|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Bộ trưởng Tài chính Mỹ nhắm thẳng Trung Quốc, yêu cầu giải thích quan hệ thân thiết với Nga

08:28 | 14/04/2022
Chia sẻ
Bộ trưởng Yellen ám chỉ Mỹ sẽ hạn chế mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc. Bà cũng vạch ra tầm nhìn cho hệ thống kinh tế toàn cầu mới, bao gồm việc cải tổ IMF.

Janet Yellen, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ. (Ảnh: Bloomberg). 

Cảnh báo ngầm

Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen đã vạch ra tầm nhìn cho thời đại mới, về sự hợp tác giữa các quốc gia có chung giá trị và nguyên tắc chủ chốt. Bài phát biểu của bà tại Hội đồng Đại Tây Dương đặt ra thách thức nghiêm trọng cho Trung Quốc.

Bà Yellen yêu cầu Bắc Kinh giải thích cho mối quan hệ ngày càng thân thiết với Moscow và chỉ trích gay gắt Trung Quốc vì những hành vi “gây tổn hại trầm trọng” đến lợi ích an ninh của các quốc gia khác. Bà nói bóng gió đến việc sử dụng vị thế trên thị trường – Trung Quốc là nhà cung cấp lớn của các kim loại đất hiếm – để giành “đòn bẩy địa chính trị”.

Bộ trưởng Mỹ nói bà không muốn Mỹ - Trung tách rời và hình thành một hệ thống toàn cầu “lưỡng cực”. Tuy nhiên, bà cũng nói rằng việc Nga tấn công Ukraine đánh dấu thời khắc mà các quốc gia cần phải lựa chọn lập trường. Bà nhấn mạnh: “Tương lai của trật tự quốc tế, của cả an ninh hòa bình và thịnh vượng kinh tế, đang bị đe dọa”.

Ông Josh Lipsky, Giám đốc Trung tâm Địa Kinh tế tại Hội đồng Đại Tây Dương nhận xét: “Đối với tôi, phần đáng chú ý nhất trong bài phát biểu là phần yêu cầu Trung Quốc giải trình – bà Yellen đã nói rõ rằng Trung Quốc không nên giúp đỡ Nga về mặt kinh tế trong thời gian này”. Ông cho rằng “đây là lời cảnh báo ngầm đến những quốc gia khác rằng giờ là thời điểm để lựa chọn”.

Bà Yellen vạch ra một loại đề xuất hoặc cảnh báo mà không nêu chi tiết cụ thể những điều Washington đòi hỏi, bao gồm: “Hiện đại hóa” chiến lược hội nhập thương mại nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế nhưng vẫn bảo vệ người lao động và ủng hộ xây dựng chuỗi cung ứng từ các quốc gia “đáng tin cậy”.

Bà cũng nhắc đến khả năng cải tổ hoạt động quản lý Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) “để đảm bảo nó phản ánh nền kinh tế toàn cầu hiện nay và cả cam kết của các thành viên đối với các nguyên tắc và mục tiêu cơ bản của IMF”.

Về phần mình, Mỹ sẽ “xem xét lại các chiến lược, chính sách và thể chế của quốc gia để huy động tốt hơn nguồn vốn hỗ trợ người dân ở các nước đang phát triển”, nơi nhu cầu tài trợ lên đến hàng nghìn tỷ USD.

Theo Bloomberg, chính quyền ông Biden đã liên tục lên tiếng về việc đương đầu với một thách thức lớn từ một Trung Quốc đang trỗi dậy. Ông Martin Muhleisen, cựu giám đốc bộ phân chiến lược, chính sách và đánh giá của IMF nhận định bài phát biểu của bà Yellen đánh dấu thêm một nỗ lực nữa của Nhà Trắng nhằm thể hiện vai trò lãnh đạo đổi mới của Mỹ trên trường quốc tế.

Nỗ lực này nhiều khả năng sẽ được đón nhận tích cực, nhưng các nước khác cũng có thể nghi ngờ rằng sự lãnh đạo này sẽ kéo dài bao lâu. Ông chỉ ra: “Mỹ cần trấn an các đối tác rằng các chính sách của họ sẽ không thay đổi kể cả sau cuộc bầu cử Quốc hội mùa thu năm nay và bầu cử tổng thống năm 2024”.

 

Hệ thống Bretton Woods mới

Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Australia và nhiều nước phương Tây đã cùng Mỹ áp lệnh trừng phạt lên Nga. Nhưng các quốc gia quan trọng khác chủ yếu vẫn giữ vị thế trung lập, bao gồm Ấn Độ. Cuối tháng 3, Indonesia, quốc gia đông dân thứ 4 trên thế giới, còn nói có dự định mời Tổng thống Vladimir Putin tham dự hội nghị thượng đỉnh G-20 trong năm nay.

Bà Yellen đã bảo vệ các lệnh trừng phạt mà Mỹ khởi xướng và bác bỏ mọi chỉ trích rằng những nỗ lực do Washington dẫn đầu nhằm cô lập Nga khỏi hệ thống tài chính toàn cầu dựa trên đồng USD được “thúc đẩy bởi mục tiêu chính sách đối ngoại”.

Bà tuyên bố Nga đã tự mình "rút khỏi hệ thống tài chính toàn cầu” khi quyết định tấn công Ukraine. Về Trung Quốc, bà Yellen nói: “Việc phân tách vấn đề kinh tế và những cân nhắc rộng hơn về lợi ích quốc gia, bao gồm an ninh quốc gia, sẽ ngày càng trở nên khó khăn.

Thái độ của thế giới với Trung Quốc và mong muốn hợp tác kinh tế hơn nữa với nước này rất có thể sẽ bị ảnh hưởng bởi cách Trung Quốc phản ứng trước lời kêu gọi hành động kiên quyết với Nga mà chúng tôi gửi đến họ".

Ông Douglas Rediker, cựu thành viên hội đồng quản trị của IMF nói rằng nội dung về Trung Quốc và về các cân nhắc kinh tế - an ninh quốc gia “là một tiến triển to lớn từ phía Bộ Tài chính Mỹ”.

Chỉ một tuần sau, các bộ trưởng tài chính toàn cầu sẽ gặp gỡ ở Washington cho kỳ họp được tổ chức bởi IMF và World Bank. Hai cơ quan này được biết đến là các định chế Bretton Woods, thành lập vào năm 1940 để giúp nền kinh tế toàn cầu ổn định lại sau Thế chiến thứ hai.

Thời điểm bà Yellen đưa ra bài phát biểu là sự lựa chọn có chủ ý, không chỉ bởi các cuộc họp sắp tới mà còn cả đề xuất hiện đại hóa các tổ chức tài chính toàn cầu. Ông Lipsky, thành viên cấp cao tại Hội đồng Đại Tây Dương nhận xét: “Hệ thống Bretton Woods mới không thể xây dựng trong một sớm một chiều. Nhưng tôi nghĩ bà Yellen đã hàm ý rằng chúng ta nên có tham vọng tạo dựng một hệ thống mới”. 

Giang