|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 4,8% trong quý I nhưng giảm tốc rõ rệt từ tháng 3

11:52 | 18/04/2022
Chia sẻ
Chuyên gia nhận định con số tăng trưởng 4,8% trong quý I của Trung Quốc chủ yếu nhờ vào hoạt động kinh tế mạnh mẽ trong tháng 1 và 2, còn từ tháng 3 kinh tế đã giảm sút.

Việc phong tỏa Thâm Quyến và Thượng Hải trong tháng 3 đã gây ảnh hưởng tiêu cực lên nền kinh tế Trung Quốc. (Ảnh minh họa: Getty Images).

Hôm 18/4, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) thông báo nền kinh tế nước này đã vượt kỳ vọng để tăng trưởng 4,8% trong quý I/2022 so với cùng kỳ năm trước. Trước đó, khảo sát trung vị các nhà phân tích của Bloomberg dự đoán nền kinh tế thứ hai thế giới sẽ tăng trưởng 4,3% trong ba tháng đầu năm, cao hơn tốc độ 4% của quý IV năm ngoái.  

Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm 2022 “vào khoảng 5,5%”. Ông Fu Linghui, người phát ngôn của NBS, nhấn mạnh: “Chúng ta phải nhận thức rõ rằng trong một môi trường quốc tế và nội địa ngày càng phức tạp và bất ổn, nền kinh tế đang đối mặt với những khó khăn và thách thức đáng kể”.

 

Theo các số liệu khác do NBS công bố cùng ngày, sản lượng công nghiệp – thước đo hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, khai thác mỏ và chế tạo điện, đã tăng 5% trong tháng 3 so với một năm trước. Tuy vẫn đi lên nhưng con số này rõ ràng thấp hơn mức tăng trưởng 7,5% của số liệu kết hợp giữa tháng 1 và tháng 2. Khảo sát của Bloomberg dự đoán sản lượng công nghiệp tăng trưởng 4% trong tháng 3.

Doanh số bán lẻ sụt 3,5% trong tháng 3, thấp hơn hẳn tốc độ tăng trưởng 6,8% của số liệu gộp giữa tháng 1 và tháng 2. Các nhà phân tích do Bloomberg khảo sát thì dự báo doanh số bán lẻ chỉ giảm 3%.

 

Đầu tư tài sản cố định – thước đo chi tiêu dành cho các hạng mục bao gồm cơ sở hạ tầng, bất động sản, máy móc và thiết bị - tăng 9,3% trong ba tháng đầu năm so với một năm trước đó. Mức tăng này lớn hơn dự báo 8,4% của Bloomberg.

Tỷ lệ thất nghiệp, không tính đến hàng chục triệu lao động nhập cư ở Trung Quốc, tăng từ 5,5% trong tháng 2 lên 5,8% vào tháng 3. Trong khi đó, mục tiêu tỷ lệ thất nghiệp tại thành thị năm nay được giới hạn ở mức “5,5% trở xuống”, cao hơn con số 5,1% được báo cáo năm ngoái. Tỷ lệ thất nghiệp cho người từ độ tuổi 16 đến 24 tăng lên 16% trong tháng 3, cao hơn số liệu gộp cho tháng 1 và tháng 2 là 15,3%.

Bắc Kinh cũng đặt mục tiêu tạo ra hơn 11 triệu việc làm thành thị trong năm 2022, sau khi bổ sung được 12,69 triệu việc làm năm ngoái. Trong ba tháng đầu năm, Trung Quốc cho biết đã tạo ra 2,85 triệu việc làm thành thị mới, theo South China Morning Post (SCMP). 

Ông Zhang Zhiwei, nhà kinh tế trưởng tại công ty quản lý tài sản Pinpoint Asset Management nhận xét: “GDP quý I tăng trưởng mạnh mẽ. Nhưng kinh tế Trung Quốc đã giảm tốc rõ rệt trong tháng 3 do bùng phát COVID-19 ở nhiều thành phố. Tiêu dùng hứng đòn đau với tăng trưởng doanh số bán lẻ chuyển thành âm”.

 

World Bank đã hạ dự báo tăng trưởng của Trung Quốc toàn năm 2022 từ 5,4% xuống 5%. Tuần trước, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã kêu gọi các quan chức “đánh giá thêm tính cấp bách” khi thực thi các chính sách hỗ trợ kinh tế hiện hành, chỉ vài ngày sau khi ông cảnh báo các lực cản và bất ổn đối với nền kinh tế đang gia tăng. Hôm 15/4, ngân hàng trung ương Trung Quốc đã cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc để giúp củng cố nền kinh tế đang giảm tốc.

Ông Tommy Wu, nhà kinh tế phụ trách khu vực Trung Quốc tại Oxford Economics cho biết: “Tăng trưởng GDP 4,8% của Trung Quốc trong quý I/2022 đánh bại kỳ vọng của chúng tôi. Chúng tôi cho rằng con số này chủ yếu phản ánh tăng trưởng trong dữ liệu tháng 1-tháng 2, tức là trước khi hoạt động kinh tế suy yếu vào tháng 3”.

“Dữ liệu tháng 3 ngầm cho thấy kinh tế Trung Quốc đã chậm lại khi Thâm Quyến và Thượng Hải bị phong tỏa cũng như các lệnh hạn chế di chuyển được áp dụng tại nhiều khu vực khác ở Trung Quốc. Tiêu dùng hộ gia đình bị ảnh hưởng đặc biệt lớn”, ông Wu bày tỏ.

“Chúng tôi kỳ vọng Trung Quốc sẽ công bố các chính sách vĩ mô mạnh mẽ hơn trong quý II để thúc đẩy tăng trưởng. Nhưng tác động của chúng sẽ bị hạn chế bởi các biện pháp chống dịch. Mức độ hiệu quả của kích thích sẽ phụ thuộc vào việc liệu Bắc Kinh có nới lỏng Zero COVID hay không. Nhìn chung, triển vọng kinh tế nghiêng về hướng suy giảm”.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Giang

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.