Sau khi mua dầu giá rẻ của Nga, Ấn Độ đang nhắm tới than
Gia tăng nhập khẩu
Theo hãng thông tin hàng hóa Kpler, nhập khẩu than của Ấn Độ từ Nga vào tháng 3/2022 đã tăng lên mức cao chưa từng thấy trong hơn hai năm. Tình trạng thiếu hụt than của Ấn Độ đang gia tăng. Mặc dù thế giới Phương Tây xa lánh hàng hóa của Nga, gã khổng lồ Châu Á đang để mắt tới than đá của Nga sau khi đã mua hết dầu giảm giá.
Ông Matthew Boyle, nhà phân tích hàng đầu của Kpler cho biết, nhập khẩu than từ Nga của Ấn Độ đạt 1,04 triệu tấn, mức cao nhất kể từ tháng 1/2020. Ông Boyle, nói với CNBC trong một email rằng khoảng 2/3 khối lượng hàng của tháng 3 đến từ các cảng Viễn Đông của Nga.
Tuần trước, Ủy ban Châu Âu đề xuất cấm nhập khẩu than đá từ Nga trong vòng trừng phạt mới.
Ông Vivek Dhar, Giám đốc nghiên cứu hàng hóa năng lượng và khai thác tại Ngân hàng Khối thịnh vượng chung Australia (CBA), cho biết: “Thị trường nghi ngờ rằng Ấn Độ và Trung Quốc có thể tăng cường nhập khẩu than từ Nga, bù đắp phần nào tác động của lệnh cấm nhập khẩu của EU”.
Tuần trước, Ấn Độ tuyên bố có kế hoạch tăng gấp đôi lượng nhập khẩu than từ Nga để sản xuất thép.
Rystad Energy nhận định: “Lệnh cấm nhập khẩu than của EU xuất hiện đúng vào lúc thị trường đang căng thẳng. Nhu cầu về than tăng cao ở Châu Á khi các quốc gia giảm nhập khẩu khí thiên nhiên đắt đỏ đã khiến giá than tăng vọt trong năm qua”.
Bất chấp những cảnh báo từ phương Tây, chuỗi cung ứng Ấn Độ tiếp tục ngả về Nga đối với các nguồn tài nguyên thiên nhiên như dầu và than đá.
Tình trạng thiếu than của Ấn Độ sẽ giảm bớt phần nào sau khi đất nước tỷ dân này ký với Australia thỏa thuận thương mại khổng lồ vào ngày 2/4. Hơn 85% hàng hóa của Australia xuất khẩu sang Ấn Độ được dỡ bỏ thuế quan. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, Australia sẽ không có đủ than để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của Ấn Độ.
Theo báo cáo về triển vọng năng lượng Ấn Độ năm 2021 của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), than đá đóng góp vào khoảng 70% sản lượng điện của Ấn Độ. Đất nước này là nhà tiêu thụ và nhập khẩu than lớn thứ hai trên thế giới, chỉ sau Trung Quốc.
Nga là nước sản xuất than lớn thứ 6 trên thế giới. Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, trong năm 2020, 54% lượng than xuất khẩu của quốc gia này là đến Châu Á, trong khi khoảng 31% xuất sang các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế châu Âu (OECD).
Mặc kệ “phát súng cảnh cáo” từ Mỹ
Trước khi cuộc xung đột Ukraine diễn ra, Ấn Độ mua rất ít than từ Nga, chỉ chiếm khoảng 2% tổng lượng nhập khẩu vào năm 2021.
Bộ trưởng Bộ Thép Ấn Độ Ramchandra Prasad Singh phát biểu trong một hội nghị tại New Delhi: “Chúng tôi đang đi theo hướng nhập khẩu than cốc từ Nga”. Ông cho biết nước này đã nhập khẩu 4,5 triệu tấn than cốc từ Nga, nhưng không rõ là trong khoảng thời gian nào.
Ông Samir N. Kapadia, người đứng đầu bộ phận thương mại của công ty tư vấn quan hệ chính phủ Vogel Group, cho biết: “Bất chấp những cảnh báo từ phương Tây, Ấn Độ tiếp tục dựa vào mối quan hệ chuỗi cung ứng của họ với Nga đối với các nguồn tài nguyên thiên nhiên như dầu và than đá.
Ông Kapadia cho biết Ấn Độ sẽ dựa vào một thỏa thuận hoán đổi tiền tệ "để vượt qua một số thách thức về tài chính trên thị trường". Cơ chế trên sẽ cho phép Ấn Độ mua năng lượng và các hàng hóa khác từ Nga ngay cả khi các lệnh trừng phạt của Phương Tây gây khó khăn cho thanh toán quốc tế.
Ông nói với CNBC: “Tôi không nghĩ rằng Nga và Ấn Độ có thể giải quyết các vấn đề liên quan đến logistics, nhưng cơ chế hoán đổi tiền tệ rupee-rúp sẽ có ích”. Mỹ có thể xem xét các biện pháp trừng phạt nếu Ấn Độ không cắt giảm việc mua dầu và than từ Nga.
“Nhà Trắng đã bắn hai ‘phát súng cảnh cáo’, gây áp lực buộc Ấn Độ phải đứng về ‘mặt đúng của lịch sử’ và không về phe Nga. Nếu Ấn Độ vẫn tiếp tục quan hệ với Nga, có thể Mỹ không cảnh cáo nữa mà trừng phạt thẳng tay”, ông Samir N. Kapadia nói.
Ngày càng phụ thuộc vào than
Theo ông Vitek Dhar của Ngân hàng CBA, sự phụ thuộc vào than cốc nhập khẩu của Ấn Độ đã tăng lên khoảng 85%. Ông cho biết: “Australia sẽ không có khả năng cung cấp cho Ấn Độ lượng than cốc cần thiết cho hoạt động sản xuất thép vì tăng trưởng nguồn cung hạn chế”.
Cuối năm ngoái, Ấn Độ bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu than do nhu cầu về điện tăng vọt.
Theo ông Dhar, cách duy nhất để giải quyết tình trạng thiếu năng lượng là tranh giành thị phần xuất khẩu than cốc của Australia với các quốc gia khác. Tuy nhiên, khả năng này khó xảy ra khi nhiều nước đang xem xét từ bỏ than đá của Nga
“Do Hàn Quốc, Nhật Bản và Châu Âu đang tìm cách đa dạng hóa khỏi Nga (chiếm khoảng 10% tổng lượng xuất khẩu than cốc toàn cầu), nhu cầu đối với than cốc từ Australia của các khách hàng lớn khó mà giảm trong tương lai gần”, ông Dhar nói.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/