|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

BVSC: Nguồn cung khan hiếm, Digiworld khó hoàn thành mục tiêu lợi nhuận năm

21:30 | 20/11/2022
Chia sẻ
Theo BVSC, nhu cầu của người tiêu dùng suy giảm và nguồn cung hàng hoá gặp vấn đề đang là thách thức lớn cho Digiworld trong những tháng cuối năm.

Báo cáo mới đây của CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC – Mã: BVS) đánh giá triển vọng CTCP Thế giới số (Digiworld – : DGW) sẽ khó bứt phá trong bối cảnh vĩ mô khó khăn.

Trong quý IV/2022, Digiworld đặt mục tiêu 7.500 tỷ đồng doanh thu giảm 5,3%, lợi nhuận ròng là 300 tỷ đồng giảm 8,3% so với cùng kỳ.

BVSC cho rằng, Digiworld đang giả định biên lợi nhuận ròng quý IV mở rộng lên 4% nhờ iPhone 14 có biên lợi nhuận cao ở đầu chu kỳ, tối ưu OpEx và một số khoản hoàn nhập dự phòng. Song, kế hoạch khá tham vọng ở thời điểm hiện tại khi triển vọng quý IV có vẻ ảm đạm do nhu cầu suy giảm và vấn đề nguồn cung.

Theo BVSC, doanh thu chủ yếu của Digiworld đến từ điện thoại di động như Xiaomi, iPhone 14, TV Xiaomi, Whirlpool. Tuy nhiên, việc khan hiếm nguồn cung iPhone 14 pro và iPhone 14 promax từ chính sách Zero COVID của Trung Quốc đã tác động lên các hoạt động sản xuất, việc hạn hẹp nguồn cung chắc chắn sẽ tác động tiêu cực đến sản lượng tiêu thụ.

Ngoài ra, chênh lệch cung cầu làm tăng giá bán và mở rộng biên lợi nhuận, phần nào hỗ trợ lợi nhuận ròng dù tác động thuần vẫn tiêu cực, ít nhất là trong ngắn hạn.

Do triển vọng kém lạc quan, BVSC hạ triển vọng doanh thu thuần và lợi nhuận ròng Digiworld năm 2022 xuống lần lượt 22.984 tỷ đồng và 728 tỷ đồng. Năm nay, Digiworld đặt mục tiêu doanh thu là 26.300 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 800 tỷ đồng.

BVSC dự báo, năm 2023, doanh thu thuần của công ty có thể giảm 5% so với năm 2022 xuống 21.941 tỷ đồng, lợi nhuận ròng giảm 13% xuống 638 tỷ đồng. Song, BVSC kỳ vọng Xiaomi và Apple tiếp tục đạt hiệu quả vượt trội thị trường nhờ lợi thế cạnh tranh sẵn có, duy trì là động lực chính cho Digiworld.

Theo đơn vị phân tích, triển vọng năm 2023 của Digiworld sẽ thách thức hơn trước áp lực lạm phát, biến động tỷ giá và môi trường lãi suất tăng. Hơn nữa là vấn đề nguồn cung trong thời gian gần đây tác động kém tích cực lên sức mua của người tiêu dùng.

Mặc dù triển vọng ngắn hạn (6 tháng đầu năm 2023) kém lạc quan do hiệu ứng nền cao nhưng BVSC cho rằng, việc nới lỏng chính sách Zero COVID với nguồn cung là một chất xúc tác để nhà đầu tư có thể tiếp tục quan sát kỹ lưỡng.

Lâm Anh