|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Đức mất 240 tỷ USD nếu ngừng nhập khí từ Nga, nền kinh tế toàn cầu đứng trước biến cố lớn

17:29 | 14/04/2022
Chia sẻ
Theo nhiều báo cáo, trong trường hợp Đức ngừng nhập khẩu khí từ Nga, thiệt hại sẽ vô cùng nghiêm trong, đồng thời cú sốc tài chính có thể thay đổi cấu trúc nền kinh tế toàn cầu.

Suy thoái nghiêm trọng

Những nhà dự báo hàng đầu đã cảnh báo vào hôm 13/4 rằng Đức có nguy cơ rơi vào suy thoái sâu nếu như nguồn cung khí đốt từ Nga đột ngột ngừng.

Theo báo cáo của 5 viện kinh tế tại Đức, Berlin có thể sẽ mất đi 220 tỷ EUR (gần 240 tỷ USD) sản lượng kinh tế trong vòng hai năm tiếp theo. Trong năm 2022, GDP Đức sẽ chỉ tăng trưởng 1,9%, và đến năm 2023 sẽ thu hẹp 2,2%. Nếu dòng khí vẫn tiếp tục chảy, GDP dự kiến sẽ tăng trưởng 2,7% vào năm 2022.

Theo ông Stefan Kooths, giám đốc nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Kinh tế thế giới Kiel, một trong những tác giả của báo cáo, việc ngừng nhập khẩu khí đốt sẽ đẩy nền kinh tế lớn nhất Châu Âu vào “suy thoái nghiêm trọng”.

 

Những cáo buộc Nga gây ra tội ác chiến tranh tại thị trấn Bucha (gần Kiev) đã khiến Liên minh Châu Âu tăng cường các biện pháp trừng phạt chống lại Moscow. Lần đầu tiên kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine, EU đã nhắm tới xuất khẩu năng lượng của Moscow.

Một nguồn thông tin của CNN cho biết, EU sẽ ngừng nhập khẩu than kể từ tháng 8/2022. Vòng trừng phạt thứ 6 đang được thảo luận, và một vài lãnh đạo EU kêu gọi có hành động nhắm vào dầu mỏ và khí đốt của Nga.

Tuy nhiên, lệnh cấm vận nhắm vào khí đốt của Nga trong tương lai gần sẽ phá hủy nền kinh tế Đức, vốn phụ thuộc vào Moscow tới 46% nhu cầu khí thiên nhiên. Đức sử dụng nhiên liệu này để sưởi ấm nhà, sản xuất điện và cung cấp nhiên liệu cho nhà máy.

Liên minh Châu Âu cố gắng giảm 66% nhập khẩu khí đốt từ Nga trong năm nay, và thoát khỏi lệ thuộc hoàn toàn vào năm 2027.

 

Tuần trước, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đức Christian Lindner cho biết Berlin đang cố gắng loại bỏ năng lượng từ Nga “nhanh nhất có thể”.

Tuy nhiên, ông nhanh chóng dội một gáo nước lạnh vào những nỗ lực trừng phạt Moscow của Phương Tây: “Câu hỏi là, ở mức độ nào thì chúng ta sẽ gây thiệt hại cho Tổng thống Putin nhiều hơn chính nước Đức”.

“Nếu tôi chỉ phải nghe theo trái tim mình, ngay lập tức sẽ có một lệnh cấm vận lên tất cả mọi thứ. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, các lệnh trừng phạt không thể ngừng Nga tấn công Ukraine”.

Nhắm vào nguồn cung khí đốt từ Nga nhiều khả năng sẽ làm trầm trọng thêm lạm phát của Đức, vốn đã ở mức cao nhất trong vòng 40 năm trở lại đây. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 3 tăng 7,3% so với năm trước, theo dữ liệu từ Văn phòng Thống kê Liên bang Đức. Thủ phạm chính là giá khí thiên nhiên và dầu tăng gần 40% so với cùng kỳ.

BDEW, hiệp hội các nhà cung cấp năng lượng và tiện ích của Đức, cho biết họ đã “sẵn sàng đưa ra một bản kế hoạch chi tiết” để loại bỏ khí đốt của Nga nhanh chóng, tuy nhiên khuyên các chính trị gia hãy cẩn thận.

“Sau cùng thì loại bỏ hoàn toàn khí đốt từ Nga tương đương với việc thay đổi hoàn toàn nền công nghiệp Đức”, bà Marie-Luise Wolff, chủ tịch BDEW tuyên bố.

Cú sốc tài chính toàn cầu

Nhà kinh tế trưởng Paul Gruenwald của S&P Global nói với CNBC rạn nứt thương mại giữa Berlin và Moscow có thể khiến ngành sản xuất của Đức bị ảnh hưởng nặng nề.

Theo Văn phòng Thống kê Liên bang Đức, thương mại giữa Đức và Nga gia tăng đáng kể vào năm 2021, với giá trị hàng hóa tăng 34,1% so với năm 2020 lên 59,8 tỷ euro (65 tỷ USD).

Công ty nghiên cứu và tư vấn Wood Mackenzie cảnh báo nền kinh tế toàn cầu có thể trải qua “những thay đổi lâu dài”, đặc biệt là thương mại toàn cầu do khủng hoảng từ Đức.

Nhà kinh tế trưởng của S&P Global cho biết sẽ có một cú sốc tài chính nếu "rạn nứt thương mại" xảy ra giữa Nga và Đức. Ông Paul Gruenwald nói với CNBC: “Kinh tế vĩ mô sẽ thay đổi do sự rạn nứt thương mại giữa Nga và Châu Âu”.

Ông nói thêm: “Đây không chỉ là cắt khí đốt. Cho dù Đức ngừng mua hay Nga cắt giảm khí đốt thì rạn nứt thương mại vẫn sẽ diễn ra”.

“Những thay đổi này sẽ dẫn đến ... GDP giảm, thất nghiệp gia tăng, mất niềm tin vào thị trường và sau đó một loại cú sốc tài chính vĩ mô”, ông Gruenwald nói thêm.

 Kệ bột mỳ gần như hết sạch trong siêu thị tại thành phố Bonn, Đức vào 16/3/2022. (Ảnh: Reuters).

“Những thế lực trong lĩnh vực năng lượng, giá cả hàng hóa, nguyên liệu đầu vào công nghiệp mà châu Âu nhập khẩu, chẳng hạn như niken và titan và những thứ khác tương tự đều phụ thuộc vào Nga”.

Công ty Wood Mackenzie cho biết: “Nếu đại dịch COVID nêu bật nhu cầu rút ngắn chuỗi cung ứng, thì cuộc xung đột Ukraine nhấn mạnh tầm quan trọng của việc có các đối tác thương mại đáng tin cậy”.

Giám đốc nghiên cứu Mackenzie, ông Peter Martin viết trong một ghi chú vào hôm 12/4: “Những ảnh hưởng này có thể dẫn đến sự sắp xếp lại thương mại toàn cầu một cách lâu dài. Nền kinh tế toàn cầu trở nên khu vực hóa, chuỗi cung ứng ngắn hơn với các đối tác ‘đáng tin cậy’”.

Minh Quang