Đã đến lúc Trung Quốc nới lỏng chính sách ‘Zero COVID’
Theo SCMP, nền kinh tế Trung Quốc dự kiến sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề từ đợt phong tỏa mới nhất khi biến thể Omicron hoành hành bất chấp các biện pháp phong tỏa hà khắc.
Gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ tồi tệ hơn, trong khi bong bóng bất động sản tại Trung Quốc đang dần xì hơi. Tuy nhiên, mặc cho những hậu quả kinh tế tàn khốc, việc thay đổi chính sách “Zero COVID” khó mà có thể được thực hiện trước Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 20.
Chính sách Zero COVID của Trung Quốc đã đạt được những thành công đáng kể trong hai năm đầu tiên của đại dịch. Khi các đợt cách ly tại nhà và các biện pháp kiểm dịch nghiêm ngặt đối với khách du lịch đã ngăn không cho virus từ nước ngoài đến, người dân Trung Quốc có thể nhanh chóng quay lại cuộc sống bình thường mới.
Thành công trong chống dịch cho phép Trung Quốc tiếp tục sản xuất kinh doanh. Khi COVID làm gián đoạn hoạt động sản xuất ở những nước khác, xuất khẩu của Trung Quốc đã tăng mạnh, mang lại sự tăng trưởng tốt cho toàn bộ nền kinh tế.
Trước đây, hệ thống giám sát kỹ thuật số của Trung Quốc phát hiện ra virus nhanh hơn tốc độ lây lan. Tuy nhiên, với sự xuất hiện của biến chủng Omicron, thế trận đã đảo chiều.
Biến chủng Omicron có thể lây lan nhanh hơn nhiều lần so với virus COVID ban đầu và theo dữ liệu của Thượng Hải, hầu hết các bệnh nhân đều không có triệu chứng. Khi hệ thống giám sát xác định được một trường hợp thì đã có quá nhiều người bị lây bệnh.
Phản ứng duy nhất của Trung Quốc bất cứ khi nào một trường hợp nhiễm là phong tỏa hoàn toàn. Thượng Hải và nhiều thành phố khác vẫn tiếp tục thực hiện theo quy trình cũ, tức là đóng cửa tất cả hoạt động.
Khó khăn trăm bề
Khi COVID bị ngăn chặn ở một thành phố, nơi đó chỉ có thể mở cửa trong phạm vi địa giới của mình do ở các địa phương khác, dịch bệnh vẫn đang hoành hành. Trung Quốc chỉ có thể quay trở lại thời điểm trước khi Omicron xuất hiện bằng cách tiêu diệt biến chủng này hoàn toàn trên phạm vi toàn quốc. Kể cả nếu khả thi, việc loại trừ COVID trên toàn lãnh thổ Trung Quốc sẽ mất tới vài tháng.
- TIN LIÊN QUAN
-
Kinh tế Trung Quốc thấm mệt vì phong tỏa: Cảng biển tắc nghẽn, lạm phát đeo bám, các ngành chủ lực điêu đứng 14/04/2022 - 06:40
Trung Quốc sẽ phải cách ly du khách nước ngoài lâu hơn nhiều so với trước đây vì yêu cầu cũ là hai tuần đã không còn hiệu quả. Bắc Kinh sẽ ngày càng bị cô lập với thế giới.
Omicron kéo theo những đợt phong tỏa ngẫu nhiên và lâu dài trên toàn quốc. Khu vực dịch vụ, vốn chiếm hơn một nửa nền kinh tế Trung Quốc, đã bị ảnh hưởng nặng nề. Bắc Kinh từ chối hỗ trợ tiền mặt cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, khiến các doanh nghiệp này liên tiếp phá sản.
Những đợt phong tỏa trên diện rộng làm gián đoạn chuỗi cung ứng. Ngành công nghiệp ô tô hoàn toàn đình trệ. Nhiều ngành công nghiệp khác cũng đang trong tình trạng khó khăn tương tự. Nền kinh tế Trung Quốc nhiều khả năng đang sa sút với tốc độ hai con số.
Sự gián đoạn chuỗi cung ứng ở Trung Quốc là một cú sốc lớn trên phạm vi toàn cầu. Nền kinh tế các nước bị thu hẹp và lạm phát tăng đột biến. Trong hai năm qua, khả năng phục hồi của ngành sản xuất của Trung Quốc đã ngăn chặn lạm phát tăng cao. Nhưng khi dịch bệnh bùng phát mạnh và phong tỏa trên cả nước xảy ra, lạm phát có thể vượt ra ngoài tầm kiểm soát.
Thị trường trái phiếu sẽ sụp đổ với dự đoán lãi suất tăng mạnh. Giảm phát tài sản sau đó có thể đẩy nền kinh tế toàn cầu vào suy thoái sâu. Bởi Trung Quốc đang phụ thuộc vào xuất khẩu trong thời điểm hiện tại, hiệu ứng boomerang sẽ rất tàn khốc.
- TIN LIÊN QUAN
-
Nghịch lý ở Evergrande: Năm nào cũng lãi hàng tỷ USD, tài sản ngắn hạn khổng lồ, tại sao vẫn bên bờ vực phá sản? 23/09/2021 - 20:26
Bong bóng bất động sản của Trung Quốc bắt đầu vỡ vào năm ngoái. Chính phủ có quyền kiểm soát cách thức và thời điểm các chủ nợ có thể thu giữ tài sản thế chấp hoặc thanh lý tài sản bị tịch thu, câu chuyện của Trung Quốc đang diễn ra tương tự như Nhật Bản ba thập kỷ trước.
Nhưng một cuộc khủng hoảng kinh tế có thể khiến mọi thứ sụp đổ, giống như những gì cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á năm 1997 đã gây ra cho bong bóng bất động sản của Nhật Bản.
Cơ hội thay đổi
Chi phí kinh tế của chính sách Zero COVID là rất lớn, nhưng sự thu hẹp GDP sẽ không dẫn đến thay đổi quyết định chính trị. Thị trường có xu hướng nghĩ rằng, khi một chính sách thúc đẩy nền kinh tế đến chân tường, chính sách đó sẽ bị loại bỏ. Tuy nhiên, Cách mạng Văn hóa vẫn kéo dài tới 10 năm bất chấp kinh tế suy sụp.
Có lẽ, chi phí về sinh mạng con người của chính sách Zero COVID sẽ tạo ra nhiều thay đổi hơn. Khi việc đóng cửa làm gián đoạn hoạt động bình thường của bệnh viện, số ca tử vong vì những nguyên nhân không đáng có đang ngày càng tăng.
Dịch vụ cấp cứu cho bệnh nhân đau tim sẽ đến quá muộn hoặc không có sẵn. Người già ở các thành phố lớn như Thượng Hải cũng có thể gặp phải những nguy hiểm do không có người chăm sóc. Theo SCMP, số tử vong do phong tỏa tại Trung Quốc hiện nay vượt xa số tử vong trực tiếp từ COVID.
Một kết thúc có thể xảy ra là Omicron áp đảo hoàn toàn hệ thống an sinh xã hội và y tế của Trung Quốc. Do chính phủ phải gỡ hạn chế trong việc sản xuất và giao thực phẩm cũng như các dịch vụ thiết yếu khác, virus vẫn sẽ tồn tại bất chấp việc phong tỏa diện rộng.
Trung Quốc sẽ phải chấp nhận việc sống chung với COVID. Thậm chí không cần thông báo, chính sách COVID của Trung Quốc có thể trở thành giống như các quốc gia Châu Á khác.
Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có thể trở lại bình thường vào quý IV/2022. Việc nới lỏng chính sách Zero COVID sẽ đến quá muộn, sau khi Trung Quốc phải gánh chịu những chi phí tài chính, kinh tế và y tế khổng lồ.