|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Nghịch lý ở Evergrande: Năm nào cũng lãi hàng tỷ USD, tài sản ngắn hạn khổng lồ, tại sao vẫn bên bờ vực phá sản?

20:26 | 23/09/2021
Chia sẻ
Evergrande chưa từng báo lỗ dù chỉ một lần, tài sản ngắn hạn luôn vượt xa nợ ngắn hạn nhưng nguy cơ phá sản lại đang cận kề. Vậy uẩn khúc đằng sau những con số tươi đẹp trên báo cáo tài chính là gì?
Nghịch lý ở Evergrande: Năm nào cũng lãi hàng tỷ USD, tài sản ngắn hạn khổng lồ, tại sao vẫn bên bờ vực phá sản? - Ảnh 1.

Một tòa nhà Evergrande đang xây dựng tại Lạc Dương, Hà Nam, Trung Quốc. (Ảnh: Reuters).

Hai thước đo tài chính quan trọng bậc nhất trong doanh nghiệp là tính thanh toán (solvency) và tính thanh khoản (liquidity).

Tính thanh toán thể hiện khả năng tồn tại dài hạn của doanh nghiệp, được đo lường bằng tương quan giữa nợ và tài sản, hay chính là vốn chủ sở hữu. Nếu nợ lớn hơn tài sản, hay vốn chủ âm, tức là doanh nghiệp mất khả năng thanh toán.

Tính thanh khoản cho thấy khả năng đáp ứng các nghĩa vụ tài chính ngắn hạn, được đo lường bằng chênh lệch giữa các tài sản ngắn hạn và nợ ngắn hạn. Nếu tài sản ngắn hạn lớn hơn thì tức là công ty có đủ nguồn lực để trả nợ trong tương lai gần. Việc một công ty rơi vào phá sản hay không sẽ phụ thuộc trực tiếp vào tính thanh khoản.

Ở Việt Nam, khi doanh nghiệp có tài sản ngắn hạn ít hơn nợ ngắn hạn, đơn vị kiểm toán sẽ đưa ra ý kiến nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục.

Với Evergrande – tập đoàn địa ốc nặng nợ nhất thế giới, cả hai thước đo thanh toán và thanh khoản đều có vẻ ổn thỏa. Báo cáo tài chính của Evergrande tuy chưa đến mức đẹp như mơ nhưng cũng đủ để khiến nhiều doanh nghiệp phải ghen tị.

Trong lịch sử, tập đoàn này chưa bao giờ báo lỗ. Vốn chủ sở hữu đương nhiên là luôn luôn dương. Tài sản ngắn hạn cũng luôn lớn hơn nợ ngắn hạn trong mọi kỳ báo cáo.

Vậy nhưng nhiều nhà đầu tư trên khắp thế giới đều đang lo Evergrande sắp phá sản, thậm chí trở thành một Lehman Brothers phiên bản Trung Quốc.

Nghịch lý ở Evergrande: Năm nào cũng lãi hàng tỷ USD, tài sản ngắn hạn khổng lồ, tại sao vẫn bên bờ vực phá sản? - Ảnh 2.

Trong 6 tháng đầu năm 2021, Evergrande lãi khoảng 9,3 tỷ nhân dân tệ (NDT), tương đương 1,4 tỷ USD.

Số 2 Trung Quốc, số 1 thế giới

Evergrande ngày nay được biết đến với hai danh hiệu: Tập đoàn bất động sản lớn thứ 2 Trung Quốc tính theo doanh thu và doanh nghiệp địa ốc nặng nợ nhất thế giới.

Lịch sử của Evergrande bắt đầu vào năm 1996 khi được ông chủ Hứa Gia Ấn thành lập tại thành phố Quảng Châu với cái tên là công ty Hằng Đại. Cả Evergrande và Hằng Đại đều mang ý nghĩa vĩ đại mãi mãi theo thời gian.

Sau nhiều năm tăng trưởng chủ yếu nhờ vay nợ, Evergrande hiện nay sở hữu hơn 1.300 dự án bất động sản ở 280 thành phố trên khắp Trung Quốc, website của công ty cho hay.

Nghịch lý ở Evergrande: Năm nào cũng lãi hàng tỷ USD, tài sản ngắn hạn khổng lồ, tại sao vẫn bên bờ vực phá sản? - Ảnh 3.

Năm 2020, Evergrande ghi nhận doanh thu khoảng 106 tỷ USD, đứng thứ 2 Trung Quốc.

Tại ngày 30/6 năm nay, quỹ đất của tập đoàn bao gồm 778 dự án ở 233 thành phố với diện tích mặt sàn dự kiến là 214 triệu m2.

Tập đoàn của Chủ tịch Hứa Gia Ấn còn mạnh tay đầu tư ngoài ngành với nhiều công ty con trong các lĩnh vực như xe điện (Evergrande New Energy Auto), internet và truyền thông (HengTen Networks), công viên giải trí (Evergrande Fairyland), bóng đá (Guangzhoe F.C.), nước khoáng và thực phẩm (Evergrande Spring), …

Toàn tập đoàn có 200.000 nhân viên và hàng năm thuê thêm khoảng 3,8 triệu lao động để thực hiện các dự án xây dựng.

Tiêu chí to lớn (grand) trong tên gọi của tập đoàn có thể coi là đã đạt được, nhưng còn sự trường tồn (ever) thì đang bị thế giới nghi ngờ.

Bom nợ 300 tỷ USD

Để sở hữu số lượng dự án khổng lồ và tạo ra doanh thu trên 100 tỷ USD một năm, Evergrande đã phải tích tụ khối nợ hơn 300 tỷ USD trên bảng cân đối kế toán, chiếm 83% tổng nguồn vốn.

Nghịch lý ở Evergrande: Năm nào cũng lãi hàng tỷ USD, tài sản ngắn hạn khổng lồ, tại sao vẫn bên bờ vực phá sản? - Ảnh 4.

Nợ ngắn hạn là 238 tỷ USD, vượt xa vốn chủ sở hữu. Trong đó, tiền đi vay các tổ chức tài chính là khoảng 87 tỷ USD, phần còn lại là các khoản phải trả nhà cung cấp, tiền đặt cọc của người mua nhà và các nghĩa vụ nợ khác.

Nếu Evergrande không thanh toán được nợ, các cá nhân và tổ chức đã cho tập đoàn này vay cũng có thể rơi vào khủng hoảng thanh khoản, tạo nên tác động dây chuyền sâu rộng.

Năm 2018, một báo cáo của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PboC) đã xác định Evergrande là một trong những doanh nghiệp lớn có khả năng gây ra rủi ro cho hệ thống tài chính của đất nước tỷ dân.

Tuy nhiên, mối lo về Evergrande chỉ thực sự xuất hiện vào khoảng ngày này năm ngoái khi một bản tài liệu mật được tung lên mạng xã hội Trung Quốc.

Tài liệu bao gồm một bức thư cầu cứu đề ngày 24/8/2020 được cho là của Evergrande gửi đến chính quyền tỉnh Quảng Đông và tài liệu đính kèm liệt kê danh sách chủ nợ của Evergrande với khoảng 128 ngân hàng và 121 định chế phi ngân hàng.

Việc bức thư "kêu khổ" xuất hiện ngay sau khi chính sách "ba lằn ranh đỏ" được Trung Quốc thông qua đã làm dấy lên nhiều đồn đoán về sức khỏe tài chính của Evergrande.

Năm 2020, Ngân hàng Nhân dân và Bộ Nhà ở Trung Quốc công bố ba tiêu chí để cấp "room vay nợ" cho các công ty bất động sản, đó là: Tỷ lệ nợ phải trả trên tổng tài sản không quá 70% (không kể tiền người mua trả trước), tỷ lệ nợ ròng trên vốn chủ sở hữu không quá 100%, và tỷ lệ tiền mặt trên vay ngắn hạn ít nhất phải bằng 1.

Nghịch lý ở Evergrande: Năm nào cũng lãi hàng tỷ USD, tài sản ngắn hạn khổng lồ, tại sao vẫn bên bờ vực phá sản? - Ảnh 5.

Chủ tịch Evergrande Hứa Gia Ấn. (Ảnh: Reuters, Financial Times).

Nếu đạt cả ba yêu cầu, doanh nghiệp sẽ được tăng nợ tối đa 15% trong năm tiếp theo. Evergrande vi phạm tất cả "ba lằn ranh đỏ" và do vậy bị chặn đường vay mượn.

Để giảm tỷ lệ đòn bẩy, tập đoàn đã phải bán bớt nhiều tài sản với tỷ lệ chiết khấu ngày càng lớn, có khi lên tới 25%.

Chủ tịch Evergrande Hứa Gia Ấn lập tức tuyên bố tài liệu đề ngày 24/8/2020 nói trên là giả mạo, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới uy tín của công ty và cho biết đã mời công an vào cuộc để điều tra thủ phạm.

Tuy nhiên một năm sau, vào ngày 20/9/2021, Evergrande không thể trả khoản lãi vay đến hạn của hai chủ nợ lớn. 

Với nhà đầu tư và nhà cung cấp, tập đoàn này đề nghị được trả nợ bằng các bất động sản đang xây dang dở như căn hộ chung cư, bãi đậu xe, …

Bức thư rò rỉ một năm trước có thể là thật, có thể là giả, nhưng dường như đã mô tả chính xác hiểm cảnh của Evergrande.

Đằng sau những con số trên báo cáo của Evergrande

Theo báo cáo tài chính hợp nhất giữa năm 2021, tài sản ngắn hạn của Evergrande là khoảng 296 tỷ USD, chiếm 82% tổng tài sản và tương đương 1,24 lần nợ ngắn hạn. Trong lịch sử, hệ số tài sản ngắn hạn/nợ ngắn hạn luôn lớn hơn 1.

Nghịch lý ở Evergrande: Năm nào cũng lãi hàng tỷ USD, tài sản ngắn hạn khổng lồ, tại sao vẫn bên bờ vực phá sản? - Ảnh 6.

Hệ số thanh toán ngắn hạn của Evergrande luôn lớn hơn 1, thể hiện qua việc đường màu xanh (tài sản) luôn ở trên đường màu đỏ (nợ).

Một điểm đáng chú ý là khoản mục lớn nhất trong tài sản ngắn hạn của Evergrande là các dự án xây dựng dở dang, trị giá gần 192 tỷ USD. Đây là những bất động sản mà tập đoàn cho là có thể hoàn thành trong vòng một năm tài chính.

Để hoàn thiện các dự án này, tập đoàn sẽ cần phải rót thêm tiền. Nếu không, sẽ rất ít người muốn mua các ngôi nhà vẫn chưa xây xong, tính thanh khoản của tài sản do vậy là không cao.

Nói cách khác, tài sản ngắn hạn của Evergrande không thể dễ dàng được chuyển thành tiền mặt để thanh toán nghĩa vụ nợ ngắn hạn. 

Tập đoàn này muốn trả nợ trực tiếp bằng các dự án dở dang nhưng không mấy người mặn mà vì thanh khoản kém và vướng mắc nhiều thủ tục pháp lý.

Nghịch lý ở Evergrande: Năm nào cũng lãi hàng tỷ USD, tài sản ngắn hạn khổng lồ, tại sao vẫn bên bờ vực phá sản? - Ảnh 7.

Ngay cả lợi nhuận của Evergrande cũng bị nghi ngờ là giả vì nếu công ty làm ăn liên tục có lãi thật thì chắc chẳng thiếu tiền mặt tới mức không trả được nợ.

Một trong những vấn đề lớn với Evergrande nói riêng và doanh nghiệp Trung Quốc nói chung là các khoản đầu tư thua lỗ không được hạch toán một cách đầy đủ.

Khi giá đất đai và nhà cửa giảm xuống, lẽ ra doanh nghiệp bất động sản phải trích lập dự phòng và ghi nhận giảm giá trị hàng tồn kho. Khi đó, cả lợi nhuận, vốn chủ sở hữu và tổng tài sản của doanh nghiệp cùng giảm xuống một lượng bằng nhau.

Nếu doanh nghiệp không ghi nhận giảm hàng tồn kho, số liệu tài sản, vốn chủ và lợi nhuận trên báo cáo tài chính đều sẽ cao hơn thực tế.

Một số chuyên gia ước tính khoảng 220 tỷ USD hàng tồn kho của Evergrande thực chất là các khoản lỗ do giá tài sản giảm nhưng không được hạch toán đúng. Nói cách khác, tài sản của Evergrande đang bị thổi phồng và nếu ghi nhận đúng, Evergrande sẽ âm vốn chủ, mất khả năng thanh toán (insolvent).

Lời cảnh báo 9 năm về trước

Đối với nhiều người, con số 220 tỷ USD này không gây quá nhiều bất ngờ.

Từ tháng 6/2012, tức gần một thập kỷ trước, công ty nghiên cứu Citron Research đã công bố một bản báo cáo với nội dung cáo buộc Evergrande gian lận kế toán và khẳng định vốn chủ sở hữu của công ty phải âm.

Theo Citron, Evergrande khi đó đã phóng đại giá trị tiền mặt khoảng 17 tỷ nhân dân tệ, thổi phồng danh mục đầu tư bất động sản 10 tỷ NDT, thổi phồng giá trị dự án đầu tư ngoài ngành của Chủ tịch Hứa Gia Ấn 12 tỷ NDT, phóng đại giá gốc mua đất 6 tỷ NDT, che dấu các khoản nợ trị giá 23 tỷ NDT …

Khi quy mô của Evergrande lớn lên theo thời gian thì những uẩn khúc trong chính sách kế toán của công ty cũng tăng trưởng không ngừng, các con số xưa kia là chục tỷ NDT thì nay đã trở thành trăm tỷ USD.

Citron Research còn cáo buộc Evergrande hối lộ quan chức chính quyền để chiếm quỹ đất khủng với giá rẻ mạt, nhận đất rồi bỏ không trong nhiều năm, đồng thời kể ra nhiều vụ việc bạo lực giữa Evergrande và những người dân bị ảnh hưởng, …

Nghịch lý ở Evergrande: Năm nào cũng lãi hàng tỷ USD, tài sản ngắn hạn khổng lồ, tại sao vẫn bên bờ vực phá sản? - Ảnh 8.

Một người đi xe ba gác qua công trình dang dở của Evergrande tại tỉnh Giang Tô, Trung Quốc, ngày 23/9/2021. (Ảnh: Reuters).

Ông Andrew Left, nhà sáng lập Citron Research khi đó không biết rằng Chủ tịch Evergrande Hứa Gia Ấn là một trong những người giàu nhất và có quan hệ ở cấp cao nhất tại Trung Quốc.

Ông Left bị kiện ra tòa. Theo nhà sáng lập này, trong suốt quá trình kiện cáo, Evergrande luôn được bảo vệ kỹ càng, nhà chức trách ở Hong Kong không cho phép Citron tìm hiểu bất cứ thông tin gì từ Evergrande.

Sau 7 năm đấu tranh pháp lý và tiêu tốn hàng triệu USD, Andrew Left thua kiện. Ông bị cấm giao dịch trên thị trường chứng khoán Hong Kong trong vòng 5 năm từ tháng 10/2016 đến tháng 10/2021.

Thời hạn cấm với ông Left đã gần kết thúc, nhiều phân tích trong bản cáo cáo 9 năm về trước của ông cũng đã được thời gian chứng minh là có cơ sở. Câu hỏi lớn lúc này là những mối quan hệ từng giúp Evergrande thắng kiện trước đây có thể giúp cho tập đoàn này được giải cứu khỏi bờ vực phá sản hay không? Bắc Kinh không muốn nền kinh tế gánh chịu rủi ro hệ thống, nhưng cũng không thể để rủi ro đạo đức ăn sâu bén rễ trong đầu các nhà tài phiệt.

(Tỷ giá 1 USD = 6,6 nhân dân tệ)

Đức Quyền - Song Ngọc