|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Mỹ tăng cường viện trợ cho Ukraine nhưng vẫn chưa đủ: Cựu Tư lệnh NATO gợi ý thiết lập cầu không vận

22:23 | 19/04/2022
Chia sẻ
Lô hàng viện trợ mới nhất bao gồm lựu pháo, trực thăng và xe bọc thép của Mỹ đã và đang được chuyển tới Ukraine. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia quân sự, Mỹ cần phải đưa vũ khí và nhu yếu phẩm tới tiền tuyến, cụ thể là bằng cầu không vận.

Lựu pháo tới Ukraine

Theo thông tin từ Lầu Năm Góc, các chuyến hàng đầu tiên trong đợt hỗ trợ quân sự mới nhất của Mỹ, bao gồm vũ khí hạng nặng đã tới Ukraine vào cuối tuần qua.

Gói hỗ trợ quân sự trị giá 800 triệu USD bao gồm hệ thống lựu pháo, 40.000 viên đạn pháo, xe bọc thép chở quân và các loại vũ khí khác.

Vào ngày 18/4, một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ cho biết, 4 chuyến bay đã chuyển lô hàng viện trợ tới Ukraine và lô thứ 5 dự kiến sẽ tới trong 24 giờ tiếp theo. Quan chức này không tiết lộ loại vũ khí trong gói viện trợ được chuyển tới trước.

Người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby cho biết Bộ Quốc phòng đang có kế hoạch đào tạo các huấn luyện viên người Ukraine cách sử dụng lựu pháo Mỹ ở ngoài lãnh thổ Ukraine. Sau đó những huấn luyện viên này sẽ trở lại Ukraine để đào tạo binh sĩ của quốc gia mình.

Theo ông Kirby, khóa đào tạo sẽ không tốn nhiều thời gian bởi phía Ukraine đã biết cách sử dụng pháo và chỉ cần làm quen với hệ thống của Mỹ. Quân đội Ukraine sử dụng hệ thống pháo cỡ nòng 152 mm trong khi Mỹ viện trợ hệ thống pháo cỡ nòng 155 mm.

Mỹ hiện có hai hệ thống lựu pháo cỡ nòng 155 mm là M777 và M198, tuy nhiên các quan chức không cung cấp thông tin về loại lựu pháo được gửi tới Ukraine.

 Hệ thống lựu pháo trọng lượng nhẹ M777 cỡ nòng 155 mm thuộc quân đội Mỹ. (Ảnh: Lục quân Mỹ).

Trước đó, Mỹ đã từng đào tạo lực lượng Ukraine cách sử dụng máy bay không người lái Switchblade.

Nga đã chuyển trọng tâm giao tranh sang vùng Donbass sau khi thất bại trong việc chiếm thủ đô Kiev. Lầu Năm Góc đánh giá rằng phía Moscow đang tiến hành “hoạt động chuẩn bị”, bao gồm “chuẩn bị các điều kiện cho các cuộc tấn công trên bộ quyết liệt, công khai và quy mô hơn”.

Cuộc chiến sắp tới ở miền Đông sẽ dựa nhiều vào phương tiện bọc thép và các hệ thống pháo hơn so với miền Bắc do địa hình phía Đông Nam Ukraine bằng phẳng và rộng lớn.

Người phát ngôn Kirby nói: “Lựu pháo là món viện trợ mà người Ukraine yêu cầu bởi cuộc giao tranh mà họ dự đoán sẽ xảy ra ở Donbass”.

“Và chúng tôi biết rằng người Nga cũng tin vào điều tương tự bởi họ đã chuyển các hệ thống pháo vào vùng Donbass”.

Gói viện trợ mới nhất của Mỹ tới Ukraine cũng bao gồm máy bay không người lái Switchblade, tên lửa chống tăng Javelin, xe bọc thép và cả trực thăng Mi-17. 

Viện trợ liệu có đủ?

Từ đầu cuộc chiến, Mỹ đã viện trợ cho Ukraine khoảng 4.500 tấn vũ khí và trang thiết bị các loại.  

Tuy nhiên, theo Trung tướng nghỉ hưu Ben Hodges, cựu chỉ huy Lục quân Mỹ ở Châu Âu: “Vẫn có cảm giác như Mỹ vẫn chưa dốc toàn lực để [giúp Ukraine] giành chiến thắng”. Ông cho rằng những sự hỗ trợ của Mỹ dành cho Ukraine vẫn còn quá dè dặt.

“Chúng ta đã phóng đại khả năng xảy ra Thế chiến III tới mức đưa ra quyết định dựa trên nỗi sợ hãi quá mức”, ông Hodges nói với đài CBS News.

Trung tướng Hodges cho rằng Nga chuyển sang chiến thuật phá hủy hoàn toàn thành phố là bởi muốn ép Ukraine đi vào bàn đàm phán.

Binh sĩ Mỹ vác đạn pháo cỡ nòng 155 mm trong cuộc tập trận vào tháng 3/2022. (Ảnh: Ryan Ramsammy/Thủy quân lục chiến Mỹ).

Tuần trước, Nga cảnh báo viện trợ vũ khí của Mỹ có thể mang lại những kết quả không lường trước được. Lời cảnh báo này không ngăn được chính quyền Tổng thống Biden hỗ trợ cho Ukraine 18 khẩu lựu pháo và 40.000 viên đạn pháo.

Tuy nhiên, Đại tá Lục quân về hưu Richard Hooker cho biết, 40.000 viên đạn pháo được Mỹ viện trợ có thể giúp Ukraine trụ được trong vòng “vài tuần chứ không đến hàng tháng”.

Ông Hooker nói “Hệ thống lựu pháo sẽ giúp ích, tuy nhiên không phải là thứ thay đổi cục diện chiến trường”.

Đại tướng Philip Breedlove, cựu Tư lệnh của lực lượng Mỹ và NATO tại Châu Âu nói: “Tôi từng nghĩ rằng với những hành động của Nga tại Ukraine, Phương Tây sẽ can thiệp. Tuy nhiên, rõ ràng là Phương Tây đã quyết định sẽ không trực tiếp tham gia”.

Khi được phóng viên hỏi liệu khoản viện trợ trị giá 2,5 tỷ USD của chính quyền Biden có đủ cho quân đội Ukraine hay không, ông Breedlove nói: “Tôi không nghĩ rằng số tiền hay khối lượng vũ khí viện trợ là một thước đo xứng đáng”.

“Thước đo xứng đáng thật sự là, khi nào những vũ khí này mới nằm trong tay lực lượng Ukraine để giúp họ cản bước tiến của Quân đội Nga. Đó là điều sẽ kết thúc chiến tranh”.

Cầu không vận

Tướng Breedlove nói rằng viện trợ của Phương Tây đã thất bại trong việc cứu thành phố Mariupol khỏi chiến thuật bao vây của Nga.

“Lực lượng Mariupol đã đầu hàng bởi không có đủ những thứ cơ bản như thức ăn và đạn dược. Mỹ cần đảm bảo những nhu yếu phẩm được chuyển tới tiền tuyến”.

Đại tướng Breedlove đưa ra cách vận chuyển nhu yếu phẩm và thiết bị tới tiền tuyến: “Mỹ đã từng đưa hàng hóa tới tiền tuyến trong quá khứ”. Ông đang nhắc tới cuộc Không vận Berlin năm 1948.

Một nhóm trẻ em Đức vẫy chào chiếc máy bay chở hàng của Mỹ khi nó bay qua khu vực Tây Berlin. (Ảnh: Bettmann Archive/Getty Images).

Vào năm 1948, nhà lãnh đạo Liên xô Josef Stalin đã tiến hành phong tỏa toàn thành phố Berlin. Liên Xô đã chặn tất cả các lối vào đường sắt, đường bộ và kênh đào tới các khu vực phía tây của Berlin. Đột nhiên, khoảng 2,5 triệu thường dân không thể tiếp cận thực phẩm, thuốc men, nhiên liệu, điện và các hàng hóa cơ bản khác.

Để hỗ trợ thành phố, Mỹ và các đồng minh đã mở ra một chiến dịch vận tải khổng lồ bằng máy bay có tên gọi Không vận Berlin.

Trong trường hợp các chuyến bay tiếp tế của Mỹ vào không phận Ukraine, chúng sẽ trở thành mục tiêu hợp lệ để máy bay Nga tấn công. Tuy nhiên ông Breedlove cho rằng tại cuộc Không vận Berlin, Mỹ cũng đã từng “chấp nhận rủi ro” tương tự.

“Tôi tin rằng chúng ta đang tích lũy rủi ro ngay bây giờ bằng cách không làm gì cả,” ông Breedlove nói. "Tôi không tin rằng có một lối thoát mà không có rủi ro nào cho cuộc xung đột này. Chúng ta cần người Ukraine để giành chiến thắng."

Minh Quang

[LIVE] ĐHĐCĐ Khang Điền: Mở bán khu thấp tầng dự án liên doanh với Keppel Land từ cuối năm 2024, kinh doanh giai đoạn 1 KCN Lê Minh Xuân vào năm 2025
Theo kế hoạch năm nay, Khang Điền sẽ mở bán các sản phẩm nhà phố, biệt thự ở TP Thủ Đức và chuẩn bị đưa vào kinh doanh khu công nghiệp khi điều kiện thuận lợi.