẽ tấn công, và hoạt động tại các sân bay nhỏ hơn.

Các báo cáo cho thấy đến cuối tháng 3, gần 60 xe tăng, hệ thống phòng không, máy bay trực thăng, xe tải tiếp liệu và tàu hỏa đã bị tiêu diệt bởi các cuộc không kích của TB-2.

Ukraine là quốc gia đầu tiên mua TB-2 vào năm 2019 và đã đặt hàng ít nhất 36 máy bay. Tháng trước, Bộ trưởng Quốc phòng nước này đã thông báo về một lô hàng máy bay không người lái mới.

Tiến sĩ Can Kasapoglu, Giám đốc Nghiên cứu Quốc phòng của Trung tâm Kinh tế và Chính sách Đối ngoại Thổ Nhĩ Kỳ (EDAM) cho biết: “Bayraktar TB-2 cung cấp mức giá gần như hoàn hảo và sự cân bằng hiệu quả chiến đấu”. 

"Các đối thủ của TB-2 trên thị trường vũ khí đắt hơn, đi kèm với các rào cản chính trị và quan liêu hơn đối với việc mua sắm, hoặc vấn đề nguồn cung không chắc chắn".

Câu chuyện thành công

Cho đến đầu những năm 2000, Thổ Nhĩ Kỳ là khách hàng chính của Israel trong việc mua UAV Heron. Sau đó về nhiều lý do chính trị, Ankara quyết định tự sản xuất máy bay không người lái trong nước, dẫn đến sự ra đời của Bayraktar TB-2.

Ông Selçuk Bayraktar, một kỹ sư được đào tạo tại học viện MIT danh giá, đã chuyển đổi công ty của gia đình mình, Baykar Defense, thành nhà cung cấp UAV chính cho Lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ (TAF). Động thái này đã biến Bayraktar, người cũng là con rể của Tổng thống Erdoğan, trở thành một anh hùng dân tộc.

Bayraktar TB-2 là máy bay không người lái chiến thuật có khả năng bay với thời gian dài tới 24 giờ, mang theo vũ khí dẫn đường. 

Sự phát triển của UAV này bắt đầu vào năm 2009 với sự tài trợ của Bộ Công nghiệp quốc phòng. Bayraktar TB-2  đã trở thành máy bay không người lái vũ trang nổi bật nhất được sản xuất ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang phát triển của nhiều loại UAV khác. Với chiều dài 8 mét và trọng tải khoảng 200 kg, Anka-S là máy bay không người lái chiến lược của Thổ Nhĩ Kỳ. Máy bay không người lái dùng động cơ cánh quạt này có thể bay liên tục hơn 24 giờ và bắn các tên lửa dẫn đường chính xác.

Máy bay không người lái Anka-S của Thổ Nhĩ Kỳ. (Ảnh: AFP).

Ngoài TB-2, Baykar Defense đã sản xuất và hiện đã chuyển giao lô đầu tiên của Akıncı, một máy bay không người lái có khả năng bay cao và lâu (HALE), cho Không quân Thổ Nhĩ Kỳ. 

Máy bay không người lái này được trang bị hệ thống liên lạc vệ tinh, radar không đối không, radar tránh va chạm và radar khẩu độ tổng hợp.

Trong tương lai, Baykar Defense còn có thể cung cấp loại máy bay không người lái có tính năng tàng hình hiện đại, hoàn toàn có thể so sánh với các cường quốc công nghiệp quốc phòng như Mỹ, Trung Quốc hay Israel…Theo thông tin từ Bộ Quốc phòng ở Ankara, loại máy bay này đã đưa vào sản xuất và dự kiến sẽ chuyển giao vào năm 2023.

Mẫu UAV tàng hình sử dụng động cơ phản lực Bayraktar Kizielma (trái) có kích thước lớn hơn đang kể so với TB-2. (Ảnh: Baykar Defense).

Tính đến cuối năm 2021, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ vận hành khoảng 130 máy bay không người lái với nhiều kiểu dáng khác nhau. 

Câu chuyện thành công không xảy ra một cách tự nhiên: chúng là kết quả của nỗ lực phối hợp của Thổ Nhĩ Kỳ.

Phát biểu về máy bay không người lái và sản xuất quốc phòng vào năm 2019, Tổng thống Erdoğan đã khen ngợi những nỗ lực của Thổ Nhĩ Kỳ: "Lúc bắt đầu, chỉ 20% máy bay không người lái được sản xuất trong nước và bây giờ con số này là 70%".

Theo hãng thông tấn nhà nước của nước này, ngành công nghiệp hàng không và quốc phòng của Thổ Nhĩ Kỳ đã đạt kỷ lục xuất khẩu hơn 3 tỷ USD vào năm 2021

"Điều quan trọng là phải tăng cường xuất khẩu hàng không và quốc phòng sang các nước mà Thổ Nhĩ Kỳ có quan hệ chiến lược", ông Haluk Bayraktar, Giám đốc điều hành Baykar, nói với hãng thông tấn Anadolu. 

"Ngoài việc mang lại lợi ích kinh tế, xuất khẩu quốc phòng còn cung cấp cơ sở thích hợp để thiết lập quan hệ chiến lược với bạn hàng".

Không chỉ có máy bay không người lái

Nhờ những quyết định đầu tư đúng đắn và có trọng tâm, Thổ Nhĩ Kỳ đã ghi danh thành một trong những cường quốc về máy bay không người lái. Tuy nhiên, nền công nghiệp quốc phòng của Ankara không chỉ có khả năng sản xuất UAV.

Thổ Nhĩ Kỳ liên tục hợp tác với nhiều quốc gia trên thế giới để củng cố nền công nghiệp quốc phòng. Xe tăng chủ lực Altay là kết quả từ việc chuyển giao công nghệ với Hàn Quốc. Dựa trên nền tảng từ K2 - Black Panther của Hàn Quốc, Altay là một trong những loại xe tăng hiện đại bậc nhất trên thế giới.

Xe tăng chủ lực Altay của Thổ Nhĩ Kỳ được trưng bày tại Istanbul, 2018. (Ảnh: AFP).

Ngoài ra, Ankara còn cùng với Indonesia sản xuất mẫu xe tăng hạng nhẹ có tên Kaplan.

Sự hợp tác của Thổ Nhĩ Kỳ với Italy đã cho ra đời mẫu trực thăng tấn công hạng nhẹ T129 ATAK, với khả năng chiến đấu hoàn toàn có thể sánh ngang với những đối trọng từ Phương Tây hay Nga.

Kết hợp cùng với BAE Systems của Anh, Turkish Aerospace Industries (TAI) đã cho ra đời mẫu máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ 5, dự kiến sẽ bay thử vào năm 2025. Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là một trong số ít các quốc gia có khả năng sản xuất và vận hành máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5.

Minh Quang

Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng khẳng định sẽ không buông bỏ VinFast và tiếp tục hỗ trợ 1 tỷ USD
Theo quan điểm của Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng, VinFast là dự án làm vì trách nhiệm xã hội, muốn đóng góp cho đất nước một thương hiệu, top đầu về xe trên thế giới.