|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

IEA hiến kế giúp châu Âu giảm phụ thuộc vào khí đốt tự nhiên của Nga

06:20 | 13/03/2022
Chia sẻ
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã vạch ra một lộ trình nhằm giúp châu Âu đối phó với nguy cơ đứt gãy nguồn cung khí đốt tự nhiên từ Nga - công cụ đang giúp Tổng thống Vladimir Putin có thêm đòn bầy trong cuộc chiến tại Ukraine.

Kế hoạch của IEA sẽ giúp Liên minh châu Âu (EU) giảm phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt của Nga khoảng một phần ba lần trong một năm, trong khi vẫn tuân thủ Thỏa thuận Xanh châu Âu - một cơ chế nhằm giúp khối này hạ lượng phát thải ròng ít nhất 55% vào năm 2030 (so với mức của năm 1990).

Các khuyến nghị của IEA tương tự với những biện pháp được cho là do chính quyền EU soạn thảo để cắt giảm 80% lượng khí đốt tự nhiên nhập khẩu từ Nga trong năm tới, theo CNBC.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc loại bỏ khí đốt của Nga sẽ khó có thể thực hiện trong "một sớm một chiều". Nguyên nhân là do EU quá phụ thuộc vào Nga, đồng thời chính phủ các nước trong khu vực cũng cam kết hạn chế phát thải khí nhà kính.

IEA hiến kế giúp châu Âu giảm phụ thuộc vào khí đốt tự nhiên của Nga - Ảnh 1.

Lễ khởi công dự án Nord Stream 1, năm 2010. (Ảnh: AP).

Năm ngoái, EU nhập khẩu khoảng 155 tỷ m3 khí đốt tự nhiên từ Nga, tương đương gần 45% lượng khí đốt nhập khẩu và gần 40% tổng lượng tiêu thụ của khối, theo dữ liệu của IEA. Trên lý thuyết, chuyển từ khí đốt tự nhiên sang than đá là một giải pháp nhanh chóng, nhưng nó sẽ không giúp EU hoàn thành các mục tiêu về khí hậu.

"Kế hoạch 10 điểm nhằm giảm sự lệ thuộc của Liên minh châu Âu vào khí đốt tự nhiên của Nga" là một tập hợp các chính sách có thể giúp châu Âu đa dạng hóa nguồn cung năng lượng, đẩy nhanh tiến độ hướng tới năng lượng tái tạo và tập trung vào hiệu quả năng lượng.

Trong tuyên bố khi công khai bản kế hoạch, Giám đốc điều hành Fatih Birol của IEA nhấn mạnh: "Không ai còn mụ mị nữa. Việc Moscow sử dụng các nguồn khí đốt tự nhiên như một vũ khí kinh tế và chính trị cho thấy châu Âu cần phải nhanh chóng hành động để tránh bất trắc trong mùa đông tới".

Dưới đây là tóm tắt về 10 đề xuất của IEA:

Không gia hạn hợp đồng khí đốt với Nga. Hiện tại, EU đang có hợp đồng với gã khổng lồ ngành năng lượng Gazprom của Nga, nhập khẩu hơn 15 tỷ m3 khí đốt mỗi năm. Hợp đồng đó sẽ hết hạn vào cuối năm nay, do đó EU được khuyến nghị không tái ký hợp đồng.

Thay thế các hợp đồng hết hạn với Nga bằng hợp đồng với nguồn khác. So với năm 2021, sản lượng khí đốt của riêng EU và nhập khẩu từ các nguồn không phải Nga như Azerbaijan và Na Uy dự kiến sẽ tăng lên tới 10 tỷ m3 trong năm tới.

Song, IEA cho rằng EU nên mạnh tay hơn, chẳng hạn như tăng nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) - sản phẩm khí đốt được làm lạnh đến trạng thái lỏng ở khoảng -162 độ C để dễ dàng vận chuyển bằng tàu biển hoặc xe tải hơn.

IEA cũng đề xuất EU nên tăng cường nguồn cung khí sinh học và biomethane, nhưng các chuỗi cứng ứng này cần thời gian để phát triển.

Trữ thêm khí đốt. Tích trữ thêm khí đốt sẽ giúp cho bất kỳ quốc gia/khu vực nào có thêm một vùng đệm an toàn trong trường hợp chuyển mùa, thời tiết khắc nghiệt hoặc chiến tranh. Đến ngày 1/10 hàng năm, công suất dự trữ khí đốt của IEA thường đạt khoảng 90% để đủ nguồn cung sưởi ấm cho người dân các nước thành viên trong mùa đông.

Đẩy nhanh việc triển khai năng lượng tái tạo. Năm 2022, EU dự kiến sẽ nâng sản lượng điện tái tạo khoảng 15% so với năm ngoái nhờ tăng chi tiêu cho các dự án điện gió và điện mặt trời mới cũng như nhờ thời tiết thuận lợi.

IEA đề xuất khối này nên đẩy nhanh tiến độ bằng các giải quyết tình trạng chậm trễ trong phê duyệt giấy phép. Để làm được điều đó, EU cần bổ sung thêm nhân viên hành chính, tuyên truyền tốt hơn giữa các cơ quan cấp phép, thiết lập thời hạn rõ ràng và "số hóa" quy trình tiếp nhận hồ sơ.

Giữ nguyên nhà máy điện hạt nhân và vận hành nhà máy năng lượng sinh học ở quy mô tối đa. Một số lò phản ứng hạt nhân ở châu Âu dự kiến sẽ ngừng hoạt động trong năm nay và năm tới, nhưng nếu chúng được duy trì, nhu cầu của EU đối với khí đốt của Nga sẽ giảm.

Ngoài ra, các nhà máy năng lượng sinh học hiện chỉ hoạt động khoảng 50% công suất, nên châu Âu có thể nâng công suất vận hành lên tối đa để gia tăng nguồn cung năng lượng sạch.

Bảo vệ khách hàng dễ bị tổn thương. Khi giá năng lượng tăng đột biến, các công ty trong ngành làm ăn tốt nhưng khách hàng thường gặp khó khăn về kinh tế. Do đó, EU nên chuẩn bị kế hoạch để hỗ trợ những người dân có thu nhập thấp chi trả hóa đơn năng lượng.

Một cách mà IEA đề xuất là áp thuế tạm thời đối với lợi nhuận vượt mức của các công ty năng lượng và dùng số tiền thu được để thanh toán hóa đơn khí đốt cho khách hàng eo hẹp về tài chính.

Đẩy nhanh việc thay thế nồi hơi đốt gas bằng máy bơm nhiệt. Theo IEA, tăng gấp đôi tỷ lệ lắp đặt máy bơm nhiệt - một thiết bị sưởi ấm trong nhà, sẽ tiêu tốn của EU khoảng 16,3 tỷ USD nhưng sẽ giúp khối này tiết kiệm thêm 2 tỷ m3 khis dodots trong năm đầu tiên.

Đẩy nhanh các chương trình tiết kiệm năng lượng cho cơ sở công nghiệp. Cứ mỗi năm, khoảng 1% các tòa nhà tại EU sẽ được trang bị thêm thiết bị tiết kiệm năng lượng. Để tối đa hóa tác động của kế hoạch này, EU nên tập trung vào cải thiện hiệu quả tiêu thụ khí đốt của các cơ sở công nghiệp chứ không chỉ là khu vực dân cư.

Yêu cầu công chúng giảm nhiệt độ sưởi ấm. Hầu hết các tòa nhà ở châu Âu đều có nhiệt độ trung bình hơn 22 độ C, IEA kiến nghị chính phủ các nước EU có thể kêu gọi người dân giảm nhiệt độ sưởi ấm khoảng 1 độ C, vừa vẫn giữ ấm tốt vừa có thể làm giảm nhu cầu khí đốt 10 tỷ m3.

Tăng cường hiệu quả lưới điện. IEA khuyến nghị EU nên tập trung tăng cường tính linh hoạt cho lưới điện, cả về mức độ chống chịu khi thời tiết thay đổi và cả khả năng xử lý nhu cầu đột biến trong ngắn hạn. Hiện tại, EU chủ yếu điều chỉnh nhu cầu điện năng bằng nguồn khí đốt dự trữ. Trong tương lai, khối eurozone có thể cân nhắc bổ sung nguồn điện từ biomethane hay mêtan tổng hợp để nâng cao tính linh hoạt của lưới điện chung.