|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

'Phương Tây không chịu trả tiền, Nga sẽ chuyển hướng xuất khẩu năng lượng sang Châu Á'

10:48 | 15/04/2022
Chia sẻ
Trong tuyên bố mới nhất, Tổng thống Putin cho biết các nước Phương Tây đang trì hoãn việc thanh toán năng lượng, đồng thời tuyên bố mặc dù Châu Âu không thể thiếu năng lượng của Nga, Moscow sẽ chuyển hướng xuất khẩu sang Châu Á.

Phương Tây không trả tiền

Theo RT, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố: “Ngân hàng từ đa số các quốc gia ‘không thân thiện’ đang trì hoãn việc thanh toán năng lượng”.

Theo ông Putin, bất chấp những lời kêu gọi cắt giảm nguồn cung cấp năng lượng, các quốc gia Phương Tây đang thừa nhận rằng họ không thể làm gì nếu không có nguồn năng lượng của Nga. 

Do đó, các quốc gia này đang "đẩy giá lên và gây bất ổn thị trường". Đồng thời, Tổng thống Nga cảnh báo rằng Moscow sẽ chuyển hướng năng lượng của mình về phía Đông.

Giá dầu thế giiới trở nên đặc biệt bất ổn kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine

Ông Putin cho biết, những nỗ lực của Phương Tây nhằm vắt kiệt nguồn cung cấp năng lượng chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế toàn cầu, và hiện tại không có sự thay thế hợp lý nào cho khí đốt của Nga tại Châu Âu.

“Ban đầu, các chuyên gia và nhà phân tích đã cảnh báo công khai rằng việc tăng tốc quá trình chuyển đổi xanh sẽ không khả thi nếu không bỏ ra  một khoản đầu tư không lồ. Đây là cách mọi thứ vận hành trong thực tế, ”Tổng thống Nga nói. 

"Và bây giờ có một lý do tuyệt vời để che đậy những tính toán sai lầm của Phương Tây và đổ lỗi mọi thứ cho Nga."

 

Tổng thống Nga nhấn mạnh rằng nhiệm vụ được đặt ra là chuyển sang sử dụng tiền tệ của Nga trong các khoản thanh toán cho năng lượng và dần dần rời xa đồng USD và EUR.

“Nhìn chung, Nga dự định tăng mạnh tỷ trọng thanh toán bằng đồng nội tệ trong ngoại thương. Và nhiệm vụ quan trọng là chuẩn bị một quá trình chuyển đổi cho thị trường ngoại hối của chúng ta”.

Ông khẳng định: “Vì vậy bất kỳ loại ngoại tệ nào với số lượng cần thiết cũng có thể tự do đổi sang đồng rúp của Nga”.

Tổng thống Putin cũng đặt ra ba nhiệm vụ trọng tâm trong tương lai gần cho ngành dầu khí của đất nước. 

  • Trước hết, đảm bảo cung cấp nguồn năng lượng bền vững cho thị trường nội địa và tăng nguồn cung cho người tiêu dùng Nga. 
  • Thứ hai, xuất khẩu cần đa dạng hóa và định hướng lại các thị trường đang phát triển nhanh ở phía Nam và phía Đông. 
  • Thứ ba, phát triển chế biến sâu dầu khí.

Chuyển hướng sang phía Đông

Theo Reuters, Tổng thống Vladimir Putin hôm 14/4 cho biết, Moscow sẽ làm việc để chuyển hướng xuất khẩu năng lượng của mình về phía Đông.

Trong khi EU tranh luận về việc áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với khí đốt và dầu mỏ của Nga đồng thời tìm kiếm nguồn cung từ nơi khác, Điện Kremlin đã củng cố mối quan hệ với Trung Quốc và Ấn Độ.

Tổng thống Putin cho biết Nga hiện chiếm khoảng 1/10 sản lượng dầu toàn cầu và khoảng 1/5 lượng khí đốt. Moscow sẽ cần cơ sở hạ tầng mới để tăng cường cung cấp năng lượng cho Châu Á.

Ông lệnh cho Chính phủ trình bày một kế hoạch trước ngày 1/6, bao gồm cả việc "mở rộng cơ sở hạ tầng giao thông sang các nước Châu Phi, Châu Mỹ Latinh và Châu Á Thái Bình Dương".

 

Ông Putin cũng yêu cầu trình bày rõ ràng về tính khả thi của việc đưa hai đường ống - Sức mạnh Siberia tới Trung Quốc và Sakhalin-Khabarovsk-Vladivostok ở vùng viễn đông vào trong hệ thống cung cấp khí đốt thống nhất của Nga.

Về lý thuyết, việc đưa các hệ thống đường ống trên vào mạng lưới rộng lớn hơn cho phép Nga chuyển dòng khí đốt từ Châu Âu sang Châu Á và ngược lại.

Nga đã triển khai cung cấp khí đốt cho Trung Quốc vào cuối năm 2019. Vào tháng 2/2022, hai nước đã ký hợp đồng 30 năm cung cấp khí đốt qua một đường ống mới, chưa được xây dựng, với kế hoạch thanh toán bằng đồng EUR. 

Tổng thống Putin cho biết vấn đề nghiêm trọng nhất của ngành năng lượng là sự gián đoạn trong hoạt động logistics.

Minh Quang

Liên tục tăng trưởng, FDI có trở thành 'trụ cột' cho nền kinh tế năm nay?
Trong tháng 4, lượng vốn FDI và số dự án đầu tư mới đạt mức cao nhất kể từ đầu năm. Xu hướng tích cực của dòng vốn FDI được kỳ vọng sẽ trở thành động lực quan trọng cho tăng trưởng, là 'trụ cột' quan trọng cho nền kinh tế trong bối cảnh đầu tư công chậm lại và đầu tư tư nhân vẫn ở mức rất thấp.