Bí quyết nào giúp các ông trùm Trung Quốc âm thầm xả hàng trăm triệu USD cổ phiếu đúng đỉnh?
Tại Trung Quốc, tín hiệu bán cổ phiếu rõ ràng nhất là khi Chủ tịch Tập Cận Bình lớn tiếng công kích ngành đó.
Vậy nên khi ông Tập phàn nàn hồi tháng 3 rằng việc học tại nhà là "căn bệnh dai dẳng" đặt quá nhiều áp lực lên trẻ em và phụ huynh, những người đứng đầu của ít nhất hai công ty gia sư Trung Quốc đã bắt đầu bán cổ phần ở New York.
Một công ty vỏ bọc nắm giữ cổ phiếu của hai giám đốc cấp cao tại GSX Techedu bán ra lượng cổ phiếu trị giá 119 triệu USD chỉ ba ngày sau khi ông Tập lên tiếng.
Ví dụ trên là một trong số hàng trăm giao dịch mà Financial Times (FT) xem xét nhằm cung cấp cái nhìn đầu tiên về việc khi nào và làm cách nào giám đốc tại các công ty công nghệ lớn nhất Trung Quốc niêm yết ở New York mua bán cổ phiếu.
Trước công chúng, CEO Larry Chen của GSX bày tỏ niềm tin vào công ty, hứa hẹn vào cuối tháng 3 rằng sẽ mua 50 triệu cổ phiếu bằng tiền túi. Nhưng một người thân cận với GSX cho biết lúc đó các lãnh đạo công ty đã nhận ra rằng Bắc Kinh đang suy tính siết chặt quản lý lên ngành gia sư online. Ông Larry có vẻ không có liên quan tới công ty vỏ bọc nhắc đến ở trên.
Đến tháng 7, chính phủ Trung Quốc cấm toàn bộ ngành gia sư trực tuyến kiếm lợi nhuận, khiến giá cổ phiếu của mọi công ty lớn trong ngành sụp đổ. Đến đầu tháng 11, lô cổ phiếu 119 triệu USD được rao bán vào tháng 3 chỉ còn đáng giá 4 triệu USD. CEO Chen có vẻ chưa thực hiện lời hứa 50 triệu USD của mình.
Trước lệnh cấm tháng 7, lãnh đạo tại một công ty giáo dục khác ở Trung Quốc cũng đã xả cổ phiếu niêm yết ở New York.
Cặp vợ chồng đồng sáng lập nền tảng dạy tiếng Anh 51Talk bắt đầu hành động vào ngày 1/4, bán ra hàng lô cổ phiếu gần như mỗi ngày cho đến cuối tháng 6. Đến khi Bắc Kinh thông báo quy định mới, họ đã thu về khoảng 4,3 triệu USD.
Các tài liệu FT xem xét cho thấy hàng chục giao dịch bán rất đúng lúc bởi các lãnh đạo doanh nghiệp Trung Quốc. Tuy không có bằng chứng giao dịch nội gián, nhiều thương vụ này được tiến hành ngay trước động thái siết chặt của Bắc Kinh hay một báo cáo kết quả kinh doanh đáng thất vọng.
Một số lãnh đạo còn bán đúng đỉnh. 10 giám đốc và quản lý tại nền tảng bán hàng trực tuyến VIPshop, bán khoảng 527 triệu USD cổ phiếu vào tháng 3, gần 75% những gì họ bán ra trong vòng 18 tháng, ngay trước khi quỹ đầu cơ Archegos Capital Management sụp đổ và kích hoạt đợt bán tháo của cổ phiếu VIPshop.
Hiện VIPshop đã mất 70% giá trị so với giá hồi tháng 3.
Quy định riêng cho doanh nghiệp Trung Quốc niêm yết ở Mỹ
Các sếp doanh nghiệp Trung Quốc bán cổ phiếu khi đánh hơi thấy sự bất ổn từ Bắc Kinh, nhưng làm sao để xả hàng trăm triệu USD mà nhà đầu tư không hay biết?
Các giao dịch bởi lãnh đạo doanh nghiệp Trung Quốc ít bị chú ý vì chúng tuân theo các quy tắc báo cáo khác nhau của Ủy ban Chứng khoán và Sàn giao dịch Mỹ (SEC). Cơ quan này yêu cầu các lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ phải công bố giao dịch bán trong vòng hai ngày. Tại Hong Kong, lãnh đạo các doanh nghiệp có hạn là ba ngày.
Ngược lại, lãnh đạo của doanh nghiệp ngoại niêm yết ở Mỹ thường chỉ báo cáo sở hữu một, hai lần mỗi năm hoặc hoàn toàn không, tùy thuộc vào quy mô cổ phần.
Các công ty bao gồm cả gã khổng lồ mua sắm trực tuyến Alibaba đã sử dụng việc niêm yết ở Mỹ để được miễn trừ nghĩa vụ công bố thông tin ở Hong Kong, lập luận rằng bất kỳ tiết lộ bổ sung nào là "gánh nặng quá mức" đối với "người trong công ty".
Tại Mỹ, theo Quy định 144, các lãnh đạo doanh nghiệp ngoại phải báo cáo khi họ bắt đầu kế hoạch bán cổ phiếu bị hạn chế bằng cách đăng tải các tài liệu lên hệ thống công bố thông tin EDGAR hoặc qua đường bưu điện.
Gần như tất cả các sếp lớn Trung Quốc nói trên đều gửi tài liệu qua đường bưu điện. SEC cho phép người ngoài tiếp cận những tài liệu này trong phòng đọc ở Washington nhưng không đăng tải lên EDGAR.
Kể từ cuối tháng 4 năm ngoái, SEC đã chấp nhận gửi báo cáo qua email, nhưng cũng không tải lên EDGAR. Một công ty tư nhân số hóa những tài liệu này để bán cho các nhà đầu tư tổ chức và ngân hàng.
Ông Daniel Taylor, chuyên gia tài chính doanh nghiệp tại Trường Wharton cho biết: "Khi tôi nói với mọi người rằng giao dịch của các lãnh đạo doanh nghiệp nước ngoài niêm yết ở Mỹ thực sự được báo cáo nhưng được gửi qua bưu điện đến SEC, chẳng mấy ai tin. Tôi phải cho họ thấy các hồ sơ thực sự".
SEC đang cân nhắc sửa luật để bắt buộc mọi văn bản Mẫu 144 được tải lên hệ thống trực tuyến EDGAR.
Có những doanh nhân công nghệ Trung Quốc còn dùng công ty vỏ bọc để che giấu danh tính. Một giám đốc cấp cao của Alibaba đã dùng công ty vỏ bọc ở Bahamas tên là Sky Scraper Enterprises để khởi động kế hoạch bán cổ phiếu trị giá hàng trăm triệu USD.
FT đã xác định ra các công ty vỏ bọc được sử dụng bởi hầu hết tất cả lãnh đạo cao cấp của Alibaba, trừ CEO Daniel Zhang và Chủ tịch Ant là Eric Jing.
Alibaba cho biết công ty có "chính sách và quy trình nghiêm ngặt" để đảm bảo mọi nhân viên tuân thủ mọi điều luật chứng khoán. Người phát ngôn nói thêm rằng mọi thành viên cấp cao phải bán cổ phiếu theo kế hoạch thụ động với thời gian chờ đợi 30 hoặc 60 ngày trước khi giao dịch tự động thực hiện.
Các kế hoạch giao dịch theo lịch nhằm mục đích ngăn chặn các giao dịch nội gián bất hợp pháp nào, nhưng nghiên cứu của chuyên gia tài chính Taylor cho thấy chúng có khả năng bị lạm dụng. Một số giám đốc Trung Quốc đã lên lịch bán cổ phiếu vào cuối quý, làm dấy lên lo ngại rằng họ có thể đã lập kế hoạch khi biết trước kết quả kinh doanh tiêu cực.