Châu Âu đề xuất cấm nhập khẩu than đá của Nga: Lợi bất cập hại
Ủy ban châu Âu (EC) ngày 5/4 đã đề xuất lệnh cấm nhập khẩu than đá từ Nga trị giá 4 tỷ euro (4,3 tỷ USD) mỗi năm trong gói trừng phạt lần thứ năm đối với nước này. Các đề xuất khác nhằm vào các mặt hàng nhập khẩu từ Nga trong lĩnh vực công nghệ và chế tạo, với trị giá 10 tỷ euro.
Châu Âu đã áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt đối với nền kinh tế Nga kể từ khi nước này bắt đầu chiến dịch đặc biệt tại Ukraine (U-crai-na) hồi cuối tháng Hai, nhưng cho đến nay vẫn chưa nhắm đến lĩnh vực năng lượng của nước này. Tuy nhiên, những diễn biến khốc liệt trong tình hình xung đột tại Ukraine đã khiến các lãnh đạo châu Âu thay đổi chiến lược.
Dầu và khí đốt của Nga có thể là đối tượng trừng phạt tiếp theo. Phát biểu trước Nghị viện châu Âu (EP) về gói biện pháp trừng phạt mới nhất bao gồm lệnh cấm mua than của Nga, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen ngày 6/4 cho biết: "Các biện pháp trừng phạt này sẽ không phải là biện pháp trừng phạt cuối cùng của chúng tôi. Bây giờ chúng tôi cấm than đá, nhưng cũng sẽ phải xem xét cả dầu nữa”.
Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cho biết EU "sớm muộn" cũng sẽ phải áp đặt các biện pháp hạn chế đối với dầu và khí đốt nhập khẩu từ Nga.
Các thông tin chi tiết của gói trừng phạt mới này, bao gồm lộ trình cấm than đá, có thể được công bố trong ngày 6/4 khi các đại sứ EU tiến hành đàm phán. Các biện pháp này vẫn cần có sự thông qua của tất cả 27 nước thành viên EU.
Trừng phạt nhằm vào than đá sẽ tác động đến nhiều nước châu Âu, nhưng đó là một trong những nguồn năng lượng dễ dàng cắt bỏ nhất, khi phần lớn các nước trên thế giới đã và đang trong quá trình loại bỏ than đá. Câu hỏi hóc búa hơn giờ đây là: Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?
Châu Âu nhập khẩu bao nhiêu than đá từ Nga?
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), Nga là nước xuất khẩu than đá lớn thứ ba thế giới trong năm 2020, sau Australia (Ôx-trây-li-a) và Indonesia (In-đô-nê-xi-a), trong đó châu Âu là khách hàng lớn nhất.
Số liệu của IEA cho thấy “lục địa già” nhập khẩu 57 triệu tấn than cứng của Nga trong năm 2020, trong khi Trung Quốc chỉ nhập khẩu 31 triệu tấn. Con số trên chiếm hơn một nửa lượng than đá của châu Âu trong năm 2020, theo cơ quan thống kê châu Âu Eurostat.
Nhưng EU đã và đang trong quá trình loại bỏ loại nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm nhất thế giới này. Lượng điện sản xuất từ than đá đã giảm đều trên khắp khối này trong những năm gần đây, với mức giảm 29% trong giai đoạn từ năm 2017-2019, theo phân tích của công ty nghiên cứu năng lượng Ember.
Và dù có tăng nhẹ trong năm ngoái do giá khí đốt chạm mức cao kỷ lục, IEA dự đoán nhu cầu than đá tại châu Âu sẽ tiếp tục giảm xuống. Kể cả trước khi Nga tiến hành chiến dịch đặc biệt ở Ukraine, tổng lượng than đá nhập khẩu đã được dự báo sẽ giảm 6% từ nay đến năm 2024.
Các nước khác có thể “nhảy” vào mua than đá của Nga. IEA dự đoán nhập khẩu than đá của Ấn Độ sẽ tăng 4% trong năm 2024, và mức tăng này của khu vực Đông Nam Á là hơn 6%. Trong báo cáo hồi tháng 12 năm ngoái, tổ chức này cho biết Nga đã được hưởng lợi từ sự gia tăng trong lượng than đá xuất khẩu sang Trung Quốc sau khi nước này cấm nhập khẩu than từ Australia.
Giá than đá dự kiến tiếp tục tăng
Tuy nhiên, sự thiếu hụt nguồn cung có thể gây đau đầu cho các nước vẫn đang sử dụng phổ biến than đá để sản xuất điện, trong đó có Ba Lan và Đức.
Nguồn cung sụt giảm cùng với nhu cầu phục hồi tại Trung Quốc đã đẩy giá than đá thế giới lên các mức cao nhất từ trước đến nay vào tháng 10/2021, trước khi giảm xuống sau đó, theo phân tích của IEA.
Nhưng tình trạng giá cao có thể kéo dài hơn do lệnh cấm của EU. Giá than đá Rotterdam kỳ hạn, loại giá tiêu chuẩn tại châu Âu, đã đóng phiên 4/4 ở mức 257 USD/tấn, nhưng mới đây đã lên đến 295 USD/tấn, theo số liệu từ tổ chức Independent Commodity Intelligence Services (ICIS). Ông Matthew Jones, chuyên gia phân tích về carbon và năng lượng tại EU của ICIS, cho rằng lệnh cấm nhập khẩu than đá từ Nga của EU sẽ “khiến tình hình nguồn cung hiện đã thắt chặt của châu Âu trở nên thắt chặt hơn nữa và sẽ gây khó khăn trong việc tìm kiếm các nguồn than đá thay thế”.
Tuy nhiên, ngay cả như vậy, ông Henning Gloystein, Giám đốc phụ trách năng lượng, khí hậu và các nguồn tài nguyên của Eurasia Group, cho rằng các nước EU có thể chịu được cú sốc này. Tổ chức này ngày 5/4 còn cho biết việc EU chuyển hướng sang mua than đá của Australia có thể xoa dịu tình hình.
*Đâu là lĩnh vực "chịu trận" tiếp theo?
Vòng trừng phát mới nhất nói trên của EU vẫn vắng bóng các nguồn cung dầu và khí đốt của Nga. Khối này nhập khẩu 26% lượng dầu thô và 46% khí đốt của mình từ Nga trong năm 2020, theo Eurostat.
Nhưng việc cấm nhập khẩu dầu đang được cân nhắc, khi bà Ursula von der Leyen ngày 5/4 cho biết EU đang “xem xét các lệnh trừng phạt tiếp theo, bao gồm cả dầu nhập khẩu”.
Mỹ đã phải giải phóng 180 triệu thùng dầu từ kho dự trữ chiến lược để giúp hạ nhiệt giá xăng và giảm ảnh hưởng từ sự sụt giảm trong nguồn cung dầu từ Nga. IEA cũng nhất trí sẽ giải phóng thêm dầu từ các nước thành viên tại cuộc họp khẩn cấp hồi tuần trước.
Khí đốt vẫn là mục tiêu khả dĩ nhất cho các lệnh trừng phạt, một phần vì sự khác biệt giữa các nước thành viên EU phụ thuộc nặng nề vào nguồn năng lượng từ Nga và những nước muốn đẩy mạnh sự tấn công vào “trái tim” của nền kinh tế Nga.
Các lãnh đạo EU đã cam kết sẽ giảm 66% lượng khí đốt tiêu thụ của khối này trước cuối năm nay, và đến năm 2027 sẽ chấm dứt sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga. Thế nhưng, Lithuania (Lít-va) thậm chí còn đi trước, khi Thủ tướng nước này, bà Ingrida Šimonytė, mới đây tuyên bố: "Từ giờ Lithuania sẽ không tiêu thụ một cm khối khí đốt nào của Nga”. Việc thuyết phục các nước phụ thuộc nhiều vào khí đốt nhập khẩu như Đức và Hungary (Hung-ga-ri) sẽ khó khăn hơn nhiều.
Nhưng theo ông Gloystein, EU có lý do khi ngần ngại trong việc trừng phạt lĩnh vực dầu khí của Nga. Ông cho biết EU rất muốn tăng cường phản ứng của mình đối với những diễn biến tại Ukraine, nhưng nếu EU áp dụng tối đa các lệnh trừng phạt bây giờ, thì khối này sẽ phản ứng thế nào khi Nga tăng cường hơn nữa các hành động liên quan tới Ukraine?.