|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Những uẩn khúc đằng sau con số thương vong mà Nga và Ukraine công bố

12:09 | 19/04/2022
Chia sẻ
Nga và Ukraine đưa ra con số thương vong khác hẳn nhau, với mức độ sai lệch lên tới hàng chục nghìn binh sĩ. Khó khăn trong việc xác định thiệt hại và chủ động làm sai lệnh thông tin là những lý do khiến công chúng không biết đâu là số đúng.

Nga tố Ukraine giấu số thương vong

Theo trang tin RT, vào ngày 16/4, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố Ukraine đã chịu “thiệt hại không thể thay thế” 23.367 binh sĩ kể từ khi chiến dịch quân sự đặc biệt bắt đầu.

Con số thương vong được người phát ngôn Bộ Quốc phòng, Thiếu tướng Igor Konashenkov tiết lộ. Ông Konashenkov cũng cho biết thêm rằng chỉ riêng tại thành phố Mariupol, Ukraine đã mất hơn 4.000 binh sĩ, bao gồm cả “lính đánh thuê nước ngoài” và lực lượng “phát xít” thuộc Tiểu đoàn Azov và Aidar.

Vào ngày 16/4, Nga tuyên bố đã hoàn toàn kiểm soát thành phố Mariupol ngoại trừ nhà máy luyện kim Azovstal

Thiếu tướng Konashenkov cáo buộc Tổng thống Volodymyr Zelensky đang giấu diếm mức độ thương vong thật sự. Ông Konashenkov cho rằng Tổng thống Zelensky “sợ nói với người dân Ukraine” con số binh sĩ đã hy sinh.

Thiếu tướng Konashenkov giải thích rằng Nga đã thu thập được tài liệu chứng minh con số nêu trên, và sẽ sớm công bố thông tin chi tiết.

Trong một cuộc phỏng vấn vào ngày 15/4 với CNN, Tổng thống Zelensky tuyên bố Ukraine thiệt hại từ 2.500 đến 3.000 binh sĩ trên toàn lãnh thổ. Ông Zelensky cũng khẳng định Nga đã thiệt hại khoảng 20.000 binh sĩ. 

Moscow gay gắt phủ nhận tuyên bố của ông Zelensky. Theo như con số được Chính phủ Nga công bố vào cuối tháng 3/2022, Nga có 1.351 binh sĩ đã hy sinh.

Mỗi bên một con số 

Trong tuyên bố đầu tiên về số thương vong trong chiến dịch tại Ukraine vào ngày 2/3, Điện Kremlin cho biết đã có 498 binh sĩ thiệt mạng và 1.597 người bị thương.

Đến ngày 21/3, tờ báo Komsomolskaya Pravda của Nga đưa ra con số 9.861 binh sĩ thiệt mạng và 16.153 người bị thương, nhưng sau đó bài báo đăng nhanh chóng bị xóa. Tờ báo cho biết con số là không chính xác và là kết quả của một vụ tấn công mạng.

Chỉ vài ngày sau, Điện Kremlin đưa ra con số cập nhật, với 1.351 binh sĩ mạng và 3.825 người bị thương.

Trong khi đó, vào 24/3, quan chức NATO ước tính có khoảng từ 7.000 đến 15.000 binh sĩ Nga hy sinh, trong khi quan chức Ukraine gợi ý con số thương vong là 15.000 binh sĩ.

Việc các bên đưa ra con số thương vong khác nhau không có gì lạ trong chiến tranh. Luôn có nhiều tranh luận trong và sau một cuộc chiến tranh về số lượng binh lính và dân thường thiệt mạng và bị thương.

Đếm thiếu số người thiệt mạng

Mục tiêu chiến lược của chiến tranh là nhằm tiêu diệt hoặc làm bị thương binh sĩ của đối phương, đồng thời hạn chế ảnh hưởng đến thường dân theo luật pháp quốc tế. Tuy nhiên, thường rất khó để có được con số cập nhật, chính xác thiệt hại về thường dân và quân đội trong chiến tranh. 

Trong trường hợp chiến tranh với những khí vũ khí hạng nặng như bom, pháo hay tên lửa hành trình, việc thi thể bị phá hủy đến mức không thể xác định hoặc bị chôn vùi là hoàn toàn có thể xảy ra.

Nhà máy tên lửa Vizar của Ukraine sau khi bị tên lửa hành trình của Nga tấn công vào tối hôm 15/4. (Ảnh: AFP).

Bom đạn hoặc điều kiện tự nhiên trên chiến trường có thể khiến cho thi thể binh sĩ thiệt mạng không thể được phát hiện, chỉ đến khi các đơn vị kiểm kê quân số mới xác định được mất tích. Tuy nhiên trong chiến tranh, không phải lúc nào những hồ sơ hay dữ liệu về quân nhân cũng có thể được lưu trữ vào bảo quản cẩn thận. Kể cả trong trường hợp quân đội lưu giữ tốt hồ sơ về những người thiệt mạng cũng như bị thương, ước lượng vẫn có độ sai lệch nhất định.

Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc đưa ra các báo cáo thường xuyên về số thường dân thiệt mạng ở Ukraine. Trong tháng đầu tiên của cuộc xung đột, từ ngày 24/2 đến ngày 23/3, 1.035 thường dân đã thiệt mạng và 1.650 người bị thương.

Tuy nhiên Liên hợp quốc lưu ý rằng “con số thật sự cao hơn đáng kể do thông tin từ một số khu vực chiến sự ác liệt đang bị trì hoãn và nhiều báo cáo vẫn đang chờ xác thực”.

Vào cuối tháng 3/2022, Thị trưởng Mariupol cho biết chỉ riêng tại thành phố cảng này đã có gần 5.000 người thiệt mạng. Đến giữa tháng 4, con số thiệt mạng tại Mariupol đã lên tới 21.000, theo ước tính của phía Ukraine.

Phân biệt binh sĩ và thường dân

Trong điều kiện khắc nghiệt của vùng chiến sự, rất khó để đếm số người chết do thi thể không được thu thập kịp hoặc thậm chí là mất tích.

Cũng có nhiều lý do khiến cho số lượng người thiệt mạng không chính xác. Trong một số trường hợp, binh sĩ sẽ được coi là hy sinh mặc dù không thể tìm thấy thi thể. Tuy nhiên, trên thực tế, có thể những binh sĩ này đã đào ngũ, bị bắt hoặc bị thương và đang được chăm sóc tại bệnh viện dã chiến hoặc vẫn đang ở trên chiến trường.

Vấn đề phân biệt giữa dân thường và binh lính cũng là một thách thức. Đôi khi, thường dân sẽ được đếm như binh sĩ thiệt mạng.

Các quốc gia tìm cách trốn tránh trách nhiệm về tội ác chiến tranh, có thể tuyên bố rằng tất cả những người thiệt mạng và bị thương trong một cuộc tấn công nào đó đều là binh lính.

Một trong những vụ việc nổi tiếng nhất xảy ra vào tháng 9/2009 tại Afghanistan khi lực lượng Đức đã yêu cầu một đợt không kích của Mỹ nhằm vào hai xe bồn chở dầu bao quanh bởi những người dân đang cố lấy lại số nhiên liệu đã bị trộm bởi Taliban. 

NATO tuyên bố tất cả hoặc gần như toàn bộ những người thiệt mạng là binh sĩ: “Một số binh lính Taliban đã bị tiêu diệt và thương vong dân sự có khả năng xảy ra”. Các cuộc điều tra sau đó đã xác nhận 91 thường dân thiệt mạng, và những gia đình nạn nhân đã được bồi thường thiệt hại.

Cố ý giấu thương vong

Ngoài lý do không chắc chắn hoặc sai sót trong việc báo cáo thương vong, cũng có những nguyên nhân chiến lược hoặc chính trị để chính phủ đưa ra con số sai lệch. Thiệt hại lớn về nhân lực có thể dẫn đến phong trào phản chiến trong nước gia tăng, sự ủng hộ của nhân dân cho chính phủ và quân đội giảm sút.

Để đảm bảo nhuệ khí của binh sĩ, các quốc gia có động cơ để nói rằng phe ta thiệt hại ít trong khi phe địch thiệt hại nhiều. Có những báo cáo cho rằng quân đội Nga đang gặp vấn đề nghiêm trọng về sĩ khí do tình trạng thiếu nhiên liệu, thực phẩm và sự kháng cự mạnh mẽ của Ukraine.

Số lượng tướng lĩnh hy sinh cũng là một vấn đề lớn với quân đội Nga. Theo thông tin từ TASS, Thiếu tướng Vladimir Frolov - Phó Tư lệnh Tập đoàn quân số 8 vừa thiệt mạng tại chiến trường Ukraine.

Thiếu tướng Vladimir Frolov mới hi sinh tại chiến trường Ukraine. Ảnh được chụp ngày 16/4. (Ảnh: Fontaka). 

Phía Ukraine cũng có động cơ tương tự như Nga trong việc chủ động giấu diếm con số thương vong thật sự. Trong những ngày đầu của cuộc chiến, Tổng thống Zelensky cho biết khoảng 1.300 binh sĩ Ukraine đã thiệt mạng. Tuy nhiên sau đó, người phát ngôn của Chính phủ Ukraine cho biết con số chính thức về thiệt hại của Quân đội sẽ không được công bố cho đến khi xung đột kết thúc.

Ngày 15/4, Tổng thống Zelensky khi trả lời CNN lại đưa ra con số thiệt mạng khoảng 2.500 đến 3.000 người. Mặc dù theo Bộ Quốc phòng Nga, chỉ tính riêng thành phố Mariupol, con số thiệt hại về nhân mạng của Ukraine đã lên tới 4.000 binh sĩ.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Minh Quang

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.