|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Chiến dịch quân sự chưa thành công, nước Nga của ông Putin đã phải gánh ít nhất 5 thiệt hại khó lường

08:13 | 30/03/2022
Chia sẻ
Khi ông Putin bắt đầu “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine, nhiều người nghĩ quân đội Nga có thể giành thắng lợi dễ dàng trước nước láng giềng. Tuy nhiên, cho đến nay, Nga hầu như chưa thành công, ngược lại còn gánh hậu quả nặng nề.

 Khi Nga bắt đầu “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine, nhiều nhà quan sát tin rằng quân đội của Tổng thống Vladimir Putin có thể giành thắng lợi dễ dàng trước nước láng giềng nhỏ bé.

Tuy nhiên, cho đến nay, Nga hầu như chưa thành công. Binh lính Nga sa lầy vào các cuộc giao tranh chủ yếu ở vùng phía bắc, đông và nam của Ukraine; đồng thời, ông Putin còn nhận ra nước láng giềng có tổ chức và trang bị tốt hơn mong đợi.

Quân đội Nga chỉ chiếm được một thành phố duy nhất - Kherson, nhưng ngay cả việc chiếm đóng này cũng có vẻ lung lay khi binh lính Ukraine tiến hành phản công để chiếm lại thành phố cảng phía nam.

Các động thái tương tự cũng đang xuất hiện ở những địa phương khác của Ukraine, giới chức tuyên bố họ đang thực hiện ngày càng nhiều cuộc phản công.

Chỉ hơn một tháng sau cuộc chiến, Moscow giờ phải đối mặt với những hậu quả khôn lường, từ thiệt hại nhân mạng lớn đến tổn thất kinh tế kéo dài nhiều năm.

CNBC đã tổng hợp ít nhất 5 thiệt hại mà Nga đang phải gánh chịu vì chiến sự tại Ukraine:

1. Con số thương vong cao

Nga rất kín tiếng về thống kê thiệt hại của mình, nhưng một quan chức Bộ Quốc phòng nước này cuối tuần trước cho biết đến nay 1.351 binh sĩ Nga đã chết và 3.825 người bị thương trong cuộc chiến.

Các nhà chức trách Ukraine lại tuyên bố hơn 15.000 binh sĩ Nga đã thiệt mạng trong cuộc xung đột, trong khi một quan chức cấp cao của NATO tuần trước ước tính rằng khoảng 8.000 đến 15.000 người đã thiệt mạng.

Nếu chính xác, những con số trên sẽ là thiệt hại về nhân mạng nặng nề đối với Nga. Trong suốt 10 năm chiến tranh tại Afghanistan những năm 1980, cũng chỉ gần 15.000 binh lính Nga bỏ mạng trên sa trường.

Giờ đây, cuộc tấn công Ukraine không còn được ủng hộ ở Nga vì quân đội của ông Putin giành được quá ít thắng lợi nhưng lại đổ quá nhiều máu, CNBC cho hay.

Người phụ nữ bế một đứa trẻ bên cạnh một cây cầu bị phá hủy trong cuộc sơ tán khỏi thành phố Irpin, Ukraine. (Ảnh: Reuters).

2. Người Ukraine thù hằn Nga

Một trong các hậu quả tiềm tàng của cuộc chiến là người dân Ukraine sẽ nuôi dưỡng mối thù hằn dai dẳng đối với Nga, đặc biệt là sau khi Nga bị cáo buộc đánh bom vào nhà cửa và cơ sở hạ tầng dân sự của Ukraine, trong đó có một bệnh viện nhi và khu hộ sinh ở Mariupol cũng như một nhà hát nơi dân thường đang trú ẩn.

Cộng đồng quốc tế coi hành động ném bom phá hoại các cơ sở dân sự của Nga là tội ác chiến tranh. Khi khai chiến, Moscow đã tuyên bố họ sẽ không nhắm mục tiêu vào dân thường.

Tổng thống Volodymyr Zelensky đã gói gọn tâm trạng của người dân Ukraine hồi đầu tháng 3, khi ông khẳng định “chúng tôi sẽ không tha thứ, chúng tôi không bao giờ quên, chúng tôi sẽ trừng phạt tất cả những ai đã phạm tội ác trong cuộc chiến này”. Nhà lãnh đạo còn nói thêm, “sẽ không không nơi nào yên ổn trên Trái đất này ngoài nấm mồ”.

Ông chủ Điện Kremlin đã không ít lần ca ngợi mối quan hệ khắng khít về văn hóa, ngôn ngữ và lịch sử giữa Nga và Ukraine, nhưng dường như mọi thứ ông làm đều có thể trở thành một vật cản giữa hai nước.

Bà Kira Rudik, một thành viên Quốc hội Ukraine, gần đây nói việc nhìn thấy những ngôi nhà ở Ukraine bốc cháy do các cuộc tấn công của Nga “chỉ khiến chúng tôi cảm thấy tức giận hơn”. Một nhà lập pháp khác kêu gọi Nga bồi thường 400 tỷ USD để tái thiết Ukraine.

3. Kinh tế suy kiệt

Cộng đồng quốc tế bị cáo buộc là hành động quá chậm chạp và kém hiệu quả khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea từ Ukraine năm 2014. Lần này, phương Tây đã nhanh chóng và ồ ạt áp đặt cấm vận lên nền kinh tế, các doanh nghiệp và cá nhân của Nga để đáp trả cuộc chiến của ông Putin.

Hậu quả là, nền kinh tế Nga được dự báo sẽ rơi vào suy thoái trong năm nay. Viện Tài chính Quốc tế ước tính GDP của Nga sẽ mất đến 15% trong năm 2022, sau đó giảm thêm 3% trong năm 2023. Thành tựu kinh tế trong 15 năm qua sẽ bị quét sạch, các nhà nghiên cứu nhấn mạnh.

Ở diễn biến khác, các chuyên gia phân tích tại hãng tư vấn TS Lombard dự đoán mức sống của người dân Nga sẽ phải chịu “tác động nghiêm trọng” do suy thoái và lạm phát. Tỷ lệ lạm phát hàng năm của Nga ở mức 9,2% trong tháng 2 và dự kiến sẽ leo vọt trong tháng 3. Đến cuối năm, số liệu lạm phát có thể “rơi vào khoảng 30 - 35%”.

TS Lombard còn lưu ý, thiệt hại kinh tế có thể gây ra một số hậu quả lớn từ trung hạn đến dài hạn, đặc biệt là ở cấp độ chính trị. Mức độ ủng hộ của ông Putin tại Nga có thể sa sút đáng kể.

Song, nhóm phân tích cho biết Nga có thể giảm thiểu tác động của các lệnh trừng phạt bằng cách tăng cường xuất khẩu dầu thô sang Trung Quốc và Ấn Độ. Các đồng minh của Nga trong OPEC+ cũng có thể đứng về phe Moscow.

Người dân thế giới ra đường biểu tình để bày tỏ sự ủng hộ đối với Ukraine. (Ảnh: AP).

4. Châu Âu tẩy chay năng lượng Nga

Cuộc chiến của ông Putin cũng đang thúc đẩy quá trình chuyển đổi của châu Âu khỏi nhập khẩu năng lượng của Nga. Nguồn thu ngân sách từ dầu thô và khí đốt của Moscow có thể sụt giảm mạnh. Hơn nữa, chiến sự còn đặt một dấu chấm hỏi về tương lai của đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 trị giá 11 tỷ USD của Nga.

Liên minh châu Âu (EU), khu vực nhập khẩu khoảng 45% khí đốt từ Nga năm ngoái, cam kết sẽ cắt giảm 2/3 lượng mua khí đốt tự nhiên từ đất nước của ông Putin vào cuối năm nay. EU còn muốn ngừng mua nhiên liệu hóa thạch của Nga trước năm 2030.

Cùng lúc, Mỹ đang nỗ lực giúp châu Âu bằng cách cung ứng khí đốt hóa lỏng (LNG) cho khối kinh tế chung. Tuy nhiên, quá trình này vẫn còn khá rắc rối, phức tạp và chưa chứng minh được tính hiệu quả.

Chia sẻ với CNBC, ông Fred Kempe - Chủ tịch kiêm CEO của viện chính sách Atlantic Council, bình luận: “Chúng tôi biết châu Âu đã cho phép mình trở nên quá phụ thuộc vào năng lượng của Nga, đặc biệt là Đức.

Song, châu Âu cần chút thời gian để thay đổi các nguồn cung năng lượng. Mọi thứ không thể diễn ra một sớm một chiều”.

5. Nga thắt chặt mối thâm giao giữa các nước phương Tây

Trong 22 năm cầm quyền, ông Putin đã nhiều lần cố gắng làm suy yếu phương Tây, bất luận là bằng cách can thiệp vào các tiến trình dân chủ ở Mỹ và châu Âu, hay dính dáng tới các cáo buộc sử dụng chất độc thần kinh chống lại kẻ thù chính trị,…

Giới chuyên gia cho rằng ông chủ Điện Kremlin từng kỳ vọng cuộc tấn công Ukraine sẽ gây rạn nứt hoặc ảnh hưởng xấu đến phương Tây.

Có thể ông Putin mường tượng Mỹ và các đồng minh không thể thống nhất về chính sách  trừng phạt Nga hoặc không gửi vũ khí cho Ukraine. Tuy nhiên, thực tế đi ngược với tưởng tượng của Tổng thống Nga.

“Phản ứng của phương Tây là chưa từng có. Chúng thống nhất và vượt khỏi giới hạn tưởng tượng của bất kỳ ai tại Nga”, ông Anton Barbashin, một nhà phân tích chính trị kiêm tổng biên tập của tạp chí Riddle Russia, nhận xét.

Yên Khê