Câu chuyện về hai vị tướng tại chiến trường Ukraine
Hai chỉ huy hàng đầu của lực lượng Nga và Ukraine sẽ đối đầu trực tiếp trong cuộc xung đột tàn phá và chết chóc nhất tại châu Âu kể từ sau Thế chiến II.
Đầu tháng 4/2022, Tổng thống Vladimir Putin đã bổ nhiệm một chỉ huy kỳ cựu, Tư lệnh quân khu phía Nam của Nga, Đại tướng Alexander Dvornikov lãnh đạo chiến dịch quân sự tại Ukraine.
Khoảng 10 tháng trước, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky dự đoán cuộc tấn công trực diện sắp xảy ra, đã bổ nhiệm Đại tướng Valeriy Zaluzhny làm Tổng tư lệnh các lực lượng Vũ trang Ukraine.
Kết quả của cuộc đọ sức giữa hai vị tướng sẽ không chỉ quyết định tương lai của Ukraine với tư cách là một quốc gia có chủ quyền mà còn sẽ định hình các mối quan hệ quốc tế ở Châu Âu trong nhiều thập kỷ tới.
Nga chiến thắng trong “chiến dịch quân sự đặc biệt” sẽ báo hiệu việc vị thế thống trị về quân sự và kinh tế của Phương Tây đang lụi tàn. Trong khi đó, Mỹ và Châu Âu muốn giữ lại trật tự thế giới sau thời kỳ hậu Xô Viết, do Phương Tây lãnh đạo. Ukraine muốn là một phần của trật tự thế giới đó.
Ngay trong triết lý chiến tranh của hai vị tướng chỉ huy cũng phản ánh những quan điểm đối nghịch về chính trị: quân đội Nga theo hướng tập trung cao độ, trong khi lực lượng Ukraine thì linh hoạt, theo phong cách phương Tây.
Về mặt quân sự, đây là cuộc thi giữa một người khổng lồ Goliath người Nga mạnh mẽ và một David nhanh nhẹn người Ukraine.
Câu chuyện Goliath và David nói về hai nhân vật trong Kinh Thánh sống vào khoảng năm 3000 trước công nguyên, trong thời kỳ chiến tranh giữa người Do Thái và Philistine. Goliath thuộc phe Philistine là người khổng lồ với giáp trụ và vũ khí đầy đủ, trong khi David chỉ là chàng trai người Do Thái với vóc dáng nhỏ bé. Tuy nhiên bằng mưu lược và dũng cảm, David đã chiến thắng người khổng lồ và được vua truyền ngôi.
Người khổng lồ Nga
Đại tướng Alexander Dvornikov, 60 tuổi, mang phong cách tấn công vũ trang đặc trưng bởi các cuộc bắn phá từ xa và chiến tranh quy ước phối kết hợp nhuần nhuyễn giữa nhiều binh chủng. Ông Dvornikov đã chỉ huy một sư đoàn trong Chiến tranh Chechnya lần thứ hai (1999 - 2009).
Những gì xảy ra trong chiến tranh Chechnya là khúc dạo đầu cho cuộc xung đột hiện tại: các cuộc bao vây để tiêu diệt sinh lực địch trong khu vực đô thị và những chiến dịch ném bom lớn.
Đặc biệt, Nga đã bắn phá, pháo kích và không kích vào thủ đô Grozny từ tháng 10/1999 cho đến khi tàn quân tháo chạy vào tháng 2/2000. Vào năm 2003, Liên Hợp quốc phải tuyên bố Grozny là “thành phố bị tàn phá nặng nề nhất thế giới”.
Mặc dù người Nga thường mở các hành lang nhân đạo để cho phép dân thường rời đi, nhưng đôi khi người dân cũng trở thành nạn nhân của những cuộc pháo kích và súng đạn. Việc bao vây các thành phố đã gây ra tình trạng thiếu lương thực, khiến không chỉ phiến quân mà khiến dân thường cũng khốn đốn.
Tương tự như cách Ukraine đã làm ở một số thành phố, các chiến binh Chechnya đã chặn Grozny bằng bao cát và vật cản để ngăn bước tiến của Nga cho đến khi rút lui vào vùng núi hoặc các tỉnh lân cận.
Tướng Dvornikov đã trở nên nổi tiếng khi chỉ huy các lực lượng Nga ở Syria, giúp chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad đánh bại các phiến quân Hồi giáo và dân tộc chủ nghĩa. Tổng thống Putin đã trao tặng ông huy chương Anh hùng Liên bang Nga vì thành tích tại chiến trường Syria.
Một số người Syria gọi ông Dvornikov là "đồ tể" không ngừng ném bom vào Aleppo năm 2016. Theo Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW), máy bay ném bom phản lực của Nga đã thả "bom phá boong-ke" làm sập các tòa nhà chung cư và bom chùm gây thương vong lớn. HRW cũng tố cáo Nga đã ném bom một bệnh viện ở Aleppo tới 4 lần.
HRW cho biết: “Các cuộc không kích của Nga thường liều lĩnh, bừa bãi, và đã có ít nhất một cơ sở y tế trở thành mục tiêu”.
Những cáo buộc tương tự đã được đưa ra về các chiến thuật của Nga ở Ukraine. Nếu ông Dvornikov sử dụng chiến thuật như tại Syria, thì các cuộc tấn công quy mô lớn bằng pháo và bom sẽ diễn ra nhiều hơn ở Ukraine.
Tại Syria, liên minh của Nga không chỉ bao gồm quân đội Syria mà còn có Iran, Hezbollah và lực lượng dân quân Lebanon. Nga đã chiến thắng và Tổng thống Assad vẫn nắm quyền.
Chiến trường Ukraine có những khác biệt cơ bản so với Syria. Quân đội Nga đã trực tiếp tham chiến trên bộ, trong khi Ukraine nhận được sự hỗ trợ về vũ khí từ Mỹ và Châu Âu.
Chàng tí hon người Ukraine
Không giống như đối thủ người Nga của mình, Đại tướng Zaluzhny, 48 tuổi, đã trưởng thành sau khi Liên Xô tan rã. Khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014, ông và các sĩ quan quân đội Ukraine đã chuyển sang phong cách đào tạo của NATO.
Ông Zaluzhny coi trọng những sĩ quan chỉ huy chiến trường linh hoạt, những người không chỉ thực hiện theo kế hoạch mà còn chủ động ứng phó và đưa ra quyết định.
Ông nói với Army Inform trong một cuộc phỏng vấn hai năm trước: “Chúng tôi muốn tránh xa bản đồ hay những mệnh lệnh chiến đấu theo kiểu những năm 1943. Tôi có thể sử dụng các phương pháp khác nhau để đạt được mục tiêu."
Sự linh hoạt trong tác chiến của quân đội Ukraine một phần nhờ vào những hệ thống như tên lửa chống tăng Javelin, tên lửa vác vai đối không Stinger, máy bay không người lái … được Phương Tây hỗ trợ và huấn luyện.
Ông Zaluzhny cho rằng thế hệ trẻ Ukraine vượt trội hơn những người đi trước trong việc sử dụng vũ khí công nghệ cao.
“Thế hệ trẻ Ukraine là những người hoàn toàn khác, không giống như chúng tôi khi còn là trung úy,” ông nói. “Đây là những hạt mầm mới sẽ thay đổi hoàn toàn quân đội Ukraine trong 5 năm nữa. Hầu như tất cả mọi người đều biết ngoại ngữ và làm việc tốt với các thiết bị từ Phương Tây”.
Cuộc chiến đang trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết. Nga đã rút quân khỏi Kiev để chuẩn bị cho giai đoạn thứ 2: chiếm trọn Donbass. Moscow vẫn chưa hoàn toàn kiểm soát được thành phố cảng Mariupol sau hơn 1 tháng vây hãm. Trong khi đó, tại hướng Luhansk và Kharkiv, giao tranh đang xảy ra ngày một ác liệt.
Tướng Dvornikov dường như muốn tập trung quân đội Nga thay vì việc dàn mỏng ra khắp các hướng như những ngày đầu của chiến dịch. Nếu phía Ukraine cũng đưa ra quyết định tương tự, rất có thể lực lượng của Tướng Zaluzhny sẽ trở thành mục tiêu khó nhằn hơn cho những đợt pháo kích, ném bom và tên lửa của Nga.
David đã từng đánh bại Goliath. Tuy nhiên, Goliath lúc đó không hề nắm trong tay vũ khí hạt nhân.