|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Nga thành thục 'chiến tranh mạng' nhưng tại sao vẫn chưa dùng để đánh nhanh chốt gọn Ukraine?

06:35 | 22/03/2022
Chia sẻ
Trong quá khứ, Nga từng nhiều lần phát động chiến tranh mạng để gây rối đối thủ. Song, trong cuộc xung đột mới nhất, Điện Kremlin chưa thực sự thực hiện một chiến dịch tấn công mạng quy mô nào để hạ gục Ukraine.

Sự vắng bóng của "chiến tranh mạng"

Sau hơn ba tuần giao tranh với Ukraine, Nga đã vận dụng một loạt chiến thuật táo bạo, bao gồm phương án pháo kích vào các thành phố dân sự của nước láng giềng. Tuy nhiên, hiện có một chiến lược chưa thấy Moscow sử dụng: chiến tranh mạng (cyberwarfare).

Ở các cuộc tranh chấp trong quá khứ, Nga đã không ít lần vận dụng chiến thuật độc đáo nói trên. Khi Tổng thống Putin phát tín hiệu sẽ tấn công Ukraine, giới chuyên gia đã tin chắc rằng chiến tranh mạng sẽ là một mặt trận nổi bật trong cuộc xung đột.

Họ mường tượng rằng cuộc đối đầu quân sự giữa hai bên có thể bắt đầu bằng một loạt cuộc tấn công mạng chớp nhoáng. Nga có thể gây mất điện ở các thành phố lớn, gây cản trở hệ thống kiểm soát không lưu hoặc phá hủy máy bay chiến đấu của Ukraine.

Song, từ đầu cuộc chiến đến nay, Điện Kremlin được cho là chỉ phát động các cuộc tấn công mạng quy mô nhỏ như đánh vào website của một số cơ quan chính phủ Ukraine và gây ít thiệt hại hơn so với dự báo của các chuyên gia.

Chia sẻ với Vox, ông Stephen Wertheim - thành viên cấp cao tại Viện Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, cho hay: "Tôi nghĩ điều gây ngạc nhiên nhất cho đến nay là Nga không tấn công mạng Ukraine".

Lần này, sự vắng mặt của chiến tranh mạng đặc biệt gây hiếu kì, vì từ lâu phương Tây đã e ngại về năng lực mạng của Moscow, ngay cả trước khi chiến sự Nga - Ukraine leo thang.

Các chuyên gia khẳng định năng lực tác chiến mạng của Nga đã gia tăng đáng kể sau các cuộc tấn công nhắm vào Ukraine trong suốt 8 năm qua, từ tấn công mạng và can thiệp bầu cử năm 2014 khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea, gây mất điện từ xa năm 2015 và tấn công bằng mã độc năm 2017.

Nga còn một 'vũ khí' lợi hại nhưng tại sao vẫn chưa chịu lấy ra dùng? - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa: New York Times).

Tại sao Nga chưa phát động chiến tranh mạng?

Nga chưa phát động các cuộc tấn công mạng đối với Ukraine là một sự việc khiến không ít người ngạc nhiên. Rất khó để biết chính xác tại sao ông Putin lại làm như vậy, nhưng giới chuyên gia đã suy đoán một số nguyên nhân đằng sau sự do dự của Nga.

Trao đổi với Vox, một số người đưa ra giả thuyết là năng lực chiến tranh mạng của Nga có thể đã bị thổi phồng quá mức. Đó là lý do tại sao Điện Kremlin vẫn chưa thực hiện một cuộc tấn công phức tạp nhằm vào Ukraine hay các đồng minh phương Tây.

Chia sẻ trên tạp chí Nature, chuyên gia an ninh Trey Herr của viện chính sách Atlantic Council lại cho rằng cấp "đầu não" tại Moscow đã đột ngột đưa ra quyết định động binh với Ukraine.

Vì lẽ đó, các cấp chỉ huy bên dưới chưa kịp tiếp nhận thông tin và cuối cùng không đủ thời gian để triển khai các cuộc tấn công mạng vốn mất nhiều tháng để sắp xếp.

Ở diễn biến khác, chuyên gia an ninh Lauren Zabierek tại Trường Kennedy (Harvard) cho rằng Moscow đang cố gắng kiềm chế để tránh leo thang căng thẳng hoặc gây thiệt hại vượt ngoài phạm vi Ukraine, vì điều này có thể khiến phương Tây trả đũa Nga.

Chẳng hạn như vào năm 2017, các tin tặc có liên hệ với Nga đã tung ra một mã độc có tên NotPetya nhắm vào các phần mềm tài chính được giới doanh nghiệp ở Ukraine sử dụng.

Cuối cùng mã độc trên lại lan rộng ra toàn thế giới, phá hủy quyền truy cập vào hầu hết hồ sơ của các tập đoàn lớn như gã khổng lồ vận tải Maersk của Đan Mạch. Ước tính thiệt hại toàn cầu do NotPetya gây ra là 10 tỷ USD.

Một giả thuyết khác của kỹ sư hệ thống Zhanna Malekos Smith tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược cho hay, nếu Nga nghĩ họ có thể nhanh chóng chiếm được Ukraine thì rõ ràng Moscow nên bảo vệ các cơ sở hạ tầng của Ukraine, thay vì phá hủy chúng và sau đó phải xây dựng lại từ đầu.

Song, khả năng này không thực sự đáng tin bởi vì chiến sự đã nổ ra hơn ba tuần nhưng quân đội và người dân Ukraine vẫn có thể cản bước lính Nga. Cho đến giờ, chỉ duy nhất một thành phố đã bị Nga kiểm soát.

Nga còn một 'vũ khí' lợi hại nhưng tại sao vẫn chưa chịu lấy ra dùng? - Ảnh 2.

Một thành viên của Lực lượng Phòng vệ Lãnh thổ Ukraine đi tuần trong một khu rừng bên ngoài thành phố Kharkiv của Ukraine. (Ảnh: Getty Images).

Có một lý do khả dĩ hơn hết, là ông Putin vẫn đang cân nhắc các lựa chọn của Nga một cách cẩn thận và chỉ đơn giản là đang chờ thời điểm thích hợp để phản đòn, theo suy đoán của ông Wertheim tại Viện Carnegie.

"Có thể Nga lo ngại sự trả đũa của phương Tây, ít nhất là ở thời điểm này. Có lẽ theo thời gian, khi các nhà lãnh đạo tại Moscow tin tưởng rằng tình hình đã ổn định và Nga có thể hấp thụ các đòn trừng phạt tốt hơn, họ sẽ tiến hành tấn công mạng nhằm vào Ukraine", vị chuyên gia phỏng đoán.

Chiến tranh mạng có thể đột ngột nổ ra hay không?

Kỹ sư Malekos Smith của Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược nói Nga có thể đang trữ trong kho những vũ khí mạng hung hãn nhất. Nếu cuộc chiến trên bộ đình trệ và các lệnh trừng phạt tài chính gây thiệt hại cho Nga, ông Putin có thể phát động chiến tranh mạng.

Theo vị kỹ sư, Nga có thể tăng cường tấn công Ukraine và nhắm mục tiêu vào các quốc gia phương Tây để gây rối tình hình. Doanh nghiệp và thị trường tài chính là đối tượng dễ bị tấn công nhất.

Ở chia sẻ khác, chuyên gia Mariarosaria Taddeo tại Viện Internet Oxford cho biết hệ thống chăm sóc sức khỏe và lưới điện sẽ rất dễ bị tổn thương. Năm ngoái, các tin tặc được cho là có liên quan đến Nga đã sử dụng mã độc để đóng cửa đường ống dẫn dầu Colonial Pipeline của Mỹ trong nhiều ngày.

"Nga có thể tấn công vào một cơ sở hạ tầng nào đó và gây gián đoạn trong một khoảng thời gian nhất định", bà Taddeo gợi ý.

Ngoài ra, các tổ chức phi nhà nước tham gia vào cuộc xung đột cũng có thể gây leo thang căng thẳng. Một nhóm tin tặc Nga có tên Conti cho biết họ sẽ trả đũa những kẻ tấn công vào chính phủ Nga. Ở chiều ngược lại, tổ chức tin tặc Anonymous lại đang nhắm tới Nga.

Nếu hai phe kèn cựa nhau, có khả năng chiến tranh mạng sẽ phát sinh từ đây, bà Taddeo cảnh báo. "Nhắm sai mục tiêu…có thể gây ra vấn đề lớn và tạo thêm xích mích giữa hai phe", bà nói thêm.

Yên Khê