|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Mỹ cung ứng 15 tỷ mét khối khí đốt để châu Âu đoạn tuyệt với Nga

17:17 | 25/03/2022
Chia sẻ
Trong một thỏa thuận với Liên minh châu Âu (EU), Mỹ cam kết sẽ cung cấp ít nhất 15 tỷ mét khối khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) cho khối kinh tế chung vào cuối năm 2022. Màn bắt tay này có thể giúp EU giảm bớt sự lệ thuộc vào khí đốt của Nga.

EU sẽ có thêm ít nhất 15 tỷ mét khối khí hóa lỏng

Hôm 25/3, Mỹ thông báo nước này sẽ phối hợp cùng các đối tác quốc tế để cung ứng ít nhất 15 tỷ mét khối khí hóa lỏng LNG cho châu Âu trong năm nay. Mục đích của thỏa thuận này là chấm dứt sự phụ thuộc của EU đối với hàng hóa năng lượng của Nga.

Ngoài ra, các nước thành viên EU sẽ nỗ lực để duy trì nhu cầu đối với 50 tỷ mét khối khí LNG của Mỹ cho đến ít nhất là năm 2030. Trong vài năm qua, nhập khẩu khí LNG của EU từ Nga dao động từ 14 đến 18 tỷ mét khối.

Ông Simone Tagliapietra, nhà nghiên cứu năng lượng tại tổ chức Bruegel (Brussels, Bỉ), cho hay: "Nếu nguồn cung khí đốt từ Nga bị gián đoạn, thách thức lớn nhất đối với châu Âu sẽ là nạp đầy các kho dự trữ trước mùa đông tới".

"Do đó, EU buộc phải nhập khẩu lượng khí hóa lỏng kỷ lục trong mùa xuân và mùa hè. Là nước xuất khẩu khí LNG lớn nhất thế giới tính tới thời điểm hiện tại, Mỹ sẽ đóng một vai trò quan trọng và giúp đỡ châu Âu trong nỗ lực lịch sử này", vị chuyên gia nhận định.

Mỹ cung ứng 15 tỷ mét khối khí đốt để châu Âu đoạn tuyệt với Nga - Ảnh 1.

Mỹ sẽ phối hợp cùng các đối tác cung ứng ít nhất 15 tỷ mét khối khí hóa lỏng LNG cho EU trong năm nay. (Ảnh minh họa: Reuters).

Bên cạnh thỏa thuận cung cấp khí đốt, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen còn dự kiến công bố việc thành lập một lực lượng đặc nhiệm chung để điều phối nguồn cung LNG của châu Âu, phù hợp với nỗ lực chống biến đổi khí hậu và cắt giảm nhu cầu khí đốt tự nhiên.

Theo Bloomberg, cơ quan này sẽ do một đại diện của Nhà Trắng và EC chủ trì. Lực lượng đặc nhiệm chung sẽ "làm việc để đảm bảo an ninh năng lượng cho Ukraine và EU trong hai mùa đông tới, đồng thời hỗ trợ mục tiêu của EU là chấm dứt phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của Nga".

Tuy nhiên, chi tiết của thỏa thuận mới giữa Mỹ và EU chưa được công bố. Ngoài ra, Washington vẫn chưa tiết lộ họ sẽ hợp tác cùng nước nào hoặc khi nào sẽ tìm kiếm nguồn cung LNG cho châu Âu. Điều này cho thấy Mỹ vẫn chưa đạt được thỏa thuận cuối cùng với các nhà cung ứng.

Một cuộc chạy đua đích thực

Khối kinh tế chung với 27 quốc gia thành viên đang đặt mục tiêu thay thế gần 2/3 lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga trong năm nay, sau khi Điện Kremlin khai chiến với nước láng giềng Ukraine. Năm ngoái, EU nhập khẩu đến 155 tỷ mét khối khí đốt từ Nga.

Chiến lược đa dạng hóa năng lượng của châu Âu, do EC vạch ra hồi đầu tháng 3, đặt mục tiêu sẽ thay thế khoảng 101,5 tỷ mét khối khí đốt của Nga vào năm 2022.

Để làm được điều đó, EU phải khai thác các nguồn khác như điện than, điện hạt nhân; xây dựng năng lượng tái tạo; và tăng cường an ninh năng lượng. Hiện, khối này đang tìm cách đảm bảo 50 tỷ mét khối khí LNG từ các nhà cung ứng mới.

Việc nhập khẩu khí hóa lỏng bổ sung từ Mỹ sẽ mất một thời gian mới có thể bắt đầu, vì châu Âu đang gặp hạn chế về năng lực phân phối khí đốt. Theo một quan chức EU, số lượng thiết bị đầu cuối và kết nối của khối đang khá khiêm tốn.

Bloomberg cho biết, nhập khẩu nhiên liệu của châu Âu từ Mỹ đã tăng mạnh mẽ trong thời gian qua. Xu hướng này bắt đầu vài tháng từ trước khi Nga động binh với Ukraine. Năm ngoái, lượng khí LNG vận chuyển từ Mỹ sang châu Âu đạt khoảng 22 tỷ mét khối. Tính riêng tháng 1 năm nay, con số đã đạt 4,4 tỷ mét khối.

 

Đức - quốc gia châu Âu nhập khẩu nhiều khí đốt tự nhiên của Nga nhất, cũng có kế hoạch riêng để giảm đáng kể nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch của Nga. Berlin kỳ vọng vào giữa năm 2024 có thể gần như hoàn toàn độc lập với khí đốt của ông Putin.

Nhìn chung, cuộc đua thoát khỏi sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga đang là một vấn đề hệ trọng của EU. Nga là nhà cung ứng khí đốt lớn nhất của EU, chiếm hơn 40% kim ngạch nhập khẩu khí đốt của khối. Ngoài ra, Nga còn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong nhập khẩu than đá và dầu thô của EU.

Khả Nhân