|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Nhà buôn dầu lớn nhất thế giới sẽ ngừng kinh doanh dầu từ Nga

13:58 | 14/04/2022
Chia sẻ
Theo nhiều nguồn tin, nhà buôn dầu hàng đầu thế giới - Vitol Group đã quyết định sẽ ngừng kinh doanh dầu thô Nga vào cuối năm 2022.

 

Nhà buôn quay lưng

Vitol Group, nhà buôn dầu tư nhân hàng đầu thế giới, sẽ ngừng kinh doanh dầu thô và các sản phẩm của Nga vào cuối năm nay, theo một nguồn tin am hiểu về tình hình thị trường của CNN. Nguồn tin cho biết, công ty kinh doanh hàng hóa và năng lượng của Hà Lan sẽ không tham gia vào bất kỳ giao dịch dầu thô mới nào của Nga.

Doanh thu của Vitol gần tăng gấp đôi vào năm ngoái lên 279 tỷ USD do nhu cầu dầu toàn cầu tăng trở lại khi các nền kinh tế mở cửa sau đợt phong tỏa vì dịch COVID. Theo trang web của công ty, Vitol đã giao dịch 7,6 triệu thùng dầu thô và các sản phẩm dầu khác mỗi ngày trong năm 2021.

Con số này nhiều hơn lượng dầu thô xuất khẩu hàng ngày của Nga, được IEA ước tính vào khoảng 4,7 triệu thùng/ngày vào năm 2021. Trong đó, khoảng 2,4 triệu thùng/ngày đến Châu Âu. Vitol xác nhận với Bloomberg về quyết định ngừng giao dịch dầu Nga, nhưng không bình luận gì thêm. 

Nhà máy lọc dầu tại cảng Rotterdam thuộc sở hữu của Vitol Group. (Ảnh: Vitol Group).

Trafigura, một khách hàng mua dầu lớn khác của Nga, nói với Reuters rằng họ "sẽ tuân thủ đầy đủ tất cả lệnh trừng phạt hiện hành. Trafigura dự đoán khối lượng giao dịch sẽ giảm hơn nữa kể từ ngày 15/5".

Các doanh nghiệp buôn bán dầu đối mặt với rủi ro tuân thủ và truyền thông bởi các lệnh trừng phạt từ Phương Tây. Những doanh nghiệp này phải kiểm tra xem có thể trả tiền cho những ai, cũng như quốc tịch của nhân viên. Hơn nữa, các hợp đồng hiện còn hiệu lực cũng chịu ảnh hưởng vì pháp lý mập mờ khi châu Âu không cấm hoàn toàn hoạt động giao dịch.

"Tất cả công ty đang ngồi lại với luật sư để xác nhận những gì có thể và không thể làm", một nguồn tin cấp cao nói với Reuters.

"Không rõ điều này có ý nghĩa gì đối với toàn bộ chuỗi cung ứng, đối với các chủ hàng hay công ty bảo hiểm", nguồn tin nói thêm rằng công ty của ông đang xem xét các tác động đối với hoạt động bán dầu tư nhân.

"Các luật sư đang ăn mừng về điều này. Khi có sự không chắc chắn, các công ty sẽ lùi bước. Dòng chảy dầu của Nga sẽ giảm đi đáng kể trong tương lai".

Chiết khẩu khủng

Kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào tháng 2, Mỹ, Anh, Canada và Australia đều đã tuyên bố cấm dầu của Nga.

Các công ty lớn bao gồm Shell, TotalEnergies và Neste cũng đã ngừng mua dầu thô từ Nga, hoặc tuyên bố ngừng nhập dầu vào cuối năm 2022. Lệnh cấm vận từ Phương Tây còn áp dụng với các ngân hàng, thương nhân, chủ hàng và công ty bảo hiểm khiến việc nhập khẩu dầu trở nên khó khăn.

Khi dầu của Nga mất sức hấp dẫn đối với nhiều người mua, giá dầu bị chiết khấu ngày càng cao trên thị trường quốc tế. Hiện tại, giá dầu Urals của Nga thấp hơn 34 USD/thùng so với dầu Brent.

 

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) ước tính vào hôm 13/4 rằng doanh số dầu của Nga sẽ giảm 1,5 triệu thùng/ngày trong tháng 4 và có thể giảm thêm 3 triệu thùng/ngày vào tháng 5 khi bị người mua quay lưng.

Cơ quan này cho biết: “Trong khi một số người mua, đặc biệt là ở Châu Á, tăng cường thu mua dầu đang được giảm giá mạnh của Nga, các khách hàng truyền thống đang cắt giảm dần. Hiện tại, không có dấu hiệu tăng khối lượng xuất khẩu sang Trung Quốc”.

Có những dấu hiệu cho thấy Liên minh châu Âu sẽ cấm vận dầu mỏ của Nga. Tuần trước, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen cho biết Liên minh đang xem xét cấm vận dầu mỏ trong vòng trừng phạt mới.

Tác động của việc nới rộng lệnh cấm vận này là giá dầu tăng lên trên toàn cầu do người mua tranh giành nguồn cung thay thế. Theo IEA, Nga là nước xuất khẩu dầu thô lớn thứ hai thế giới, sau Arab Saudi và chiếm 14% nguồn cung toàn cầu vào năm ngoái.

Giá dầu thô Brent chuẩn quốc tế đã tăng vọt vào đầu tháng 3, vượt qua mức 139 USD/thùng trong thời gian ngắn, nhưng sau đó đã giảm xuống 107 USD.

Việc Mỹ và các nước thành viên IEA phối hợp giải phóng 240 triệu thùng có thể giúp giảm giá và bù đắp cho nguồn cung dầu thô bị thiếu hụt.

Minh Quang

Chủ tịch Kinh Bắc: Thị trường bất động sản muốn ấm phải chờ sang năm
Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc, thị trường bất động sản đến thời điểm này vẫn chưa ấm lên và có thể sẽ có dấu hiệu phục hồi theo hướng phát triển bền vững từ cuối năm nay.