Cảng Sài Gòn (SGP) ước lãi 251 tỷ đồng trong 10 tháng
Trong cuộc họp với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, ông Nguyễn Lê Chơn Tâm,Tổng Giám đốc CTCP Cảng Sài Gòn (Mã: SGP) thông tin, 10 tháng đầu năm, doanh thu hợp nhất ước đạt 1.041 tỷ đồng giảm 12%, lợi nhuận trước thuế khoảng 251 tỷ đồng giảm 30% so với cùng kỳ năm ngoái.
Năm 2022, công ty đặt mục tiêu 1.290 tỷ đồng doanh thu, 382 tỷ đồng lợi nhuận. Sau 10 tháng, Cảng Sài Gòn hoàn thành 81% kế hoạch doanh thu, 66% kế hoạch lợi nhuận năm.
Theo lãnh đạo Cảng Sài Gòn, tác động của chiến sự Nga – Ukraine, chủ trương Zero COVID tại Trung Quốc, nhu cầu tiêu dùng tại Mỹ và châu Âu giảm mạnh và giá các loại hàng hóa thiết yếu trên thị trường thế giới tăng cao tạo ra áp lực lớn đến lạm phát toàn cầu.
Ngoài ra, phí cơ sở hạ tầng cảng biển áp dụng từ 1/4/2022 tại TPHCM đã tác động tiêu cực đến các mặt hàng chủ lực của cảng như sắt thép, phân bón nhập khẩu, container nội địa. Đây là nguyên nhân khiến doanh thu và lợi nhuận hoạt động kinh doanh khai thác cảng biển của công ty giảm so với cùng kỳ 2021.
Thông tin thêm, ông Tâm cho biết, công ty đã xây dựng kế hoạch phát triển Cảng Sài Gòn giai đoạn 2022 – 2030 với mục tiêu đầu tư cảng cửa ngõ và trung tâm logistics tại Hiệp Phước thành trung tâm phân phối hàng hoá, tiếp nhận và lưu giữ hàng hóa cho Cảng Sài Gòn - Hiệp Phước và các cảng khác trong khu vực.
Hơn nữa, Cảng Sài Gòn còn hỗ trợ các công tác lai dắt tàu, vệ sinh tàu và cung ứng nước ngọt, cung cấp dịch vụ sửa chữa và bảo trì duy tu các thiết bị bốc xếp và phương tiện vận tải. Và đầu tư cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ (SIGP), đầu tư kho vận tải khu Tân Thuận, xây dựng hệ sinh thái logistics.
Tại buổi làm việc với Uỷ ban quản lý vốn, lãnh đạo Cảng Sài Gòn đề xuất xem xét việc duy trì đóng, mở khu bến cảng Nhà Rồng - Khánh Hội trong điều kiện Cảng Sài Gòn phải tiếp nhận các tàu quân sự, tàu khách quốc tế và các tàu thương mại phục vụ kinh tế xã hội của TP HCM khi các cảng trong khu vực hiện nay chưa thể tiếp nhận, thay thế.
Đồng thời, công ty còn kiến nghị Ủy ban đề xuất TP HCM sớm có tờ trình đưa dự án cảng trung chuyển Quốc tế Cần Giờ vào Quy hoạch tổng thể quốc gia dự kiến trình Quốc hội vào cuối năm 2022 và xem xét việc duy trì khu Tân Thuận cho đến khi di dời theo kế hoạch là sau năm 2030. Với cảng cửa ngõ Hiệp Phước thì sớm hoàn tất phân đoạn Bến Lức - Hiệp Phước của Cao tốc Bến Lức - Long Thành trong năm 2023.
Nhận định về thị trường, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Ngọc Cảnh dự báo hai tháng cuối năm 2022 và năm 2023 sẽ là giai đoạn khó khăn với các cảng biển về hàng hóa vì tình trạng suy thoái toàn cầu.
Theo ông Cảnh, áp lực về tài chính, nhu cầu về hàng hóa tại các thị trường chính như châu Âu, Mỹ đang giảm sút cũng là một trong những vấn đề có thể tạo nên khó khăn cho tình hình xuất nhập khẩu của Việt Nam, ảnh hưởng trực tiếp đến sản lượng hàng hóa thông qua cảng Việt Nam.
Ngoài ra, công ty cần chú trọng vào các khách hàng mục tiêu như các tập đoàn, tổng công ty lớn, các khu kinh tế, khu công nghiệp trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Khách hàng mục tiêu cho khối cảng khai thác hàng container là các hãng tàu container lớn trên thế giới như Maersk Line, MSC, Wanhai, Evergreen, ONE. Hay các liên minh hãng tàu như 2M, The Alliance, Ocean Alliance.