Nga dọa triển khai vũ khí hạt nhân, tuyên bố Phần Lan, Thụy Điển sẽ trở thành 'địch thủ' nếu gia nhập NATO
Phần Lan, Thụy Điển muốn gia nhập NATO
Theo Reuters, ngày 13/4, Thủ tướng Sanna Marin cho biết Phần Lan sẽ đưa ra quyết định về việc nộp đơn gia nhập liên minh NATO trong vài tuần tới chứ không phải vài tháng. Bà nhấn mạnh sự thay đổi trong quan điểm an ninh kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Phần Lan và Thụy Điển đang xem xét lại chính sách an ninh của mình và dự kiến đưa ra kết luận vào cuối tháng 5. Cả hai quốc gia đều tham gia các cuộc tập trận của NATO và các sáng kiến quản lý khủng hoảng cũng như trao đổi thông tin tình báo.
Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson cho biết có những ưu và khuyết điểm khi trở thành thành viên của NATO với ưu điểm chính là được Điều 5 trong hiến chương NATO bảo vệ. Theo Điều 5, liên minh quân sự lớn nhất hành tinh coi một cuộc tấn công vào một thành viên là cuộc tấn công vào tất cả khối, các thành viên còn lại cũng sẽ hỗ trợ hết sức.
Thủ tướng Phần Lan nói: "Sự khác biệt giữa trở thành đối tác và thành viên là rất rõ ràng. Không có cách nào khác để có được sự đảm bảo về an ninh ngoài khả năng răn đe của NATO và sự phòng thủ chung ngoài Điều 5 trong hiến chương".
"Tôi sẽ không đưa ra bất kỳ thời gian biểu nào về việc đưa ra quyết định, nhưng tôi nghĩ mọi thứ sẽ diễn ra khá nhanh, trong vòng vài tuần chứ không phải trong tháng", bà Marin nói.
Phần Lan có chung đường biên giới dài 1.300 km với Nga về phía đông. Dư luận ở Phần Lan ủng hộ gia nhập NATO, với cuộc thăm dò gần đây nhất của đài truyền hình MTV cho thấy 68% người muốn gia nhập trong khi chỉ có 12% phản đối.
Một bản cập nhật của sách trắng về chính sách đối ngoại và an ninh của Phần Lan, được công bố ngày 13/4, cho biết cuộc xung đột Ukraine đã làm thay đổi sâu sắc tình hình an ninh. Tuy nhiên, báo cáo không không đưa ra khuyến nghị nào về việc gia nhập NATO.
Nga có thêm đối thủ
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng nếu Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO, Nga sẽ phải "tái cân bằng tình hình" bằng các biện pháp của riêng mình.
Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cho biết, Phần Lan và Thụy Điển sẽ trở thành 'đối thủ chính thức' của Nga nếu họ gia nhập NATO. Ông Medvedev từng có thời gian làm Thủ tướng rồi Tổng thống Nga và là một đồng minh thân cận của ông Putin.
Cựu Thủ tướng Nga viết trên Telegram: “Sẽ không có đối thoại nào về tình trạng phi hạt nhân tại vùng Baltic nữa - sự cân bằng phải được khôi phục”.
Ông Medvedev đang nói đến lãnh thổ Kaliningrad thuộc Nga, nằm giữa Ba Lan và Lithuania. Cựu thủ tướng Nga hy vọng Phần Lan và Thụy Điển sẽ đưa ra quyết định hợp lý. Nếu không, các nước Bắc Âu này sẽ phải sống chung với vũ khí hạt nhân và tên lửa siêu thanh gần biên giới.
Năm 2018, Nga đã triển khai tên lửa Iskander tại Kaliningrad, nơi được Hồng quân Liên Xô giải phóng vào tháng 4/1945.
Tên lửa Iskander, được NATO gọi là SS-26 Stone, là một hệ thống tên lửa đạn đạo chiến thuật tầm ngắn có thể mang đầu đạn hạt nhân. Tầm bắn chính thức của nó là 500 km nhưng một số nguồn tin quân sự phương Tây nghi ngờ con số thực tế có thể lớn hơn nhiều.
Ông Medvedev viết: “Không một người bình thường nào muốn giá, thuế cao và căng thẳng gia tăng dọc theo biên giới khi mà Iskanders, tên lửa siêu thanh và tàu có vũ khí hạt nhân chỉ cách nhà họ một sải tay”.
Cựu Thủ tướng Medvedev cho rằng nếu Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO, chiều dài đường biên giới trên bộ của liên minh quân sự này với Nga sẽ tăng hơn gấp đôi, đồng thời tuyên bố rằng "đương nhiên các đường biên giới này sẽ phải được tăng cường".
"Không có lý gì để tin tưởng rằng nếu không có hoạt động đặc biệt ở Ukraine, hai quốc gia này sẽ ngừng gia nhập NATO và tình hình trở nên dễ dàng hơn đối với Nga".
"Thứ nhất, nhiều nỗ lực để kéo hai quốc gia trên vào liên minh đã được thực hiện trước đây. Và thứ hai, quan trọng nhất chính là Nga không có tranh chấp lãnh thổ với Phần Lan hay Thụy Điển", Cựu Thủ tướng Nga viết, đồng thời cảnh báo các quốc gia nên đánh giá phản ứng của Nga bằng “một cái đầu lạnh”.