Hà Nội 16 °C | 01:30PM, 30/03/2025
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Lãnh đạo Cảng Sài Gòn nói gì về cạnh tranh giữa cụm Cái Mép và siêu cảng Cần Giờ?

12:03 | 26/03/2025
Chia sẻ
Ban lãnh đạo Cảng Sài Gòn cho biết đang rất tập trung làm việc với sở ngành liên quan và tích lũy các nguồn lực để triển khai Cảng trung chuyển quốc Cần Giờ.

Sáng ngày 26/3, Công ty cổ phần Cảng Sài Gòn (Mã: SGP) tiến hành họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025, tại trụ sở công ty ở quận 4, TP HCM.  

Nội dung trọng điểm được cổ đông quan tâm là kế hoạch phát triển Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ với quy mô hàng tỷ USD, được kỳ vọng giúp doanh ghiệp chuyển mình mạnh mẽ. Ngoài ra còn các nội dung về kế hoạch kinh doanh, hoạt động các công ty liên doanh, các hướng đầu tư mới, chuyển sàn...

 Kiểm tra tư cách cổ đông trước đại hội. Ảnh: HL. 

Dành nguồn lực lớn cho siêu cảng Cần Giờ 

Liên danh CTCP Cảng Sài Gòn - Terminal Investment Limited Holding S.A (thuộc MSC) gần đây đã đề nghị xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. Theo đề xuất của liên danh, cảng sẽ triển khai trên quy mô 571 ha, tổng vốn đầu tư 113.532 tỷ đồng, dự án sẽ hoàn thành và đưa vào vận hành vào năm 2045.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 148/QĐ-TTg ngày 16/1/2025 của Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. 

Tại đại hội, thành viên HĐQT Lý Quang Thái xác nhận dựa trên cơ sở là hồ sơ đề xuất, Chính Phủ trong tháng 1 đã chấp thuận chủ trương đầu tư. Đây là một dự án có quy mô rất lớn, không chỉ ở TP HCM mà còn trên cả nước. 

"Do dự án lớn nên có nhiều bước và nhiều nội dung liên quan. Quý vị yên tâm chúng tôi đang cố gắng hết sức triển khai công việc. Ngay khi có thông tin rõ ràng sẽ thông báo đến cổ đông", theo ông Thái. 

Lãnh đạo công ty nhấn mạnh hiện nay vẫn còn rất nhiều bước tiếp theo để triển khai dự án, lựa chọn nhà đầu tư, triển khai xây dựng... HĐQT cùng các cổ đông lớn đang rất tập trung làm việc với sở ngành liên quan để triển khai sớm các thủ tục liên quan.

 Lãnh đạo Cảng Sài Gòn nói đang rất tập trung làm việc với sở ngành liên quan để triển khai siêu cảng Cần Giờ. Ảnh: HL. 

Công ty sẽ xây dựng kế hoạch chuẩn bị phương án về nguồn vốn và phân kỳ đầu tư đối với các dự án cảng Cần Giờ và một số dự án phát triển cơ sở hạ tầng, trên nguyên tắc bảo đảm cân đối dòng tiền và không tạo áp lực tài chính.  

Theo quy trình chuẩn bị kế hoạch đầu tư dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, doanh nghiệp sẽ lập báo cáo nghiên cứu khả thi, lập hồ sơ ĐTM, tham gia lựa chọn nhà đầu tư...  

Về nguồn vốn, ông Thái cho biết ban lãnh đạo vẫn đang tập trung trí tuệ để tích lũy nguồn lực cho cảng và xây dựng phương án liên quan để triển khai, sẽ báo cáo ngay khi làm việc xong với các sở ban ngành. Nếu có vấn đề lớn phát sinh, công ty cũng sẽ lấy ý kiến cổ đông theo quy định. 

Trao đổi bên lề cuộc họp, Tổng giám đốc Nguyễn Lê Chơn Tâm đã có phương án tài chính và có sự bàn bạc với đối tác MSC, tuy nhiên còn quá sớm để thông tin chi tiết. Việc hợp tác không chỉ phải tuân thủ quy định của Nhà nước mà còn phải tuân thủ cung cầu thị trường để đảm bảo quyền lợi cổ đông. 

Cần Giờ và Cái Mép là tương hỗ  

Tại đại hội, cổ đông lo lắng về các quy hoạch cảng biển với hàng loạt cảng quy mô lớn ra đời có thể gây ảnh hưởng đến hoạt động của công ty. Ban lãnh đạo Cảng Sài Gòn cho rằng điều này không phải là cạnh tranh mà là bổ trợ. 

CEO Nguyễn Lê Chơn Tâm nói công ty vẫn tạo được động lực tăng trưởng với 3 liên doanh lớn, kỳ vọng tăng trưởng hai con số cho doanh nghiệp. Việc quy hoạch cảng biển thực chất sẽ tốt hơn cho doanh nghiệp khu vực TP HCM và Đông Nam Bộ. 

 Cái Mép và Cần Giờ là sự tương hỗ để tạo ra một cụm cảng có sức cạnh tranh cho Việt Nam. Ảnh: HL. 

Ông cho rằng khi các cảng lớn ra đời thì cảng nhỏ phải di dời, hoặc như Cảng Sài Gòn sẽ chuyển đổi khu Nhà Rồng Khánh Hội sang phát triển cảng du lịch. 

Vị này dẫn số liệu trong 18 triệu khách quốc tế ở Việt Nam thì có hơn 6 triệu khách đến TP HCM, tương tự khách nội địa hơn 120 triệu lượt thì TP HCM tiếp đón đến 30 triệu khách. Do đó, đầu tư cơ sở hạ tầng cho du lịch rất lớn và điều này đang được chính quyền TP HCM ủng hộ phát triển cảng du lịch.

Đơn cử vào 29/3 tới đây, công ty sẽ tiếp nhận các chuyến tàu đi Côn Đảo, từ bến Bạch Đằng sang bến Nhà Rồng, tiếp nhận khoảng 2-3 con tàu sẽ giúp khu vực phát triển", ông Tâm tin việc quy hoạch là có lợi cho tất cả. 

Đối với lo ngại cạnh tranh các cụm cảng, thành viên HĐQT Lý Quang Thái khẳng định Cần Giờ và cụm Cái Mép Thị Vải là không xung đột với nhau, mà sẽ tương hỗ bổ trợ tạo ra sức cạnh tranh cho khu vực. Đây là quan điểm chỉ đạo xuyên suốt từ các cấp để tạo ra một cụm cảng có sức cạnh tranh cho Đông Nam Bộ và Việt Nam. 

Chủ tịch HĐQT Huỳnh Văn Cường bổ sung Cảng Cần Giờ tập trung hàng trung chuyển quốc tế 70-80% nên xung đột hay cạnh tranh Cái Mép thì gần như rất hạn chế. Thêm nữa, 20-25% hàng xuất khẩu Cảng Cần Giờ là sự phát triển tự nhiên của nền kinh tế khi Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng hai con số. 

Kế hoạch lãi tăng 41%

Năm 2025, công ty đề ra mục tiêu sản lượng dự kiến khoảng 10 triệu tấn. Chỉ tiêu doanh thu 1.214 tỷ đồng, giảm 13% so với năm ngoái nhưng lợi nhuận trước thuế dự kiến 316 tỷ đồng, tăng hơn 40% so với cùng kỳ. 

CEO Nguyễn Lê Chơn Tâm nhận định tình hình quốc tế vẫn còn nhiều biến số phức tạp, tuy nhiên doanh nghiệp nhận thấy quý I-II vẫn chưa có nhiều tác động từ các chính sách thuế quan của Mỹ. Công ty đặt mục tiêu tăng trưởng cao hơn năm ngoái và cao hơn mức 8% theo yêu cầu của Chính phủ, dù đây là các con số thách thức. 

 Nguồn: HL tổng hợp. 

Cảng Sài Gòn dự kiến tiếp tục khai thác tối đa công suất tại khu cảng Tân Thuận; nâng cấp cải tạo bãi tại cả 2 khu Tân Thuận 1 và Tân Thuận 2 để tăng khả năng tiếp nhận tàu và nâng công suất chất xếp tại bãi.

Đẩy nhanh tiến độ thuê trang thiết bị và cơ sở hạ tầng để thực hiện khai thác tại Cảng Sài Gòn - Hiệp Phước; giữ mối quan hệ tốt đẹp với Thép Miền Nam để tiếp tục được thuê khai thác tại Cảng Thép; liên kết với chi nhánh Cảng Sài Gòn tại Bà Rịa Vũng Tàu để phát triển tại khu vực Cái Mép Thị Vải; phát triển khu Nhà rồng Khánh Hội thành cảng du lịch văn hóa... 

Lãnh đạo công ty còn nói sẽ triển khai dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ và các dự án hợp tác khác.

Năm ngoái, Cảng Sài Gòn ghi nhận sản lượng 10,25 triệu tấn hàng hóa, tăng 19% so với cùng kỳ và vượt 11% kế hoạch năm, nhờ việc các chi nhánh vẫn giữ được quan hệ tốt với các khách hàng truyền thống và mở rộng hoạt động tại Cái Mép Thị Vải.  

Doanh thu hợp nhất cả năm đạt 1.388 tỷ đồng, tăng 43% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế chỉ gần 225 tỷ đồng, giảm 27% so với cùng kỳ và thực hiện được 95% kế hoạch năm. Công ty quyết định không chi trả cổ tức 2024. 

Một vấn đề khác được quan tâm tại đội hội là kế hoạch chuyển niêm yết. Chủ tịch HĐQT Huỳnh Văn Cường nói đang rà soát các điều kiện để chuyển sàn vào thời điểm thích hợp. Công ty đã tiến hành trích lập dự phòng và hoàn thành vào năm 2021 giúp hoạt động kinh doanh ngày càng khả quan, do đó ban lãnh đạo sẽ rà soát và khi điều kiện thích hợp sẽ chuyển sàn tương ứng. 

Huy Lê