|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Hậu xung đột quân sự với Nga, Ukraine cần bao nhiêu tiền để tái thiết nền kinh tế?

21:08 | 16/04/2022
Chia sẻ
Một khi xung đột quân sự với Nga đi đến hồi kết, chính phủ Ukraine sẽ phải giải một bài toán mới, đó là tái thiết lại đất nước và nền kinh tế bị tàn phá nặng nề trong cuộc chiến.

Chi phí khổng lồ để tái thiết

Khi chiến sự khốc liệt khép lại, Ukraine có lẽ sẽ giống như một vùng đất hoang, tờ Economist nhận định. Cơ sở hạ tầng của đất nước Đông Âu này đã bị tàn phá bởi các cuộc không kích và nhiều thành phố bị ném bom, gây thiệt hại nặng nề về nhân mạng.

Xây dựng lại đất nước sẽ là khối công việc đồ sộ cho Ukraine. Rất nhiều ngôi nhà, bệnh viện, cầu cống và cảng biển đã bị hư hại. Trong bối cảnh xung đột quân sự chưa thấy ngày kết thúc, chắc chắn Ukraine sẽ phải gánh chịu thêm thiệt hại trong thời gian tới.

Hơn nữa, “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Tổng thống Nga Vladimir Putin không chỉ cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người mà còn khiến hàng triệu người khác phải di tản, 7,1 triệu trong nước và 4,6 triệu ra nước ngoài.

Một tòa nhà đổ nát vì cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine. (Ảnh: Getty Images).

Viện Nghiên cứu Kinh tế Quốc tế Vienna (WIIW) tính toán rằng các khu vực bị ảnh hưởng trực tiếp bởi chiến sự chiếm khoảng 29% sản lượng kinh tế của Ukraine. Thậm chí, ở một số khu vực, hoạt động kinh tế đã ngừng lại ít nhiều.

Theo một cuộc khảo sát của ngân hàng trung ương Ukraine, 30% doanh nghiệp trên toàn quốc đã ngừng sản xuất hoàn toàn và 45% khác đang giảm sản lượng. World Bank ước tính GDP năm nay của Ukraine sẽ thu hẹp 45%.

Ở báo cáo khác, Trung tâm Nghiên cứu Chính sách kinh tế (CEPR) đã sử dụng dữ liệu liên quan tới thiệt hại về bất động sản, nguồn vốn công và các phép tính tương tự trong quá khứ để ước tính tổng chi phí mà Ukraine cần để khôi phục đất nước sau cuộc chiến.

Con số mà CEPR đưa ra là khoảng 200 - 500 tỷ euro (tương đương 220 - 540 tỷ USD). Giới hạn trên 500 tỷ euro cao gấp ba lần quy mô GDP của Ukraine trước chiến sự, giới hạn dưới cao gấp 4 lần ngân sách viện trợ nước ngoài của Liên minh châu Âu (EU).

 

Đồng thời, cách thức tiến hành quá trình tái thiết nền kinh tế cùng các cải cách đi kèm cũng quan trọng không kém khoản tiền mà Ukraine cần bỏ ra khi mà trước chiến sự, nền kinh tế Ukraine vốn gắn liền với nạn tham nhũng và hoạt động kém hiệu quả.

Do đó, nếu công cuộc xây dựng lại đất nước có thể biến nền kinh tế Ukraine trở thành một thứ gì đó cởi mở và năng động hơn, đây sẽ là một tín hiệu rất đáng mừng và có thể tạo ra chuyển biến lớn, Economist cho hay.

Những bước đi chập chững

Trong một cuộc phỏng vấn với Financial Times, Bộ trưởng Bộ Tài chính Ukraine cho biết thâm hụt tài khóa của đất nước Đông Âu chỉ tính riêng trong tháng 3 là 2,7 tỷ USD và dự kiến thâm hụt hàng tháng trong hai tháng 4 và 5 là 5 - 7 tỷ USD khác.

Song, hiện chính quyền Kiev đang cố gắng khắc phục thiệt hại ở những nơi có thể. Khoảng 7 tỷ USD cho vay và hỗ trợ tài chính từ phương Tây đang giúp duy trì hoạt động của lĩnh vực tài chính công tại Ukraine.

Chính phủ cũng nỗ lực giúp đỡ nhiều lĩnh vực khác. Nông dân đã được cấp 20 tỷ hryvnia (tương đương 675 triệu USD) để mua vật tư và hạt giống cho mùa vụ này. Các nhà chế tạo có thể xịn trợ giúp để chuyển sản xuất đến địa điểm khác.

Ngoài ra, giữa lúc Nga phong tỏa tuyến đường xuất khẩu chính của Ukraine qua Biển Đen, chính phủ đang làm việc với EU để giao dịch hàng hóa bằng đường bộ qua khối kinh tế chung trở nên dễ dàng hơn.

Sau tất cả các biện pháp trên, hậu chiến sự, Ukraine sẽ còn phải đối mặt với những thách thức mới. Một trong số này là rà phá các khu vực bị ảnh hưởng bởi bom mìn và tàn tích chiến tranh.

Trước cuộc xung đột hiện nay, Bộ Quốc phòng Ukraine từng ước tính sẽ tiêu tốn khoảng 650 triệu euro để phá mìn vùng Donbass, khu vực bị Nga thâu tóm vào năm 2014. Con số bây giờ chắc chắn sẽ lớn hơn nhiều.

Nhà ở cho hàng triệu người dân là một vấn đề đáng quan ngại khác của Ukraine. Một công cụ của Trường Kinh tế Kiev ước tính giá trị của những ngôi nhà đã bị phá hủy là 29 tỷ USD.

Bên cạnh đó, xây dựng lại các cơ sở hạ tầng và nhà máy công nghiệp đã bị hư hỏng sẽ còn tốn kém hơn nữa. Chưa kể, Ukraine còn phải giải quyết bài toán do sản lượng bị mất, nhà áy thiếu bảo trì và đầu tư khan hiếm.

Một nghiên cứu được WIIW công bố năm 2020 cho thấy, trong 5 năm sau vụ Donbass, giá trị các công trình hạ tầng và cơ sở công nghiệp bị hao hụt chiếm đến 60% trong tổng 9,5 tỷ USD thiệt hại hạ tầng sau tranh chấp.

Theo Economist, chính phủ Ukraine đã thành lập một quỹ phục hồi và các bộ ngành đang đề xuất những lĩnh vực cần phải xây dựng lại. Trong bối cảnh Ukraine đã vay nợ rất nhiều và nền kinh tế bị thiệt hại nặng nề, Kiev sẽ cần rất nhiều tiền từ bên ngoài.

Có khá nhiều người đề xuất tịch thu tài sản của chính phủ Nga và sau đó bán lại chúng để bồi thường tổn thất chiến tranh cho Ukraine, trong đó bao gồm cả người đứng đầu ngân hàng trung ương Ukraine.

Trong trường hợp không thể xúc tiến kế hoạch táo báo nêu trên, nguồn tài chính để chính phủ Ukraine khôi phục kinh tế sẽ phải đến từ các nước phương Tây, các tổ chức quốc tế và nhà đầu tư tư nhân.

Cơ hội đến từ châu Âu

Dẫu vậy, các vấn đề lâu nay của nền kinh tế Ukraine, nguồn cơn dẫn đến những lo ngại của công chúng về công cuộc tái thiết hậu chiến sự, sẽ được đem ra mổ xẻ sâu hơn, Economist nhận định.

Năm 2019, GDP đầu người của Ukraine thấp hơn hẳn bất kỳ nước nào trong 27 quốc gia thành viên của liên minh EU: chỉ bằng một nửa so với Bulgaria và chưa đến 25% so với Ba Lan.

Thậm chí, tính theo số liệu thực, GDP đầu người của Ukraine bây giờ còn tụt hẳn so với thời Liên Xô sụp đổ. Đây là minh chứng cho thấy đất nước này đã thiếu vắng cải cách trong một thời gian dài.

Rất nhiều trong hơn 1.500 doanh nghiệp nhà nước còn hoạt động của Ukraine đang thua lỗ hoặc hầu như không có lãi, Economist đưa ra thêm dữ kiện đáng ngại khác.

Do đó, giới lãnh đạo chính trị phải cực lực ủng hộ việc xây dựng lại nền kinh tế thì quá trình này mới có thể có cơ hội thành công. Và kinh nghiệm của các nước trong quá khứ cho thấy, thành công có thể đến từ sự hội nhập mạnh mẽ hơn với châu Âu.

 

Chẳng hạn, sự phát triển nhanh chóng của Ba Lan được cho là dựa trên nguyên lý do tương tự. Trong 15 năm sau khi gia nhập EU vào năm 2004, Ba Lan đã nhận được hơn 160 tỷ euro hỗ trợ và GDP đầu người của nước này đã tăng hơn 80%.

Ukraine đã và đang ngả sang phương Tây. Tỷ trong xuất khẩu của Ukraine sang EU đã tăng từ khoảng 30% hồi năm 2014 lên 36% vào năm 2020, trong khi tỷ trọng sang Nga tụt từ 18% xuống còn 5,5% trong cùng giai đoạn.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Yên Khê

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.