Phương Tây đồn đoán ông Putin sở hữu khối tài sản kếch xù, nhưng tra dấu chúng liệu có dễ?
Tập tài liệu xưa cũ
Ẩn sâu trong một hồ sơ pháp lý dài 421 trang trong một vụ án ít người biết đến là một câu nói giữa hai doanh nhân nước ngoài tại một nhà hàng ở Geneva (Thụy Sĩ). Một trong hai người đã nói: “Một chiếc du thuyền đã được tặng cho ông Putin”.
Tập tài liệu là một phần trong phán quyết của một thẩm phán tại London vào năm 2010, liên quan đến tranh chấp tài chính của một công ty vận tải biển. Đó là dữ kiện công khai hiếm hoi về mối liên hệ giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin với bất kỳ du thuyền, máy bay và biệt thự hạng sang nào trong suốt nhiều năm.
Giờ đây, nó lại mang một ý nghĩa mới khi giới chức Mỹ và châu Âu muốn truy dấu khối tài sản thực của ông chủ Điện Kremlin cũng như những người thân cận với ông, nhằm trả đũa cuộc tấn công của Nga vào Ukraine .
Tuy nhiên, tập tài liệu của tòa án nước Anh cũng tiết lộ phần nào lý do tại sao chính phủ các nước khó có thể điều tra khối tài sản mà ông Putin được đồn đoán là đang nắm giữ. Chiếc du thuyền Olympia trong vụ án được quản lý bởi một công ty ở Cyprus và hồ sơ doanh nghiệp cho thấy chủ sở hữu thực sự không phải là ông Putin, mà là chính phủ Nga.
Du thuyền Olympia chỉ là một trong nhiều tài sản xa hoa lâu nay được đồn đoán là của ông Putin nhưng thực chất lại thuộc sở hữu hoặc kiểm soát của nhà nước Nga, theo New York Times.
Chúng cho thấy lợi ích cá nhân của ông Putin và những người thân cận đã hợp nhất với lợi ích của chính phủ Nga như thế nào trong hơn hai thập kỷ nhà lãnh đạo này nắm quyền, hãng tin nước Mỹ nhận xét.
Mỹ và các đồng minh đã thành lập một lực lượng đặc nhiệm đa quốc gia để điều tra và tịch thu tài sản của ít nhất 50 người Nga giàu có, bao gồm cả ông Putin; đồng thời, treo thưởng hậu hĩnh cho những ai tiết lộ thông tin hữu ích.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích đã đặt câu hỏi rằng liệu những động thái này có thể tác động đến Tổng thống Nga hay không, khi mà ông chưa bao giờ bị phát hiện sở hữu nhiều tài sản cá nhân đến mức có thể bị tịch thu.
Truyền thông và công chúng bàn tán rôm rả rằng các nhà tài phiệt và những người bạn cũ của Tổng thống Putin có thể bí mật giữ giúp tài sản hoặc cất tiền mặt thay cho ông trong các công ty nước ngoài hoặc tài khoản ngân hàng ở Thụy Sĩ.
Song, trên thực tế, nhiều tài sản xa xỉ công khai của ông Putin đang nằm trong những doanh nghiệp nhà nước và nằm ngoài tầm với của các lệnh trừng phạt mà phương Tây áp cho Nga.
Theo bà Alina Polyakova, một chuyên gia về các vấn đề đối ngoại của Nga tại Trung tâm Phân tích Chính sách châu Âu, vì các nguồn lực và cơ quan chính phủ rất có thể đã được sử dụng để che chắn cho một số tài sản của ông Putin, việc trừng phạt nhắm vào cá nhân vị lãnh đạo Nga chủ yếu chỉ mang tính biểu tượng.
“Để đánh thẳng vào ông Putin, phương Tây phải trừng phạt toàn bộ chính phủ Nga. Và, tất nhiên có những lý do tại sao châu Âu và Mỹ chưa sẵn sàng làm như vậy”, bà Polyakova nói thêm.
Chẳng hạn, phương Tây có thể phong tỏa toàn bộ nhà nước Nga về mặt kinh tế bằng cách đưa Gazprom - một trong những công ty năng lượng lớn nhất thế giới, đồng thời là nguồn cung khí đốt tự nhiên chính của châu Âu, vào danh sách đen.
Cho đến nay, Gazprom chỉ phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt hạn chế như bị ngăn cản mua một số trái phiếu và chứng khoán nhất định.
Những tiết lộ đáng chú ý
Ở diễn biến khác, tập đoàn khí đốt nhà nước Nga có thể tiết lộ phần nào về sự giàu có của ông Putin. Mặc dù bất động sản hạng sang dường như không liên quan gì đến sứ mệnh cốt lõi của công ty, Gazprom vẫn xây dựng một khu nghỉ dưỡng sang trọng mà ông Putin yêu thích ở vùng núi Altai của Siberia.
Bất chấp những tuyên bố rằng dự án trên không liên quan đến Điện Kremlin, một báo cáo do cựu Phó Thủ tướng Nga Boris Nemtsov công bố cho biết khu nghỉ dưỡng được cơ quan bảo an liên bang (FSO) của Nga bảo vệ. FSO là lực lượng được chỉ định để bảo vệ tổng thống Nga và các quan chức cấp cao khác.
Trong báo cáo của ông Nemtsov, khu nghỉ dưỡng trên núi Altai là một trong 20 bất động sản dành riêng cho Tổng thống Putin, cùng với hàng chục máy bay hạng sang, 4 du thuyền và 11 đồng hồ đeo tay với giá bán lẻ gần 700.000 USD, tất cả đều được cho là trả bằng công quỹ.
Ông Nemtsov bị ám sát vào năm 2015, bị bắn vào lưng khi đang băng qua một cây cầu có thể nhìn thấy Điện Kremlin, New York Times thông tin.
Từ lâu, Moscow đã phủ nhận việc ông Putin sống dư dả hơn mức thu nhập của mình. Theo dữ liệu chính thức, ông nhận mức lương khoảng 140.000 USD mỗi năm và có một căn hộ nhỏ tại thủ đô.
Tuy nhiên, chia sẻ với một tờ báo Nga về các cáo buộc của cựu Phó Thủ tướng Nemtsov, phát ngôn viên của Điện Kremlin cho biết Tổng thống Nga cũng sử dụng nhà ở và phương tiện thuộc sở hữu của chính phủ, theo đúng luật định.
Dù vậy, sự xuất hiện của đội FSO được coi là một dấu hiệu cho thấy mối quan hệ bí mật giữa ông Putin và sự xa hoa giàu có.
Một cuộc điều tra khác do thủ lĩnh phe đối lập Aleksei A. Navalny thực hiện cũng phát hiện rằng lực lượng FSO đã canh gác tại khu nghỉ dưỡng trên núi Altai và có thời điểm cơ quan an ninh nội bộ của Nga (FSB) còn thực thi vùng cấm bay bên trên cơ ngơi này.
Gần đây hơn, nhóm của ông Navalny cho biết họ nhận thấy các thủy thủ đoàn trên siêu du thuyền trị giá 700 triệu USD có liên hệ với đội FSO. Một số người đồn đoán chiếc du thuyền này, vốn thuộc sở hữu của một công ty vỏ bọc nước ngoài, đã được ông Putin bí mật sử dụng.