|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Nhà đầu tư quốc tế tháo chạy khỏi Trung Quốc do lo sợ rủi ro đè bẹp lợi nhuận

10:56 | 18/04/2022
Chia sẻ
Dòng vốn tháo chạy khỏi Trung Quốc đang ngày càng gia tăng khi nhà đầu tư mất lòng tin vào thị trường tỷ dân này. Các lệnh trừng phạt vào Nga cũng làm dấy lên lo ngại rằng Trung Quốc sẽ chịu số phận tương tự do tình bạn giữa ông Tập và Tổng thống Putin.

Các chính sách của chính quyền ông Tập khiến nhà đầu tư lo lắng. (Đồ họa: TFI Global). 

Rủi ro chồng chất

Theo nhận định của Bloomberg, các rủi ro ngày càng gia tăng tại Trung Quốc có khả năng biến thị trường này thành một vũng lầy với các nhà đầu tư quốc tế. Giới đầu tư đang đặc biệt thắc mắc rằng chuyện gì có thể xảy ra trong một đất nước sẵn sàng làm mạnh tay để đạt được mục tiêu của các nhà lãnh đạo tối cao.

Chưa kể, tình bạn của Chủ tịch Tập Cận Bình với Tổng thống Vladimir Putin càng khiến nhà đầu tư mất lòng tin vào Trung Quốc, trong khi đó chính phủ lại ngày càng quyết liệt khi theo đuổi chiến lược  “Zero COVID” và thực hiện các chiến dịch khó lường nhằm điều chỉnh toàn bộ khu vực kinh tế tư nhân.

Kết quả là, một số nhà đầu tư ngoại nhận thấy việc phân bổ tài sản vào Trung Quốc có vẻ không ổn. Dòng tiền tháo chạy khỏi chứng khoán, trái phiếu và quỹ tương hỗ của Trung Quốc đã tăng tốc sau khi Nga tấn công Ukraine. Các quỹ đầu tư tư nhân bằng đồng bạc xanh vào Trung Quốc chỉ huy động được 1,4 tỷ USD trong quý I – con số thấp nhất kể từ năm 2018 trong cùng giai đoạn.

Ông Simon Edelsten, Giám đốc đầu tư toàn cầu tại Artemis Investment Management, cho biết quy mô và tốc độ các đòn trừng phạt giáng vào Nga đã buộc giới đầu tư nghĩ lại về thái độ của phương Tây với Trung Quốc.

Nhóm của ông Edelsten đã bán toàn bộ khoản đầu tư vào Trung Quốc từ năm ngoái, sau khi Bắc Kinh can thiệp vào các cuộc IPO lớn như của Didi Global và Ant Group. Ông lo ngại quyền lợi của cổ đông bị đe dọa. Giọng điệu ngày càng cứng rắn của Trung Quốc về Hong Kong và tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông cũng là yếu tố gây bất an.

Ông Edelsten nhận định: “Các yếu tố chính trị và quản trị đang khiến nhà đầu tư thận trọng, đặc biệt là với việc cam kết rót vốn lâu dài tại Trung Quốc”. Ông nói thêm rằng các hình phạt mà châu Âu giáng vào Nga cho thấy quan hệ thương mại mạnh mẽ với Trung Quốc không thể đảm bảo an ninh ngoại giao cho khối này.

“Chiến sự Nga - Ukraine khiến các rủi ro trên tăng vọt và các quỹ đầu tư của Artemis nhiều khả năng sẽ phân bổ tỷ trọng tài sản rất ít sang Trung Quốc trong vài năm tới”, ông nói.

 

Ông Brendan Ahern, Giám đốc đầu tư tại Krane Funds Advisors, đã mô tả hiện tượng nhà đầu tư quốc tế “bán ra bừa bãi và không phụ thuộc vào giá” cổ phiếu Trung Quốc trong năm vừa rồi.

Ông cho biết các động thái quản lý của Bắc Kinh “giống như một cuộc tấn công vào các công ty được chú ý nhất và nắm giữ nhiều nhất bởi nhà đầu tư ngoại”. Trong khi đó, các lệnh trừng phạt nhắm vào Nga làm dấy lên lo ngại Trung Quốc cũng có thể chịu chung số phận. Công ty của ông Ahern đang thay thế các cổ phiếu Trung Quốc niêm yết tại Mỹ bằng cổ phiếu yết ở Hong Kong để giảm rủi ro.

Mỏi mắt tìm lợi nhuận 

Kiếm tiền trên thị trường chứng khoán Trung Quốc cũng khó khăn hơn trước. Tính từ đầu năm, chỉ số CSI 300 đã mất 15% và lợi nhuận sau khi điều chỉnh rủi ro – đo lường bằng hệ số Sharpe – nằm trong nhóm thấp nhất trên thế giới: -2,1. Chỉ số CSI 300 cũng đang ở mức thấp nhất kể từ năm 2014 khi so sánh tương quan với thước đo chứng khoán toàn cầu của MSCI.

Lần đầu tiên kể từ năm 2010, trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của Trung Quốc không trả lợi suất cao hơn so với trái phiếu Kho bạc Mỹ cùng kỳ hạn. Và lợi nhuận từ thị trường tín dụng lợi suất cao của Trung Quốc đã rơi xuống mức thấp nhất trong ít nhất một thập kỷ vào tháng trước.

Các quỹ đầu tư toàn cầu đã bắt đầu rút chân, bán hơn 7 tỷ USD cổ phiếu Trung Quốc đại lục thông qua các sàn giao dịch liên kết với Hong Kong vào tháng 3. Họ cũng chuyển nhượng 14 tỷ USD nợ chính phủ Trung Quốc trong hai tháng qua và giảm bớt sở hữu tín dụng. Đặt cược chống lại Trung Quốc là vị thế được nhà đầu tư theo đuổi nhiều thứ 5 trong khảo sát gần đây của Bank of America.

Ông Stephen Innes, đối tác tại SPI Asset Management nói với Bloomberg: “Thị trường quan ngại về mối quan hệ giữa Trung Quốc với Nga – mối liên kết này khiến nhà đầu tư sợ hãi và bạn có thể thấy tâm lý ngại rủi ro đã dần hiện hữu kể từ khi chiến sự mới bắt đầu. Mọi người đều bán ra trái phiếu Trung Quốc, nên chúng tôi mừng là mình đã không mua thêm”.

 

Giới chức trách Trung Quốc dường như đang cố trấn an các quỹ toàn cầu. Tháng trước, các cơ quan quản lý đã hứa hẹn sẽ đảm bảo chính sách trở nên minh bạch và dễ dự đoán hơn. Trung Quốc cũng đang thỏa hiệp, có thể cho phép các cơ quan quản lý Mỹ tiếp cận có giới hạn báo cáo kiểm toán của các công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ.

Dù vậy, một số công ty đang thoái vốn khỏi các dự án kinh doanh ở Trung Quốc. Hồi tháng 3, công ty Fraport của Đức bán cổ phần trong Sân bay Tây An cho một nhà đầu tư Trung Quốc, chấm dứt 14 năm hoạt động tại nước này.

Số khác thì đang chuẩn bị cho việc Trung Quốc tách rời với phương Tây. Tuần trước, Reuters đưa tin Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) có thể rút khỏi hoạt động ở Anh, Mỹ và Canada do lo ngại tài sản trở thành mục tiêu bị trừng phạt.

Trong bối cảnh rủi ro gia tăng còn lợi nhuận suy giảm, đầu tư vào Trung Quốc có thể không còn là toan tính đơn giản với nhà đầu tư toàn cầu. Tuần trước, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen đã yêu cầu Trung Quốc giải thích quan hệ thân thiết với Nga.

Bà cảnh báo: “Thái độ của thế giới với Trung Quốc và mong muốn hợp tác kinh tế hơn nữa với nước này rất có thể sẽ bị ảnh hưởng bởi cách Trung Quốc phản ứng trước lời kêu gọi hành động kiên quyết với Nga mà chúng tôi gửi đến họ".

Giang