Tại sao năng lượng hạt nhân vắng bóng trong kế hoạch 'chia tay' khí đốt Nga của châu Âu?
Sự vắng bóng của năng lượng hạt nhân
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) - tổ chức điều phối chính sách năng lượng với 31 nước thành viên và Ủy ban châu Âu (EC) - cơ quan điều hành của EU, gần đây đã công bố các đề xuất để giúp khối này tránh xa khí đốt của Nga.
Hai kế hoạch được công bố gần như cùng lúc, khuyến nghị EU nên tập trung vào năng lượng tái tạo, mức độ hiệu quả khi tiêu thụ năng lượng và nhập khẩu thêm khí tự nhiên hóa lỏng. Tuy nhiên, chúng khác nhau ở một số điểm nhất định.
Kế hoạch của IEA đề xuất khu vực eurozone nên duy trì hoạt động của các nhà máy điện hạt nhân hiện có, trong khi EC không đề cập rõ ràng đến năng lượng hạt nhân, CNBC nhận thấy.
Giải quyết bài toán khí đốt từ Nga không phải công việc đơn giản. Theo Tổng cục Năng lượng châu Âu, khoảng 25% năng lượng tiêu thụ của khối kinh tế chung là khí đốt tự nhiên và EU chỉ sản xuất khoảng 10% lượng khí đốt mà họ cần, phần còn lại chủ yếu nhập từ Nga (41%), Na Uy (24%) và Algeria (11%).
Trong một cuộc họp báo hồi tuần trước, ông Frans Timmermans - Phó Chủ tịch điều hành dự án Green New Deal của EU, đã được hỏi về năng lượng hạt nhân, vì điểm này không được đưa vào đề xuất của EC. Đáp lại, ông Timmermans cho hay: "Các quốc gia thành viên của EU được tự do lựa chọn nguồn cung năng lượng".
Tuy nhiên, vị phó chủ tịch nói thêm, nếu muốn theo đuổi năng lượng hạt nhân, các nước thành viên cũng cần phải phát triển năng lượng tái tạo một cách tương xứng, vì EU cũng cần phải giảm phát thải khí nhà kính.
Vướng mắc của điện hạt nhân
Điện hạt nhân không giải phóng bất kỳ khí nhà kính độc hại nào, nhưng việc xây dựng một nhà máy điện hạt nhân thông thường có thể sản sinh ra một số khí thải. Ngoài ra, giới phê bình vẫn lo ngại về nguy cơ xảy ra tai nạn hạt nhân và vấn đề lưu trữ chất thải phóng xạ.
Thái độ của công chúng đối với năng lượng hạt nhân cũng ảnh hưởng đến quan điểm của giới chính trị gia khu vực và tại EU, những cảm nhận đó thay đổi theo từng quốc gia thành viên.
Tháng 2 năm nay, khi EC đề xuất rằng năng lượng hạt nhân và than đá có thể đóng vai trò nào đó trong quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch, giới lãnh đạo châu Âu đã bày tỏ sự phẫn nộ.
"Tăng cường sử dụng năng lượng hạt nhân rõ ràng là một giải pháp nên được thực hiện, nhưng nó luôn là một chủ đề khó khăn đối với EU. Một số quốc gia như Pháp và Phần Lan rất ủng hộ hạt nhân, nhưng các nước như Đức và Thụy Điển lại không đồng tình", giáo sư Tim Talus của Đại học Tulane (Mỹ) giải thích.
Không đề cập đến thái độ của công chúng, việc nâng công suất năng lượng hạt nhân cần khá nhiều thời gian, trong khi thời gian là điều mà châu Âu hiện không có sẵn. Khối kinh tế chung đang gấp rút giảm bớt sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga.
Ông Jonathan Stern, một nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Năng lượng Oxford, cho hay: "Các nhà máy điện hạt nhân đáng lẽ ra phải hoạt động hết công suất, nhưng hầu hết là không".
"Công suất bổ sung thường phải mất nhiều năm trước khi có thể đi vào hoạt động. Các trạm hạt nhân mới đang được xây dựng dĩ nhiên có thể được đưa vào sử dụng trong vài năm tới nhưng rõ ràng là quá muộn so với tình hình hiện giờ", ông Stern nhấn mạnh.
Một số nhà máy điện hạt nhân, đặc biệt là ở Pháp và Đức, hiện không hoạt động hết công suất vì chúng được thiết kế để vận hành theo cơ chế "load-following mode", tức là công suất được điều chỉnh theo nhu cầu và có thể thay thế cho năng lượng tái tạo khi cần.
Hiệp hội Hạt nhân Thế giới cho rằng các kế hoạch đa dạng hóa năng lượng của IEA và EU không tập trung đồng đều vào năng lượng hạt nhân.
Phát ngôn viên Jonathan Cobb bày tỏ: "Quả thực, trọng tâm của các tài liệu này là đảm bảo nguồn cung khí đốt và phát triển năng lượng tái tạo. Dù vậy, chúng tôi cho rằng EU nên cân nhắc kế hoạch của IEA hơn".