Bloomberg: Trung Quốc cân nhắc xé nhỏ Evergrande để kiểm soát khủng hoảng
Nguồn tin của Bloomberg cho biết giới chức Trung Quốc đang xem xét đề xuất xé nhỏ Evergrande bằng cách bán phần lớn tài sản của tập đoàn này.
Đề xuất tái cơ cấu trên do các quan chức tỉnh Quảng Đông, quê nhà của Evergrande đệ trình lên Bắc Kinh. Kế hoạch này kêu gọi Evergrande bán hầu hết tài sản ngoại trừ hai công ty quản lý bất động sản và xe điện được niêm yết riêng biệt.
Nhóm được dẫn dắt bởi China Cinda Asset Management, công ty quản lý nợ xấu thuộc nhà nước và là chủ nợ lớn của Evergrande sẽ tiếp quản bất kỳ tài sản bất động sản nào không bán được.
Nếu được chấp thuận, kế hoạch sẽ đánh dấu động thái lớn nhất từ trước đến nay bởi chính quyền Chủ tịch Tập Cận Bình nhằm ngăn cuộc sụp đổ lộn xộn của Evergrande làm chao đảo thị trường tài chính và nền kinh tế Trung Quốc.
Tiền thu được từ việc bán tài sản sẽ được sử dụng để trả nợ, dù không rõ các ngân hàng và trái chủ sẽ được hoàn lại bao nhiêu tiền cho vay. Do đó nhiều khả năng kế hoạch này sẽ khởi động cuộc chiến dai dẳng giữa các chủ nợ.
Giới đầu tư sẽ theo dõi sát sao tổn thất mà các chủ nợ phải gánh chịu để tìm manh mối về cách ông Tập dự định cân bằng mục tiêu giảm thiểu rủi ro đạo đức trong hệ thống tài chính Trung Quốc và duy trì ổn định kinh tế.
Ông Tập đã khiến nhiều nhà đầu tư kinh ngạc với các động thái mạnh mẽ nhằm chấn chỉnh tình trạng vay nợ quá mức trong ngành bất động sản. Tuy nhiên gần đây chính phủ Trung Quốc đã lỏng tay hơn trong cuộc trấn áp trong bối cảnh gia tăng lo ngại về tác động tới nền kinh tế.
Hôm 25/1, Quỹ Tiền Tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo rằng sự giảm tốc của thị trường nhà đất Trung Quốc là một trong số rủi ro tới tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Hãng cung cấp thông tin tài chính REDD cho biết quan chức Trung Quốc có thể định ra khuôn khổ xử lý Evergrande trước 5/3. Hôm 26/1, Evergrande thông báo tập đoàn có kế hoạch đưa ra đề xuất tái cấu trúc sơ bộ trong vòng 6 tháng tới.
Cuộc khủng hoảng thanh khoản của Evergrande đã trở thành tâm điểm chú ý của nhà đầu tư toàn cầu. Nhiều người lo ngại sự sụp đổ của nhà phát triển bất động sản này có thể lây lan ra hệ thống tài chính và kìm hãm tăng trưởng Trung Quốc. Ước tính thị trường nhà ở chiếm khoảng 25% GDP nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Trái phiếu của Evergrande mất giá nặng nề trong lúc nhà đầu tư thấp thỏm chờ đợi cuộc tái cấu trúc doanh nghiệp lớn nhất từ trước đến nay của Trung Quốc. Giá cổ phiếu bốc hơi gần 90% kể từ đầu năm 2021.
Tuy nới lỏng gọng kìm lên ngành bất động sản trong vài tuần qua, giới chức Trung Quốc đã ra hiệu rõ rằng sẽ không giải cứu Evergrande. Tháng 10 năm ngoái, ngân hàng trung ương Trung Quốc đổ lỗi các tai ương của Evergrande cho "sự mở rộng và đa dạng hóa mù quáng" và không hành động thận trọng trong bối cảnh thị trường thay đổi.
Evergrande không đạt được mấy tiến triển trong việc thanh lý tài sản trong những tháng qua. Tháng 10/2021, Evergrande hủy bỏ các cuộc đàm phán để bán bớt cổ phần kiểm soát trong công ty quản lý bất động sản, được cho là có thể huy động được khoảng 2,6 tỷ USD. Kế hoạch bán trụ sở ở Hong Kong cũng bị đình trệ.
Hai công ty xe điện và quản lý bất động sản hiện có giá trị cao hơn cả Evergrande, vốn hóa tập đoàn hiện còn chưa đến 3 tỷ USD. Cổ phiếu China Evergrande New Energy Vehicle Group cũng đã đi xuống trong năm qua, công ty chưa sản xuất hàng loạt mẫu ô tô nào. Evergrande Property Services Group quản lý và cung cấp dịch vụ cho căn hộ do Evergrande và các nhà phát triển khác xây dựng.
Evergrande đang ưu tiên thanh toán cho người lao động nhập cư và các nhà cung cấp. Các cơ quan quản lý thúc giục tập đoàn tránh mọi rủi ro bất ổn xã hội.
Evergrande cũng chịu áp lực hoàn thiện nhà cho 1,6 triệu người đã trả tiền đặt cọc, và phải hoàn trả tiền cho những người đã mua sản phẩm đầu tư trả lãi cao của tập đoàn. Tổng nghĩa vụ nợ của Evergrande có quy mô hơn 300 tỷ USD, bao gồm hơn 19 tỷ USD trái phiếu quốc tế.