|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Soái hạm chìm ở Biển Đen sẽ ảnh hưởng thế nào tới chiến dịch quân sự của Nga?

12:35 | 15/04/2022
Chia sẻ
Sau khi nổ kho đạn vào ngày 14/4, soái hạm "Moskva" đã bị chìm khi đang được kéo vào cảng. Theo các chuyên gia quân sự, đây là một trong những thiệt hại lớn nhất của Hải quân Nga trong chiến dịch tại Ukraine.

Theo BBC, vào ngày 14/4, Bộ Quốc phòng Nga cho biết kho đạn của tàu tuần dương tên lửa "Moskva" đã bị nổ do một vụ cháy chưa rõ nguyên nhân. Con tàu đã chìm khi được kéo trở lại về cảng.

Ukraine tuyên bố đã bắn trúng tàu bằng tên lửa chống hạm Neptune. Soái hạm “Moskva” có 510 thủy thủ đoàn đã dẫn đầu cuộc tấn công của hải quân Nga vào Ukraine từ hướng Biển Đen. Con tàu được cho là đang ở gần thành phố Odessa khi xảy ra vụ nổ.

Cháy hay Ukraine tấn công?

Trước khi tàu bị chìm, Bộ Quốc phòng Nga ra thông báo: "Con tàu bị hư hại nghiêm trọng. Toàn bộ thủy thủ đoàn đã được sơ tán."

Vào chiều 14/4, phía Nga cho biết đám cháy đã được dập tắt và sẽ kéo tàu chiến trở lại cảng. Nhưng một tuyên bố được đưa ra sau đó nói rằng, trong khi được kéo, con tàu "mất thăng bằng do bị hư hại ở thân tàu".

"Do biển động, con tàu bị chìm", tuyên bố viết. Moscow một lần nữa đổ lỗi cho vụ hỏa hoạn không rõ nguyên nhân và không đề cập đến bất kỳ cuộc tấn công tên lửa nào.

Hình ảnh vệ tinh của "Moskva"' tại cảng Crimea vào ngày 7/4/2022. (Ảnh: Maxar Techonologies).

Ukraine tuyên bố tấn công con tàu tuần dương bằng các tên lửa tự sản sản xuất. Trong một bài đăng trên Facebook trước khi con tàu chìm, các quan chức Ukraine cho biết các nỗ lực cứu hộ của Nga đang bị cản trở do đạn nổ trên tàu và thời tiết xấu.

Mỹ cho biết không có đủ thông tin để xác định liệu soái hạm "Moskva"’ có bị trúng tên lửa hay không. Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết: “[Nhưng] điều chắc chắn là vụ chìm tàu sẽ là một cú đánh lớn đối với Nga".

Soái hạm của Hạm đội Biển Đen

Con tàu Moskva được đóng tại Ukraine và đưa vào hoạt động vào đầu những năm 1980. Con tàu tuần dương có nhiệm vụ chống lại nhóm tàu sân bay của Mỹ và phòng không cho tàu Liên Xô. Vào thời đó, tàu này có biệt danh “sát thủ tàu sân bay”.

Một vài thông số của tàu tuần dương "Moskva".

Con tàu trước đây đã được Moscow triển khai trong cuộc xung đột ở Syria. Tại đó, ‘Moskva’ đóng vai trò bảo vệ hải quân của Nga.

Các báo cáo cho biết, soái hạm mang hơn một chục tên lửa chống hạm Vulkan và một loạt vũ khí chống tàu ngầm và ngư lôi. Nga còn sở hữu hai tàu chiến cùng lớp với "Moskva"’ là "Nguyên soái Ustinov" và "Varyag", phục vụ tại Hạm đội Biển Bắc và Hạm đội Thái Bình Dương.

Hai tàu này sẽ không thể đến Biển Đen để thế chỗ Moskva do Thổ Nhĩ Kỳ hiện nay không cho phép tàu chiến đi qua eo biển Bosphorus.

Kể từ khi cuộc xung đột tại Ukraine bắt đầu, đã có hai con tàu cỡ lớn của Nga bị phá hủy. Trước đó, tại cảng Berdyansk, tên lửa Tochka-U của Ukraine đã bắn trúng một con tàu đổ bộ của Nga.

Chưa rõ nguyên nhân

Chuyên gia hải quân Jonathan Bentham từ Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế nói với BBC rằng tuần dương hạm lớp Slava là loại tàu lớn thứ ba trong hạm đội của Nga và là một trong những tài sản được bảo vệ nghiêm ngặt nhất.

Con tàu được trang bị hệ thống phòng không 3 tầng và nếu hoạt động đúng cách, "Moskva" sẽ có 3 cơ hội để tự vệ trước cuộc tấn công bằng tên lửa Neptune của Ukraine.

Loại tên lửa chống hạm mà phía Ukraine tuyên bố dùng để bắn hạn tuần dương hạm của Nga chỉ mới được đưa vào biên chế.

Ngoài khả năng phòng thủ tầm trung và tầm ngắn, con tàu có thể sử dụng 6 hệ thống vũ khí tầm gần (CIWS) như một phương sách cuối cùng.

Ông Bentham cho biết Moskva lẽ ra phải có phạm vi phòng không 360 độ. Ông nói thêm: “Hệ thống CIWS có thể bắn 5.000 viên đạn/phút, về cơ bản tạo ra một bức tường chắn xung quanh tàu tuần dương, tuyến phòng thủ cuối cùng”.

Việc con tàu bị chìm do cuộc tấn công tên lửa của Ukraine sẽ "đặt ra câu hỏi về khả năng hiện đại hóa hạm đội Nga: liệu có thiếu đạn dược hay gặp trục trặc kỹ thuật không".

"Về cơ bản, với hệ thống phòng không 3 tầng, con tàu sẽ rất khó bị tấn công", chuyên gia quân sự nói thêm.

Dù nguyên nhân là gì, thì vụ nổ kho đạn là một bước thụt lùi đối với Nga. Nếu tuyên bố của Ukraine là sự thật, vụ đánh chìm tàu "Moskva" sẽ là một trong những cuộc tấn công vào hải quân gây tiếng vang nhất trong thế kỷ 21.

Vị trí cuối cùng mà "Moskva" được vệ tinh nhìn thấy vào ngày 12/4. 

Các nhà phân tích quân sự cho biết "Moskva" sẽ là tàu chiến lớn nhất của Nga bị thiệt hại do hỏa lực của đối phương kể từ năm 1941, khi máy bay ném bom bổ nhào của Đức làm tê liệt thiết giáp hạm "Marat" của Liên Xô ở cảng Kronstadt.

Nếu nguyên nhân chìm tàu là do cháy thì Moskva sẽ là soái hạm thứ hai của Hạm đội Biển Đen bị chìm theo cách này. Thiết giáp hạm "Imperatritsa Maria" bị chìm vào năm 1916 sau một vụ nổ đạn dược.

Ảnh hưởng đến chiến dịch

Ông Michael Petersen thuộc Viện Nghiên cứu Hàng hải Nga nói với BBC rằng con tàu là "biểu tượng của sức mạnh hải quân Nga ở Biển Đen".

Ông Petesen nói: "’Moskva’ là một cái gai đối với phe Ukraine kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột này", đồng thời cho biết thêm rằng việc con tàu bị phá hủy sẽ là "động lực thực sự về mặt tinh thần cho người Ukraine".

Các chuyên gia không cho việc chiến hạm ‘Moskva’ bị chìm sẽ gây ảnh hưởng lớn đến chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Nhà phân tích quân sự Nga Alexander Khramchikhin cho biết: "Con tàu thực sự rất cũ”.

"Nó có nhiều giá trị biểu tượng hơn thực chiến, và nói chung, không liên quan gì đến hoạt động hiện tại. ‘Moskva’ chìm sẽ không ảnh hưởng gì đến diễn biến của cuộc xung đột".

Các chuyên gia cho biết hải quân Nga vẫn có đủ nguồn lực để duy trì phong tỏa các cảng và tấn công mục tiêu bên trong Ukraine bằng tên lửa.

Theo Bloomberg, Moskva không mang theo tên lửa hành trình để tấn công các mục tiêu trong đất liền ở Ukraine. Thay vào đó, chức năng chính của Moskva là bảo vệ cho toàn hạm đội khỏi các cuộc tấn công từ trên không.

Ông Sidharth Kaushal, chuyên gia nghiên cứu tại tổ chức RUSI nhận định: "Moskva thuộc lớp tàu chiến duy nhất của Hải quân Nga có hệ thống phòng không tầm xa. Đây là tính năng quan trọng với kiểu tác chiến của Hạm đội Biển Đen. Moskva có thể lùi về phía sau và tạo ra một lớp áo giáp phòng không cho toàn hạm đội, đồng thời có chức năng chỉ huy và kiểm soát".

Hệ thống vũ khí phòng không tầm xa và năng lực chỉ huy của Moskva sẽ rất khó thay thế do các tàu tương tự của Nga không thể vào Biển Đen.

Minh Quang