|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Đòn trừng phạt tới tấp vào Nga buộc Trung Quốc phải đánh giá lại sức mạnh tài chính của phương Tây

06:36 | 20/04/2022
Chia sẻ
Mỹ và các đồng minh đã phô bày sức mạnh tài chính đáng nể với cách lệnh trừng phạt nhắm vào Nga. Việc này có thể khiến Bắc Kinh lo ngại và đẩy nhanh nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào USD và hệ thống tài chính phương Tây.

(Hình minh họa: Foreign Policy). 

Động lực của Trung Quốc

Các lệnh trừng phạt mà phương Tây áp đặt lên Nga sau cuộc tấn công vào Ukraine có vẻ như sẽ đẩy nhanh quá trình chia tách giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Bắc Kinh có thể sẽ chớp thời cơ nhằm làm tăng sức hấp dẫn toàn cầu của đồng nội tệ và hạ tầng tài chính của Trung Quốc.

Bằng cách đóng băng gần một nửa kho dự trữ vàng và ngoại tệ trị giá 630 tỷ USD của Nga, Washington đã cho thế giới thấy phương Tây vẫn nắm trong tay sức mạnh tài chính đáng nể. 

Mỹ và các cường quốc phương Tây cũng cấm hầu hết ngân hàng của Nga khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT và chặn khả năng tiếp cận tới các ngân hàng đại diện của Nga tại Mỹ, theo Foreign Policy.

Những hình phạt như vậy sẽ càng đẩy nhanh sự phân nhánh của hệ thống kinh tế và tài chính toàn cầu — một quá trình mà công ty dự báo chính trị và vĩ mô Enodo Economics gọi là “cuộc tách rời vĩ đại”. Tự chủ tài chính sẽ là đặc điểm quan trọng của trật tự mới đang hình thành.

Trung Quốc không phải là nước duy nhất bày tỏ lo ngại về các lệnh trừng phạt. Bất kỳ nước nào bất an trước màn phô trương sức mạnh tài chính của phương Tây cũng có thể sẽ phòng vệ để bớt phụ thuộc vào đồng USD, bằng cách sử dụng các lựa chọn thay thế của Nga và Trung Quốc.

Nga đã tự thành lập hệ thống riêng tên gọi SPFS để thay thế SWIFT. Hệ thống thanh toán thẻ của nước này – Mir – bắt đầu vận hành vào năm 2015. Nhưng tỷ trọng của Nga trong kinh tế toàn cầu lại tương đối nhỏ.

 

Do vậy các nước không muốn lệ thuộc vào phương Tây và USD chỉ có một lựa chọn thực tế: Trung Quốc và đồng nhân dân tệ. Arab Saudi đã bắt đầu xem xét nhận thanh toán cho dầu mỏ bằng đồng nhân dân tệ.

Nếu Trung Quốc có thể làm cho hệ thống tài chính và thanh toán xuyên biên giới của mình hấp dẫn hơn và nếu đồng nhân dân tệ phát triển về tầm vóc, thì quyền bá chủ của đồng bạc xanh có thể bị suy giảm theo thời gian.

Nhưng Trung Quốc sẽ phải hành động cẩn thận và đảm bảo các ngân hàng của mình không vi phạm lệnh trừng phạt phương Tây. Với 75% giao dịch hàng hóa của Trung Quốc vẫn được thanh toán bằng USD, việc bị cấm tham gia hệ thống thanh toán bù trừ bằng USD và SWIFT sẽ gây ra hậu quả khôn lường cho cả các ngân hàng Trung Quốc và kinh tế toàn cầu.

Trung Quốc có thể làm gì?

Một trong những động thái mà Trung Quốc có thể thực hiện là đẩy nhanh việc phát triển và phổ cập toàn cầu của Hệ thống Thanh toán Liên ngân hàng Xuyên biên giới (CIPS) cho các giao dịch bằng đồng nhân dân tệ.

Ngân hàng trung ương Trung Quốc triển khai CIPS vào năm 2015 để giảm nhu cầu của nước này đối với USD và các ngân hàng Mỹ. Đến cuối tháng 3, CIPS có 76 thành viên trực tiếp. Tuy vẫn còn nhỏ bé khi so với SWIFT, CIPS rất có thể sẽ nhận được cú huých bởi các biện pháp trừng phạt Nga của phương Tây.

Đồng nhân dân tệ kỹ thuật số cũng có vai trò quan trọng trong việc tăng cường sức hấp dẫn cho đồng tiền tệ của Trung Quốc. Nhân dân tệ kỹ thuật số có khả năng giúp thanh toán xuyên biên giới trở nên rẻ và hiệu quả hơn. Hiện nay, các khoản thanh toán xuyên biên giới vẫn có thể phải mất nhiều ngày để giải quyết và chi phí lớn gấp 10 lần so với thanh toán trong nước.

Trung Quốc bắt đầu dồn sức quốc tế hóa đồng nhân dân tệ để phản ứng với cú sốc của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Việc sử dụng đồng nhân dân tệ trong thương mại xuyên biên giới tăng lên, các ngân hàng trung ương bắt đầu giữ đồng tiền này trong kho dự trữ. Rốt cuộc, nhân dân tệ cũng được thêm vào “rổ tiền tệ” tạo nên tài sản dự trữ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế: quyền rút vốn đặc biệt.

Ban đầu, việc quốc tế hóa đồng nhân dân tệ có vẻ đạt được kết quả, dù diễn ra chậm chạp. Tuy nhiên, quá trình này đạt đỉnh vào năm 2015 khi ngân hàng trung ương Trung Quốc thay đổi cơ chế điều chỉnh tỷ giá hàng ngày của nhân dân tệ với USD. Mức giảm gần 3% trong hai ngày khiến thị trường hoảng hồn về cuộc phá giá.

Khi quá trình quốc tế hóa nhân dân tệ bắt đầu đảo ngược, Trung Quốc nhận ra rằng thành tựu trước đó được thúc đẩy bởi suy nghĩ của người ngoại quốc rằng đồng tiền này sẽ tăng giá. Trung Quốc buộc phải đánh giá lại.

Bắc Kinh cần cho người nước ngoài lý do tốt hơn để nắm giữ đồng nhân dân tệ thay vì chỉ dựa vào việc đồng tiền này sẽ tiếp tục tăng giá. Năm 2018, Trung Quốc bắt đầu củng cố thị trường vốn trong nước và mở cửa cho nhà đầu tư nước ngoài.

Được thúc đẩy bởi các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga, Bắc Kinh nhiều khả năng sẽ đẩy mạnh việc sử dụng đồng nhân dân tệ trên thị trường quốc tế.

Trong ngắn hạn, nhiệm vụ này sẽ không hề dễ dàng. Cuộc phiêu lưu quân sự của ông Putin đã kích hoạt một cuộc khủng hoảng đúng lúc Trung Quốc chật vật để giữ nền kinh tế ổn định trong làn sóng COVID, lệnh phong tỏa quy mô lớn và tăng trưởng chững lại.

Trong dài hạn, Mỹ có nhiều cơ hội để đối phó với Trung Quốc bằng cách xây dựng phạm vi ảnh hưởng bền vững, phù hợp với các giá trị của thị trường tự do.

Giống như đại dịch COVID-19, chiến sự Nga-Ukraine sẽ khoét sâu rạn nứt giữa các nền kinh tế do Mỹ và Trung Quốc dẫn đầu. Do vậy dù kết quả cuộc chiến ra sao, nền kinh tế toàn cầu cũng sẽ đối mặt với sự thay đổi lớn.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Giang

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.