CII trước thách thức huy động vốn cho loạt dự án hàng vạn tỷ đồng
Theo tài liệu họp cổ đông thường niên, năm 2025 được CII đánh giá là giai đoạn bản lề, khi công ty có cơ hội đầu tư vào các dự án hạ tầng giao thông quy mô gần 50.000 tỷ đồng. Nếu thành công, điều này sẽ nâng tầm vị thế của CII, từ quy mô tài sản, hệ số tín nhiệm đến khả năng tiếp cận vốn ngân hàng.
Tuy nhiên, các dự án lớn cũng đặt ra thách thức không nhỏ về huy động vốn. Hiện tại, CII đã được các ngân hàng lớn chấp thuận chủ trương cấp tín dụng 44.600 tỷ đồng để triển khai dự án mở rộng cao tốc TP HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận.
Để đảm bảo nguồn thu ổn định, CII sẽ tiếp tục vận hành các dự án BOT cầu đường, đồng thời đẩy mạnh tái cấu trúc và huy động vốn. Công ty đặt mục tiêu doanh thu thu phí năm 2025 đạt 2.712 tỷ đồng, tăng 6% so với năm 2024 nhờ lưu lượng giao thông gia tăng.
Trong lĩnh vực bất động sản, CII sẽ tập trung tháo gỡ pháp lý tại các dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm, NBB3 và NBB2 để đẩy nhanh tiến độ triển khai.
Tổng doanh thu dự kiến năm 2025 đạt 3.888 tỷ đồng, giảm 10% so với năm 2024; trong khi lãi ròng giảm 37% về 335 tỷ đồng. Công ty lý giải nguyên nhân chính là do sự khác biệt trong phương pháp hạch toán.
Để khắc phục một phần vấn đề này, CII đang kiến nghị Bộ Tài chính cho phép áp dụng cơ chế đặc thù đối với doanh nghiệp BOT. Theo đó, giá trị thu hồi ước tính từ dự án BOT sẽ được tính toán lại theo phương pháp chiết khấu dòng tiền, giúp phản ánh lợi nhuận thực tế sát hơn.
Bên cạnh các hoạt động cốt lõi, CII cũng tập trung nghiên cứu và phát triển ba dự án hạ tầng trọng điểm. Thứ nhất, dự án mở rộng cao tốc TP HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận có chiều dài 95 km, rộng 32-41m, với 6-12 làn xe, vận tốc tối đa 100-120km/h. Tổng vốn đầu tư 39.800 tỷ đồng, triển khai từ 2024-2028 theo phương thức PPP.
Thứ hai, dự án đường trên cao dọc Quốc lộ 51, thuộc địa phận tỉnh Đồng Nai, có chiều dài 5,5 km, rộng 27 m, với 6 làn xe, vận tốc tối đa 80 km/h. Tổng vốn đầu tư đạt 14.000 tỷ đồng, dự kiến triển khai từ năm 2026-2028.
Thứ ba, dự án phát triển đô thị theo hướng giao thông công cộng (TOD) tại khu vực Hàng Xanh có tổng mức đầu tư dự kiến 216.000 tỷ đồng, diện tích 51,4 ha, thời gian đầu tư từ 2026-2028. Hiện tại, CII đã ký kết với đơn vị tư vấn Arup để lập quy hoạch ý tưởng cho dự án này.
Ngoài ba dự án trên, CII cũng đang nghiên cứu một số dự án hạ tầng khác theo Nghị quyết 98, bao gồm mở rộng trục đường Bắc - Nam từ Nguyễn Văn Linh đến nút giao cầu Bà Chiêm và cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 22. Tuy nhiên, tiến độ triển khai các dự án này còn phụ thuộc vào thủ tục pháp lý từ cơ quan Nhà nước.
Về nhân sự, CII đề xuất ĐHĐCĐ miễn nhiệm thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2022-2027 của ông Lưu Hải Ca và bầu bổ sung ông Lê Phạm Ngọc Phương thay thế. Ông Phương có kinh nghiệm quản lý tài chính tại nhiều doanh nghiệp lớn như Capella Holdings, Vietcap, Lothamilk và hiện đang giữ vị trí Phó Tổng Giám đốc điều hành tại CTCP Logistics BHG Long Thành.
Cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên của CII dự kiến tổ chức vào ngày 18/4 tại TP HCM.
Về phương án phân phối lợi nhuận, HĐQT trình ĐHĐCĐ thông qua phương án chia cổ tức năm 2024 và năm 2025 đều với tỷ lệ 12% bằng tiền mặt. Con số này thấp hơn so với dự định trước đây mà ban lãnh đạo đã đưa ra là đều đặn 4% mỗi quý, tức 16% mỗi năm.
Hơn nữa, doanh nghiệp muốn hoãn trả cổ tức dự kiến vào ngày đầu quý II, tức tháng 4. Lý do là CII cần tập trung dòng tiền để đầu tư dự án đầu tư xây dựng mở rộng cao tốc TP HCM – Trung Lương - Mỹ Thuận.
Hội đồng quản trị cũng vừa thông qua triển khai phương án phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu (thưởng cổ phiếu) với tỷ lệ 14%, tương ứng cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu được nhận thêm 14 cổ phiếu. Thời gian thực hiện dự kiến thực hiện ngay sau khi hoàn tất chuyển đổi trái phiếu mã CII42013 thành cổ phiếu đợt 9 (dự kiến ngày 2/5).