|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Fed cần chuẩn bị sẵn sàng để ‘chống lưng’ cho thị trường hàng hóa

11:38 | 14/04/2022
Chia sẻ
Sự sụp đổ của thị trường hàng hóa có thể gây ra hậu quả kinh tế sâu rộng. Fed cần chuẩn bị sẵn sàng để cung cấp các khoản vay khẩn cấp cho thị trường.

Trader trên sàn giao dịch kim loại London. (Ảnh: Bloomberg).

Khủng hoảng trên thị trường hàng hóa

Các lệnh trừng phạt áp đặt lên Nga – một trong những nhà xuất khẩu dầu mỏ và kim loại lớn nhất thế giới – đang khuấy đảo thị trường hàng hóa và có nguy cơ gây hậu quả nghiêm trọng cho nền kinh tế toàn cầu.

Theo Bloomberg, để tránh thiệt hại không đáng có, các nhà hoạch định chính sách cần chuẩn bị để đương đầu với thách thức khó lường này bằng một phản ứng phi thường: Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cần ra tay hỗ trợ khẩn cấp.

Trong những tuần gần đây, bất ổn xoay quanh chiến sự Nga - Ukraine cùng các lệnh trừng phạt đã khiến giá của mọi loại mặt hàng biến động dữ dội, từ dầu thô cho đến nickel. Trong một số trường hợp, giá tăng gấp đôi chỉ trong vài ngày.

Biến động lớn khiến những ngân hàng cho vay và trung tâm thanh toán bù trừ đòi hỏi doanh nghiệp phải có thêm tài sản thế chấp để đảm bảo vị thế của những người tham gia thị trường. Có lúc yêu cầu tiền mặt tăng lên gấp 10 lần.

Ngoài bị tác động bởi những rắc rối của chuỗi cung ứng, tình hình tài chính của các công ty giao dịch hàng hóa lớn nhất thế giới như Glencore, Trafigura và Vitol đang bị căng thẳng tột độ. Căng thẳng lớn đến mức gần đây sàn giao dịch kim loại London phải ngừng giao dịch nickel để ngăn chặn một vụ vỡ nợ dây chuyền.

Hậu quả có thể sẽ rất sâu rộng. Các công ty giao dịch đóng vai trò trung tâm trong việc đảm bảo nguồn cung đến tay người dùng đầu cuối. Nếu họ không thể vay đủ tiền để duy trì vị thế, hàng loạt hàng hóa như xăng đến xe điện có thể lĩnh đủ, từ đó làm trầm trọng thêm vòng xoáy giá cả và các vấn đề logistics. Không loại trừ khả năng nhiều nước sẽ rơi vào cảnh thiếu hụt thực phẩm, năng lượng và phải cắt điện.

Các ngân hàng trung ương được thành lập để xử lý những bất ổn thị trường như trên. Bằng cách cung cấp các khoản vay khẩn cấp dựa trên tài sản thế chấp chất lượng, hoặc sẵn sàng mua tài sản trực tiếp, họ có thể tạm thời thay thế nguồn vốn tư nhân của các công ty thương mại cho đến khi khủng hoảng đi qua.

Đó chính là những gì Fed và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã làm trong giai đoạn đầu của đại dịch. Fed thậm chí còn dang tay hỗ trợ cả trái phiếu đô thị và nợ doanh nghiệp. Thông thường, chỉ cần một lời hứa sẽ ra tay giúp đỡ từ các ngân hàng trung ương là đã đủ để thị trường hoạt động trở lại, chứ chưa cần hành động.

Nhiệm vụ tối quan trọng

Cho đến nay, các ngân hàng trung ương vẫn ngần ngại với việc chống đỡ cho thị trường hàng hóa. ECB đã cự tuyệt lời thỉnh cầu cung cấp tài trợ khẩn cấp cho các sàn giao dịch và trung tâm thanh toán là thành viên của Liên đoàn Các nhà kinh doanh Năng lượng châu Âu. Lý do ECB đưa ra là các quy chế không cho phép họ làm vậy. Nhưng còn Fed thì sao?

Thẩm quyền thông thường của Fed là cho các ngân hàng thương mại vay vốn. Điều khoản 13(3) của Đạo luật Dự trữ Liên bang cho phép Fed vượt quá thẩm quyền thông thường để tham gia sâu vào thị trường tín dụng. Theo Bloomberg, ngân hàng trung ương Mỹ có thể và nên sẵn sàng dùng quyền lực này để ngăn chặn thảm họa trên thị trường hàng hóa.

Điều khoản 13(3) yêu cầu phải thỏa ba điều kiện sau: Sự việc phải “bất thường và cấp thiết”, khoản vay phải được đảm bảo đầy đủ để bảo vệ người nộp thuế khỏi thiệt hại, và người đi vay phải “gặp khó khăn chính đáng về tín dụng”.

Rõ ràng một cuộc chiến giữa lòng châu Âu đúng là rất cấp thiết. Các công ty thương mại hàng hóa có nhiều tài sản để đảm bảo, và khó khăn của họ trong việc tiếp cận nguồn vốn thỏa đáng là cốt lõi của cuộc khủng hoảng.

Dĩ nhiên, Fed vẫn nên đề phòng rằng sự hỗ trợ của ngân hàng trung ương có thể sẽ khuyến khích một số doanh nghiệp hành động thiếu trách nhiệm trong tương lai. Để giảm thiểu rủi ro đạo đức, Fed sẽ phải truyền đạt rõ ràng rằng họ đang phản ứng trước một cú sốc tài chính chứ không phải can thiệp vào biến động giá cả hay tín dụng thông thường.

Trong tình huống này, Fed không can thiệp để giải cứu người tham gia thị trường bởi hành vi liều lĩnh của họ, mà là khôi phục năng lực định giá và rủi ro thương mại trong một tình huống khẩn cấp có quy mô ảnh hưởng lớn.

Chắc chắn việc giải cứu các trader hàng hóa sẽ không được công chúng nhìn nhận tích cực. Nhưng Fed không nên coi đây là mối quan tâm chính. Cuộc khủng hoảng hiện nay đe dọa sứ mệnh của Fed là đảm bảo giá cả ổn định và toàn dụng lao động. Fed nên sẵn sàng để sớm can thiệp vào thị trường hàng hóa. 

Giang