|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Cảng Sài Gòn muốn cho Liên doanh SSIT vay 24 triệu USD để trả nợ

21:00 | 08/11/2022
Chia sẻ
Theo lịch trả nợ vay, trước ngày 15/12, Liên doanh SSIT, công ty thành viên thuộc Cảng Sài Gòn phải trả nợ dứt điểm tổng số tiền 47,7 triệu USD cho 5 tổ chức tín dụng.

CTCP Cảng Sài Gòn (Mã: SGP) vừa thực hiện xin ý kiến cổ đông về việc cho Công ty TNHH Liên doanh Dịch vụ container Quốc tế Cảng Sài Gòn - SSA (Liên doanh SSIT) vay số tiền 24 triệu USD để thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp.

Theo giới thiệu, Liên doanh SSIT do ba công ty góp vốn gồm Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines - Mã: MVN) nắm 11,07%, Cảng Sài Gòn sở hữu 38,93% và Công ty TNHH SSA Holding International Việt Nam (Mỹ) nắm giữ 50% vốn. Trụ sở của SSIT đặt tại thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu.

Liên doanh SSIT là đơn vị khai thác dự án Cảng SSIT, cảng được xây dựng từ năm 2006 nhằm khai thác tàu container kích cỡ lớn và được trang bị các thiết bị khai thác hiện đại bao gồm các cẩu bờ lớn nhất Việt Nam lúc đó. Đây là cảng biển nước sâu hiện đại cung cấp các dịch vụ cho các hãng tàu, khách hàng và là cảng cữa ngõ khu vực miền Nam.

 Vị trí Cảng SSIT nằm ngay cửa ngõ khu vực miền Nam, gần khu vực Cảng Cái Mép Thị Vải. (Ảnh: SSIT).

Do khủng hoảng tài chính năm 2008, cảng SSIT đã ngưng hoạt động đến năm 2016. Năm 2018, Liên doanh SSIT bắt đầu khai thác container trở lại.

Theo tờ trình của Cảng Sài Gòn, hiện tình hình tài chính của Liên doanh SSIT đang có vấn đề khi công ty chưa thu xếp đủ để thanh toán nợ đáo hạn. Đến ngày 31/8/2022, Liên doanh SSIT còn nợ 5 tổ chức tín dụng tổng số tiền 47,7 triệu USD (trong đó 43,2 triệu USD là nợ quá hạn). Theo lịch trả nợ vay, trước ngày 15/12, Liên doanh SSIT phải trả nợ dứt điểm tổng số tiền trên cho các tổ chức tín dụng.

Do đó, trước thời điểm ngày 15/12, các thành viên góp vốn vào Liên doanh SSIT và các tổ chức tín dụng cần thống nhất được phương án tái cơ cấu nợ vay như giãn nợ gốc vay hay trả dứt điểm nợ một lần. Nếu sau thời điểm này, các thành viên góp vốn và tổ chức tín dụng không thống nhất được phương án tái cơ cấu nợ vay của Liên doanh SSIT sẽ dẫn đến nhiều hậu quả pháp lý.

Thực tế từ năm 2019 đến nay, Liên doanh SSIT đang hoạt động ổn định và bắt đầu có lãi sau thuế. Mỗi năm doanh thu và lợi nhuận của công ty đều tăng trưởng. Tuy nhiên dòng tiền của công ty vẫn không thể thu xếp để trả nợ vay cho các tổ chức tụng đúng theo lịch trả nợ.

Với tình hình trên, số tiền mà Liên doanh SSIT cần hỗ trợ tài chính từ các thành viên góp vốn là 48 triệu USD, trong đó Cảng Sài Gòn và Công ty SSA Holding International Việt Nam mỗi bên góp 24 triệu USD.

Theo Cảng Sài Gòn, sau khi Liên doanh SSIT trả dứt điểm nợ vay cho các tổ chức tín dụng và không còn bị kiểm soát dòng tiền, công ty sẽ thanh toán các khoản nợ tiền thuê cơ sở hạ tầng còn tồn đọng, trì hoãn cho Cảng Sài Gòn nhiều năm qua là 10,6 triệu USD (các năm 2012, 2019, 2020 và 2021) và tiền thuê đất năm 2022 là 3,5 triệu USD. Dự kiến sẽ trả trong quý I/2023. Đồng thời Cảng Sài Gòn được hoàn nhập trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi và tăng lợi nhuận.

Cảng Sài Gòn dự kiến dùng nguồn vốn nhàn rỗi để hỗ trợ tài chính cho Liên doanh SSIT. Đồng thời liên doanh này sẽ phải lại trả tiền cho các thành viên góp vốn trong thời gian ba năm nhưng có thể gia hạn thêm một năm. Tính đến cuối quý III/2022, tiền, tương đương tiền và tiền gửi ngân hàng của Cảng Sài Gòn hơn 1.145 tỷ đồng, chiếm hơn 21% tổng tài sản của công ty.

Tại ngày 30/9, Cảng Sài Gòn đầu tư giá gốc 1.190 tỷ đồng vào Liên doanh SSIT, trong đó liên doanh này lỗ lũy kế tương ứng với vốn góp của Cảng Sài Gòn hơn 795 tỷ đồng. Đồng thời, Cảng Sài Gòn còn ghi nhận hơn 308 tỷ đồng khoản phải thu với Liên doanh SSIT, song song đó là ghi nhận gần 82 tỷ đồng nợ xấu với liên doanh này, và phải trích lập dự phòng xấp xỉ 41 tỷ đồng.

Minh Hằng