|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Kinh tế Trung Quốc thấm mệt vì phong tỏa: Cảng biển tắc nghẽn, lạm phát đeo bám, các ngành chủ lực điêu đứng

06:40 | 14/04/2022
Chia sẻ
Các cuộc phong tỏa để ngăn chặn đợt bùng phát COVID nghiêm trọng nhất kể từ đầu năm 2020 đã gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế tỷ dân, gây đình trệ hoạt động sản xuất và đẩy chuỗi cung ứng vào cảnh đứt gãy tồi tệ hơn.

Theo Bloomberg, các biện pháp chống dịch hà khắc của Trung Quốc được đưa ra nhằm quét sạch COVID-19 khỏi cộng đồng, nhưng cùng lúc, chúng cũng gây áp lực lên mọi hoạt động, từ sản xuất và thương mại đến lạm phát và giá thực phẩm.

Thủ tướng Lý Khắc Cường đã nhiều lần cảnh báo về những rủi ro tới tăng trưởng kinh tế. Đầu tuần này, ông Lý đã nhắc nhở chính quyền các địa phương nên “cân nhắc tính cấp bách” khi thực hiện các chính sách hiện hành.

Cho đến nay, chính quyền Bắc Kinh vẫn quyết tâm theo đuổi “Zero COVID” - chiến lược mà giới chuyên gia nhận định là sẽ kéo tăng trưởng kinh tế năm nay của Trung Quốc xuống dưới 5%, tức là thấp hơn mục tiêu chính thức 5,5%.

Cư dân tại Thượng Hải phải xét nghiệm COVID liên tục. (Ảnh: Bloomberg). 

Bloomberg đã tóm lược lại ảnh hưởng của các đợt phong tỏa nghiêm khắc lần này đối với những lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, nội dung cụ thể như sau:

Giáng đòn đau vào thị trường hàng hóa

Nhập khẩu hàng hóa của Trung Quốc đã chững lại đáng kể trong tháng 3, do giá cả tăng cao vì chiến sự tại Ukraine cũng như do các biện pháp phong tỏa đã làm hạn chế nhu cầu của người tiêu dùng tại đất nước tỷ dân.

Hoạt động thu mua khí đốt tự nhiên bị ảnh hưởng nặng nề nhất, khi lượng khí đốt nhập khẩu tụt xuống dưới 8 triệu tấn - mức thấp nhất kể từ tháng 10/2020. Hoạt động nhập khẩu than đá và dầu thô cũng hụt hơi so với năm ngoái.

Các cơ sở luyện kim trong nước đang phải đối mặt với những trở ngại trong việc vận chuyển nguyên liệu thô và thành phẩm, dẫn đến việc doanh nghiệp phải cắt giảm sản lượng.

Theo khảo sát của Sàn Giao dịch Kim loại Thượng Hải, 6 trong 12 nhà máy chế biến thanh đồng ở các tỉnh lân cận của Thượng Hải đã tạm ngừng hoặc có kế hoạch tạm ngừng sản xuất. Cơ quan này cũng dự đoán lượng nhôm tồn kho sẽ tăng lên.

Cùng lúc, Trung Quốc còn giảm lượng mua khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) do giá tăng cao và nhu cầu nội địa sụt giảm.

Cụ thể, nhập khẩu LNG trong quý I năm nay mất 14% so với cùng kỳ năm ngoái và các doanh nghiệp tư nhân đang lắc đầu từ chối các điểm tiếp nhận nhiên liệu mà họ từng phải cạnh tranh khốc liệt để có được ở các bến cảng thuộc sở hữu nhà nước.

 

Tắc từ cảng đến đường bộ

Cuộc phong tỏa toàn thành phố Thượng Hải đã gây tắc nghẽn tại cảng biển lớn nhất thế giới, hàng loạt tàu thuyền phải xếp hàng chờ đợi và các cảng biển khác phải gồng mình lên xử lý những chuyến hàng bị chuyển hướng.

Tính đến ngày 11/4, số lượng tàu container chờ đợi ngoài khơi cảng Thượng Hải đã tăng hơn 15% so với tháng trước, dữ liệu của Bloomberg chỉ ra.

Ngoài ra, theo các chủ tàu và thương nhân, tình trạng thiếu công nhân cảng biển ở Thượng Hải cũng đang làm chậm công việc giấy tờ.

Trong khi đó, các tàu chở kim loại như đồng và quặng sắt phải neo ngoài khơi do xe tải không vận chuyển hàng từ cảng đến các nhà máy chế biến.

Sản xuất đình trệ

Khảo sát của các nhà quản lý mua hàng tại Trung Quốc cho thấy hoạt động sản xuất đã suy yếu trong tháng 3, khi các công ty vừa và nhỏ gặp phải khó khăn lớn trong khâu vận hành.

Chỉ số PMI sản xuất của Caixin, chủ yếu tập trung vào các doanh nghiệp nhỏ và định hướng xuất khẩu, đã rơi xuống mức thấp nhất kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát cách đây hơn hai năm.

Các công ty chế tạo lớn có thể duy trì hoạt động bằng cách áp dụng hệ thống vòng quay khép kín, trong đó nhân viên ở lại nhà máy làm việc và được xét nghiệm thường xuyên (tương tự mô hình 3 tại chỗ của Việt Nam hồi năm ngoái).

Tuy nhiên, hệ thống trên cũng không thực sự hoàn hảo. Thành viên của một nhóm thương mại hợp tác với Liên minh châu Âu (EU) tuần trước cho biết công việc có thể “diễn ra rất, rất khó khăn”, ngay cả khi doanh nghiệp được phép vận hành trong thời gian phong tỏa.

 

Gián đoạn lĩnh vực công nghệ

Một số công ty công nghệ đã tạm ngừng hoạt động do các chính sách chống dịch hà khắc của Trung Quốc đè nặng lên một lĩnh vực vốn đã chịu ảnh hưởng từ tình trạng thiếu hụt linh kiện.

Đáng chú ý, hầu hết các đại gia công nghệ lớn, từ SMIC đến TSMC và Foxconn Technology, đều đã đóng băng hoạt động trong những ngày đầu của đợt bùng phát ở Thượng Hải. Một số đã sản xuất trở lại sau khi thiết lập hệ thống vòng quay khép kín.

Hãng tư vấn Trendforce ước tính rằng vấn nạn logistics đang khiến các lô hàng linh kiện bị cản trở, qua đó làm cạn kiệt lượng hàng tồn kho đến mức một số nhà sản xuất như Pegatron, Wistron và Compal Electronics chỉ còn đủ vật liệu để sản xuất trong vài tuần.

Cuộc khủng hoảng nguồn cung hàng hóa toàn cầu có thể trở nên tồi tệ hơn nếu quá trình sản xuất tại Trung Quốc bị gián đoạn. Khi đó, nguồn cung máy tính, máy chơi game, điện thoại thông minh, máy chủ, xe điện,…đều có nguy cơ khan hiếm.

Nỗi đau của ngành công nghiệp ô tô

Doanh số bán xe khách nói chung của Trung Quốc đã giảm 10,9% trong tháng trước, cho thấy áp lực của chiến lược Zero COVID đối với thị trường xe hơi khổng lồ này.

Một số hãng ô tô đang gặp rắc rối trong khâu sản xuất do các lệnh phong tỏa. Nhà máy của Tesla ở Thượng Hải đã tạm ngừng hoạt động kể từ ngày 28/3 do các hạn chế trong thành phố.

Cơ sở trên thường sản xuất hơn 2.000 xe ô tô mỗi ngày, theo ước tính hồi đầu tháng 4 của nhà phân tích Dan Ives từ công ty dịch vụ chứng khoán Wedbush Securities.

Volkswagen cũng bị buộc phải tạm ngừng dây chuyền tại Thượng Hải trong tháng này, trong khi hãng xe điện mới nổi của Trung Quốc là Nio cuối tuần trước thông báo họ sẽ tạm dừng hoạt động và giao đơn hàng trễ hẹn vì nhiều nhà cung ứng đã đóng cửa.

Hãng sản xuất phụ tùng ô tô Robert Bosch cũng đã đóng hai nhà máy tại Trung Quốc và vận hành khép kín tại hai cơ sở khác. Công ty này cho biết họ đang nhận thấy “những tác động tạm thời của dịch bệnh đến logistics và chuỗi cung ứng”.

Xây dựng, địa ốc ngấm đòn

Doanh số bán máy xúc tại Trung Quốc, một thước đo quan trọng cho lĩnh vực xây dựng, đã lao dốc gần 64% trong tháng 3 so với cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy sự căng thẳng trong ngành.

Doanh số bán nhà của đất nước tỷ dân cũng giảm sâu trong tháng trước. 100 công ty địa ốc lớn nhất đã chứng kiến doanh số bán hàng tụt 53% so với cùng kỳ năm 2021, theo dữ liệu sơ bộ từ công ty tư vấn China Real Estate Information. Đây là mức giảm mạnh nhất trong năm nay.

Tồn kho thép thanh vằn cho thấy hoạt động xây dựng ở Trung Quốc “có thể đã hạ nhiệt”, phân tích mới được công bố của nhà kinh tế David Qu (thuộc Bloomberg Economics) cho hay.

Rủi ro lạm phát không dứt

Các lệnh phong tỏa đã kéo giá thực phẩm lên cao và có thể gây nguy hiểm cho mục tiêu cung ứng ngũ cốc cho cả năm nay. Nguyên nhân bắt nguồn từ việc các lệnh hạn chế khiến nông dân khó gieo trồng vụ xuân.

So với cùng kỳ năm trước, giá rau tươi đã tăng 17,2% trong tháng 3 vừa qua, dữ liệu từ Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc chỉ ra.

Nông dân ở một số vùng phía đông bắc - khu vực sản xuất hơn 20% sản lượng ngũ cốc của Trung Quốc, đặc biệt lúng túng trong khâu gieo trồng.

 

Khả Nhân

Dragon Capital: Chứng khoán Việt hưởng lợi từ Fed cắt giảm lãi suất
Nhà quản lý quỹ cho rằng những kênh đầu tư như chứng khoán sẽ được hưởng lợi lớn từ động thái đảo chiều lãi suất của Fed. Do lãi suất đầu vào của doanh nghiệp duy trì ở mức thấp, các đơn vị sẽ có điều kiện tốt để cắt giảm chi phí tài chính, mở rộng kinh doanh và từ đó, tăng trưởng lợi nhuận.