|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Ai đứng sau doanh nghiệp vừa chi hơn 300 tỷ đồng trở thành cổ đông lớn thứ hai của Cảng Sài Gòn?

16:08 | 07/08/2023
Chia sẻ
Công ty Toàn Thắng, đơn vị vừa dùng gần như toàn bộ vốn điều lệ để mua lại hơn 21 triệu cổ phần của Cảng Sài Gòn có trụ sở đặt tại Hà Nội, do hai công ty liên quan đến mảng ô tô và bất động sản góp vốn.

 Một góc Cảng Sài Gòn. (Ảnh minh họa: MH).

Ngày 1/8, Công ty TNHH Phát triển Dịch vụ Thương mại Toàn Thắng đã báo cáo mua 21,3 triệu cổ phiếu SGP của CTCP Cảng Sài Gòn và chính thức trở thành cổ đông lớn với tỷ lệ nắm giữ 9,83%.

Khả năng lượng cổ phiếu trên do CTCP Thương mại Dịch vụ Hòa Hải, cổ đông liên quan đến Thành viên HĐQT của Cảng Sài Gòn - bà Đỗ Thị Minh bán ra. Trước đó, Công ty Hòa Hải đã đăng ký bán đúng 21,3 triệu cổ phiếu, chiếm toàn bộ 9,83% vốn đang sở hữu, trong giai đoạn 31/7 - 29/8 với mục đích cơ cấu danh mục đầu tư.

Phiên 1/8 ghi nhận khối lượng thỏa thuận đạt 21,3 triệu đơn vị, với giá trị giao dịch trên 325 tỷ đồng, tương ứng với bình quân 15.300 đồng/cp. Mức giá này thấp hơn thị giá cùng phiên là 17.300 đồng/cp.

Đây cũng là các giao dịch đầu tiên của cổ đông lớn và cổ đông nội bộ tại Cảng Sài Gòn trong năm 2023. Kể từ đầu năm đến nay, thị giá SGP tăng khoảng 32%, từ 13.100 đồng/cp lên 17.400 đồng/cp kết phiên 7/8.

Với sự tham gia của Công ty Toàn Thắng, danh sách cổ đông Cảng Sài Gòn gồm Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC - Mã: MVN) với tỷ lệ 65,45% cùng với hai ngân hàng VietinBank và VPBank.

  Nguồn: Tổng hợp tư công bố thông tin của công ty. 

Ai đứng sau Toàn Thắng?

Theo Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, Công ty Toàn Thắng được thành lập tháng 12/2018 với vốn điều lệ ban đầu là 330 tỷ đồng, ngành nghề chính là tổ chức giới thiệu và xúc tiến thương mại. Số vốn điều lệ này chỉ nhỉnh hơn một chút so với số tiền mà công ty này góp vốn vào Cảng Sài Gòn.

Trụ sở của công ty đặt tại phường Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Người đại diện theo pháp luật kiêm Giám đốc là bà Vũ Thị Hạnh (sinh năm 1977, trú tại Hà Nội). 

Cổ đông lớn nhất của Toàn Thắng là Công ty TNHH Dịch vụ và Kinh doanh Bất động sản Long Biên góp gần 244 tỷ đồng, tương ứng 73,8% vốn điều lệ. Công ty TNHH Thương mại Ô tô Thành Công bỏ ra hơn 86 tỷ đồng, tương đương 26,2% vốn.

Nói thêm, Công ty TNHH Thương mại Ô tô Thành Công trở thành cổ đông lớn của một doanh nghiệp đang giao dịch trên sàn UPCoM là Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Mã: HTM) từ tháng 5/2018 và sau đó tăng tỷ lệ nắm giữ lên 12,68% vốn điều lệ như hiện tại, ứng với 279 tỷ đồng vốn góp.

Còn về công ty mẹ Bất động sản Long Biên, công ty này được thành lập tháng 9/2017 với ngành nghề chính là kinh doanh bất động sản, trụ sở đặt tại quận Ba Đình, Hà Nội. Người đại diện theo pháp luật ban đầu là bà Vũ Thị Hạnh - người đang là Giám đốc tại công ty con Toàn Thắng.

Đến tháng 9/2022, Bất động sản Long Biên đổi người đại diện pháp luật thành bà Nguyễn Thị Thanh (sinh năm 1987, trú tại Thái Bình).

Theo công bố mới nhất, cuối năm 2022, vốn điều lệ của Bất động sản Long Biên là 1.340 tỷ đồng, trong đó Công ty TNHH Phát triển và Đầu tư Phúc Thịnh góp 670 tỷ, Công ty TNHH Xây dựng và Dịch vụ Thương mại An Khang góp 660 tỷ và còn lại là Công ty TNHH Một thành viên Thương mại Dịch vụ và Du lịch Hải Tiến.

 Nguồn: Tổng hợp từ Cổng công bố thông tin quốc gia.

Sôi động các thương vụ M&A ngành cảng năm 2023

Thời gian từ đầu năm 2023 đến nay đã diễn ra nhiều thương vụ mua bán sáp nhập (M&A) hoặc giao dịch cổ phiếu trên sàn để trở thành cổ đông lớn của các đơn vị ngành cảng, vận tải biển.

Thương vụ lớn nhất được nhắc tới là việc chuyển nhượng toàn bộ gần 85% vốn đang nắm giữ của Gemadept tại Cảng Nam Hải Đình Vũ cho nhóm nhà đầu tư bao gồm CTCP Container Việt Nam (Viconship - Mã: VSC). Thương vụ này đem về cho Gemadept khoản lãi 1.844 tỷ đồng ghi nhận trên báo cáo tài chính quý II/2023.

Một thương vụ cũng lớn không kém là vào tháng 5, PSA Cargo Solution Vietnam Investments Pte.Ltd - doanh nghiệp ngành logistics có địa chỉ tại Singapore đã chi gần 1.300 tỷ đồng mua thỏa thuận 24,46 triệu cổ phiếu STG (24,9% vốn điều lệ) của CTCP Kho vận Miền Nam (Sotrans). Bên bán là CTCP Giao nhận và Vận chuyển In Do Trần - cổ đông lâu năm của Sotrans.

Ngày 5/7, bằng hình thức khớp lệnh, quỹ America LLC đã mua vào 20.200 cổ phiếu DVP của CTCP Đầu tư và Phát triển Cảng Đình Vũ, nâng tỷ lệ nắm giữ từ 4,972% lên 5,023% vốn điều lệ và chính thức trở thành cổ đông lớn.

Nửa đầu năm 2023, sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển giảm 3% so với cùng kỳ, đạt khoảng 359,4 triệu tấn. Hàng container ước đạt 11,7 triệu TEUs, giảm 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Các khu vực cảng biển có khối lượng hàng thông qua nhiều như Vũng Tàu giảm 13%, Hải Phòng và TP HCM giảm 3%.

Sự sụt giảm này chủ yếu do tình hình xuất khẩu giảm hơn 14% trong 6 tháng đầu năm khi nhu cầu tiêu thụ ở các nước về mức thấp, thiếu đơn hàng của các ngành dệt may, thủy sản, gỗ… 

Nửa cuối năm 2023, SSI Research cho rằng giá cước cho thuê tàu có thể tăng 15 - 20% so với mức đáy và việc giảm hàng tồn kho sẽ kết thúc vào khoảng quý III/2023 do đó nền tảng của ngành sẽ cải thiện.

Công ty Chứng khoán An Bình (ABS) cũng kỳ vọng rằng, với tốc độ lạm phát chậm dần trong thời gian gần đây, chu kỳ kinh tế các thị trường xuất khẩu lớn như Mỹ, châu Âu, Trung Quốc sẽ tạo đáy trong nửa cuối năm 2023 và hồi phục dần cũng sẽ giúp sản lượng sản xuất và xuất nhập khẩu của Việt Nam gia tăng, kéo theo nhu cầu vận chuyển tăng trở lại.

Về dài hạn, ngành logistics cảng biển của Việt Nam vẫn có tiềm năng tăng trưởng lớn khi nhu cầu thế giới đang phục hồi, kéo theo các hoạt động vận tải sẽ sôi động hơn, trong khi Việt Nam lại có vị trí địa lý thuận lợi cho việc giao thương.

Theo bảng xếp hạng thường niên của Agility năm 2023, Việt Nam lọt top 10 trong số 50 thị trường logistics mới nổi trên thế giới, đứng thứ 4 Đông Nam Á. Báo cáo đánh giá, Việt Nam là nước hưởng lợi từ khi các doanh nghiệp sản xuất, bán lẻ toàn cầu đang tìm cách đa dạng hóa nguồn cung và giảm sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

Minh Hằng