|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Ấn Độ tiếp tục mua dầu thô của Nga, đẩy kế hoạch lớn của Mỹ vào bế tắc

17:24 | 13/04/2022
Chia sẻ
Trong cuộc đua quyền lực giữa với Trung Quốc, Mỹ hy vọng Ấn Độ có thể ngả về phe mình. Tuy nhiên, việc Ấn Độ bất chấp cảnh cáo mà vẫn mua dầu thô hạ giá của Nga đang làm xáo trộn chiến lược tham vọng của Mỹ.

Thời gian qua, Washington có lẽ đã nghĩ rằng cuối cùng và chắc chắn Ấn Độ sẽ ngả về phe họ trong cuộc tranh giành quyền lực giữa một bên là Mỹ và các đồng minh, bên còn lại là Trung Quốc và các “bằng hữu” như Nga.

Tuy nhiên, một loạt diễn biến chóng vánh gần đây đã làm hao mòn niềm lạc quan của Washington, khiến một phần quan trọng trong chiến lược quân sự, kinh tế của nước này ở Trung Đông và châu Á - Thái Bình Dương trở nên bế tắc.

Ví dụ mới nhất cho thấy Ấn Độ đang tách rời ra khỏi Mỹ chính là đất nước Nam Á vẫn thực hiện rất nhiều giao dịch dầu thô với Nga, bất chấp sự phản đối rõ ràng từ Washington và các đồng minh châu Âu khác.

Từ khi nào Ấn Độ là mảnh ghép chiến lược?

Tháng 5/2019, Mỹ đơn phương rút khỏi Kế hoạch Hành động Chung Toàn diện (JCPOA, tức thỏa thuận hạt nhân) với Iran. Khi đó, Nhà Trắng đã đề ra một đường lối mới, đó là sử dụng lập trường cứng rắn với Iran để “làm quen” với các nước Arab đang ngày càng lo lắng về hành động gây mất ổn định khu vực của Tehran.

Mục tiêu của Washington đạt được phần lớn thông qua một loạt các thỏa thuận song phương, sau này được chính thức gọi là “các thỏa thuận bình thường hóa quan hệ” với Israel và các quốc gia Arab mà Mỹ tin là rất sẵn sàng trở thành đồng minh của họ như UAE, Bahrain, Maroc và Sudan.

Nhờ loạt thỏa thuận trên, Washington càng tin tưởng rằng trong ngắn hạn, họ có thể sử dụng dòng chảy dầu thô từ các nước Trung Đông để đối phó với bất kỳ sự thiếu hụt nguồn cung nào do các lệnh trừng phạt đối với ngành công nghiệp năng lượng của Iran gây ra.

Washington cũng nghĩ rằng trong trung hạn, bằng cách đầu tư nhiều hơn vào những nước như UAE và Bahrain, Mỹ có thể tăng đáng kể sản lượng dầu thô và qua đó giảm bớt mối quan hệ với các nước bất hợp tác tại Trung Đông, oilprice.com nhận định.

Còn trong dài hạn, Washington đã lên kế hoạch tự chủ về dầu thô và khí đốt để nước này chỉ cần hợp tác với các quốc gia trung thành về mặt chính trị với mình, trong bối cảnh Mỹ đang phải tranh đấu để giữ vững vị thế siêu cường số một toàn cầu với Trung Quốc.

Trong bất kỳ thời điểm nào, toàn bộ kế hoạch của Washington phải được thực hiện mà vẫn đảm bảo giá dầu thô không vượt quá mức 75 - 80 USD/thùng, vì một khi giá lên cao hơn, nền kinh tế sẽ gặp rắc rối và chiếc ghế của tổng thống đương nhiệm cũng lung lay.

Tham vọng của Mỹ là làm suy yếu sức mạnh toàn cầu mà Trung Quốc có thể giành được thông qua vị thế là nhà nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới. Do đó, rủi ro với kế hoạch này là Trung Đông cũng cần một sự đảm bảo về giá dầu dầu, đủ để họ phát triển kinh tế.

Nói cách khác, các quốc gia Trung Đông mà Mỹ tìm cách vun đắp quan hệ cần một nhà nhập khẩu dầu đủ mạnh mẽ để giúp họ bán dầu thô. Đối với chính quyền Washington, Ấn Độ dường như là lựa chọn hiển nhiên cho vị trí đó.

Tại sao Mỹ chọn Ấn Độ?

Đầu tiên, về mặt chính trị, dường như Ấn Độ đã sẵn sàng đứng lên chống lại Trung Quốc - nước láng giềng của họ và dĩ nhiên là đối thủ của Mỹ. Tháng 6/2020, Trung - Ấn từng đụng độ chết người tại biên giới chung, oilprice.com chỉ ra.

Động thái hai năm trước của Ấn Độ đánh dấu một bước đối đầu của New Delhi đối với chiến lược “một vành đai, một con đường” của Bắc Kinh (OBOR). OBOR là kế hoạch nhằm giúp Trung Quốc gia tăng sức ảnh hưởng từ châu Á qua Trung Đông và vào Nam Âu.

Về mặt kinh tế, Ấn Độ dường như phù hợp để giúp tiêu thụ lượng dầu thô mà các nhà sản xuất năng lượng Trung Đông đang mong mỏi. Như vậy, đất nước Nam Á có thể trở thành một “bến đỗ” có thể thay thế Trung Quốc trên thị trường dầu mỏ toàn cầu.

 

Theo dữ liệu do Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) công bối hồi quý I năm ngoái, Ấn Độ sẽ chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tăng trưởng nhu cầu năng lượng trong hai thập kỷ tới, chiếm đến 25%. Nước này dự kiến sẽ vượt Liên minh châu âu (EU) trở thành thị trường tiêu thụ năng lượng lớn thứ ba thế giới vào năm 2030.

Cụ thể hơn, mức tiêu thụ năng lượng của Ấn Độ được dự đoán là sẽ tăng gấy đôi khi GDP của quốc gia này tăng lên 8.600 tỷ USD vào năm 2040. IEA nói nhu cầu năng lượng ngày càng tăng sẽ khiến Ấn Độ ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch.

“Chiến lược địa chính trị dầu mỏ” của Mỹ lung lay

Kế hoạch tham vọng của Mỹ đã xuất hiện những rạn nứt khi một số quốc gia mà Washington xác định là “đã chín muồi” để hợp tác không thực hiện những vai trò mà Mỹ muốn. Thay vào đó, họ khẳng định ý định bắt tay với cả Mỹ lẫn Trung Quốc.

Gần đây, giới lãnh đạo tại hai đại gia dầu mỏ Trung Quốc là Arab Saudi và UAE đã khước từ cuộc gọi của Tổng thống Mỹ Joe Biden để thảo luận về việc giá dầu thô đang tăng quá nhanh sau khi Nga khai chiến với Ukraine.

Trước đó, chính quyền Bắc Kinh và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao từ Arab Saudi, Kuwait, Oman, Bahrain và Tổng thư ký Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) đã tổ chức một loạt cuộc gặp tại thủ đô của Trung Quốc.

Tại những cuộc họp này, chủ đề chính giữa các bên là cố gắng làm sao đạt được Hiệp định Tự do Thương mại Trung Quốc - GCC và “hợp tác chiến lược sâu sắc hơn trong một khu vực mà sự thống trị của Mỹ đang có dấu hiệu suy yếu”.

 Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, tháng 12/2021. (Ảnh: Bloomberg).

Tệ hơn là Ấn Độ có thể cũng sắp chống đối kế hoạch lớn của Mỹ. Bằng chứng là Thủ tướng Narendra Modi đã ký kết 28 thỏa thuận đầu tư cùng Nga trong chuyến thăm của Tổng thống Putin tới Ấn Độ trước thềm Giáng sinh năm ngoái. Thỏa thuận bao quát nhiều lĩnh vực, từ dầu mỏ, khí đốt, hóa dầu, thép và đóng tàu đế cả quân sự.

Sau đó, Ấn Độ cùng UAE và Trung Quốc đã bỏ phiếu không tán thành nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về việc lên án hành động gây hấn của Nga đối với Ukraine.

Do đó, không có gì đáng ngạc nhiên khi Ấn Độ chưa ban hành bất kỳ lệnh trừng phạt nhắm vào Nga. Đến đầu tháng 4, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nirmahla Sitharaman cho hay: “Nếu dầu thô của Nga đại hạ giá như vậy, tại sao chúng tôi không nên mua? Chúng tôi cần dầu cho người dân nước mình, nên lẽ dĩ nhiên Ấn Độ đã bắt đầu mua dầu của Nga”.

“Chúng tôi đã nhận được kha khá, tôi nghĩ là đủ nguồn cung từ 3 đến 4 ngày và Ấn Độ sẽ tiếp tục”, Bộ trưởng Sitharaman nói thêm. Quan điểm này đã được nhắc lại sau cuộc gặp cấp cao tại New Delhi giữa Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và các quan chức chính phủ Ấn Độ.

Đáng chú ý là các cuộc gặp trên diễn ra ngay sau khi Mỹ cảnh báo vào cuối tháng 3 rằng nếu Ấn Độ mua lượng lớn dầu thô của Nga, nước này có thể gặp “rủi ro lớn” do Washington đang chuẩn bị tăng cường các lệnh cấm vận chống lại Moscow.

 

Yên Khê