|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Chiếc máy bay lớn nhất thế giới bị phá hủy tại Ukraine khó có thể trở lại bầu trời

14:27 | 19/04/2022
Chia sẻ
Sau khi chiếc AN-225 duy nhất bị phá hủy tại sân bay, các đánh giá thiệt hại ban đầu cho thấy khả năng sửa chữa hoặc chế tạo lại một máy bay mới là khá mong manh do trở ngại kỹ thuật và tài chính.

Được sản xuất vào những năm 1980 để chở tàu vũ trụ của Liên Xô, AN-225 trở thành máy bay chở hàng lớn nhất thế giới sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Vào ngày 27/2/2022, chiếc AN-225 duy nhất đã bị phá hủy tại sân bay Hostomel gần thủ đô Kiev, Ukraine.

AN-225 ban đầu được thiết kế để chở tàu vũ trụ Buran trên lưng. (Ảnh: Gilles Leimdorfer/AFP).

Công ty Antonov sản xuất AN-225 đã viết trên Twitter: “Giấc mơ không bao giờ chết”. “Giấc mơ” trong tiếng Ukraine là Mriya, cũng là biệt hiệu của AN-225. Nhưng liệu chiếc máy bay lớn nhất thế giới có thể quay trở lại bầu trời?

Thiệt hại của AN-225

Phóng viên Vasco Cotovio của CNN đã tận mắt quan sát đống đổ nát khi anh đến thăm sân bay Hostomel vào đầu tháng 4. “Mũi của chiếc máy bay bị phá hủy hoàn toàn, dường như do trúng đạn pháo trực diện”, anh Cotovio nói. 

Phần mũi của AN-225 bị phá hủy hoàn toàn. (Ảnh: Genya Savilov/AFP).

“Hơn nữa, cánh và một số động cơ chịu thiệt hại lớn. Phần đuôi máy bay không bị ảnh hưởng bởi bất kì tác động lớn nào mà chỉ có vài lỗ nhỏ do mảnh văng hoặc đạn”.

“Nếu không bị trúng đạn trực diện vào mũi, chiếc AN-225 đã có thể được sửa chữa”, anh nói, đồng thời cho biết thêm rằng khu vực xung quanh máy bay đầy vỏ đạn, xe tăng, xe tải và xe bọc thép của Nga bị phá hủy.

Ông Andrii Sovenko, một kỹ sư và chuyên gia hàng không tại Kiev, từng làm việc cho công ty Antonov từ năm 1987 và lái AN-225 với vị trí phi hành đoàn kỹ thuật đã tổng hợp một danh sách những thiệt hại của chiếc máy bay. Ông đưa ra danh sách này bằng cách xem xét một loạt video và hình ảnh về chiếc máy bay (nhân viên công ty Antonov vẫn chưa được trở lại sân bay Hostomel do vấn đề an toàn).

Cánh và động cơ bị phá hủy một phần. (Ảnh: Gleb Garanich/Reuters).

Ông Sovenko xác nhận rằng phần giữa của thân và mũi máy bay, bao gồm cả buồng lái và khu vực nghỉ của phi hành đoàn đã bị phá hủy. Hệ thống điều khiển và các thiết bị chịu thiệt hại nặng nề nhất. “Phục hồi những thiết bị và hệ thống này sẽ là vấn đề khó khăn nhất", ông nói.

“Nguyên nhân là bởi đa số các hệ thống điện, bơm và lọc sử dụng trên AN-225 đều từ những năm 1980. Chúng không được sản xuất nữa, bởi vậy khó có thể khôi phục chiếc máy bay như hiện trạng ban đầu”.

Tuy nhiên, tin tốt là phần cánh, bao gồm các bộ phận khí động học như cánh tà và cánh nhỏ chịu ít thiệt hại. Gần như toàn bộ 6 động cơ đều nguyên vẹn và phần đuôi chỉ chịu những thiệt hại nhỏ do mảnh văng.

Chiếc Antonov thứ hai

Từ những thông tin thu thập được, kĩ sư Sovenko kết luận rằng chiếc AN-225 không thể sửa chữa được.

“Không thể nói đến chuyện sửa chữa hay khôi phục chiếc máy bay nữa. Chúng ta chỉ có thể tính đến việc chế tạo một chiếc Mriya mới, sử dụng những bộ phận thu lượm được từ đống đổ nát và kết hợp với những gì còn lại của chiếc AN-225 thứ hai từ năm 1980”.

Ông Sovenko nhắc tới bộ khung của chiếc AN-225 thứ hai mà hãng Antonov vẫn bảo quản trong một nhà kho tại Kiev. Theo kế hoạch ban đầu, sẽ có hai chiếc AN-225 được sản xuất. Tuy nhiên, chiếc thứ 2 đã bị bỏ dở.

“Thân máy bay được hoàn thiện toàn bộ, với phần trung tâm đã được lắp đặt cùng kết cấu chịu tải ở phần cánh và đuôi. Theo tôi được biết, bộ khung của chiếc AN-225 thứ hai không hề bị thiệt hại trong đợt tấn công của Nga vào nhà máy”.

Nhà kho tại ngoại ô Kiev vẫn lưu giữ phần thân gần hoàn thiện của chiếc AN-225 thứ hai. (Ảnh: Pavlo Fedykovych),

Tuy nhiên, kể cả khi kết hợp khung máy bay chưa được sử dụng với những bộ phận thu lượm lại từ sân bay Hostomel thì vẫn không đủ 100% các thành phần cần thiết.

Ông Sovenko giải thích: “Không thể làm chiếc máy bay mới y hệt như chiếc cũ, với cùng thiết kế và thiết bị”.

Antonov đối mặt với hai trở ngại: khiến cho các bộ phận mới và cũ cùng hoạt động và đăng ký chứng nhận cho máy bay để đảm bảo đủ điều kiện bay và tuân thủ với các quy định hiện hành.

Công ty Antonov đã có kinh nghiệm với vấn đề đầu tiên, khi phải nâng cấp nhiều hệ thống của chiếc AN-225, thay thế công nghệ Liên Xô đã lạc hậu với công nghệ mới của Ukraine. Tuy nhiên, một chứng nhận hàng không đầy đủ sẽ tốn thời gian và tăng chi phí.

Ông Sovenko cho biết: “Việc sản xuất lại một chiếc máy bay có thiết kế đã 40 năm tuổi chẳng mang lại ý nghĩa gì. Có thể sẽ có những thay đổi trong thiết kế của chiếc AN-225 mới, dựa trên kinh nghiệm vận hành chiếc đầu tiên”.

AN-225 chưa từng được thiết kế để chở hàng hóa thương mại. Chiếc máy bay được chuyển đổi công năng sử dụng vào những năm 1990 bởi công ty Antonov. Mặc dù có kích thước khổng lồ, theo phi hành đoàn, chiếc máy bay vẫn khá bất tiện khi vận hành. Để chất hàng hóa, AN-225 phải hạ thấp mũi bằng động tác được gọi là “voi quỳ”, và hàng sẽ được đưa lên bằng các rãnh vào ròng rọc.

AN-225 phải hạ thấp mũi để có thể chất hàng hóa. (Ảnh: Công ty Antonov).

Bởi thiết kế đặc biệt, chỉ có mũi máy bay có thể mở. Phía đuôi của AN-225 không có dốc để vận chuyển hàng như người đàn em AN-124 có kích thước nhỏ và thực dụng hơn.

Những cải tiến đáng mong đợi trong phiên bản giả định của máy bay bao gồm sàn chở hàng được gia cố, tăng khả năng tương thích với cơ sở hạ tầng của các sân bay.

Hàng trăm triệu hay hàng tỷ USD?

Chế tạo lại một chiếc Mriya thứ hai sẽ không hề rẻ, mặc dù rất khó có thể xác định chính xác chi phí.

Ukrinform, hãng thông tấn quốc gia của Ukraine, cho biết chi phí của việc cho ra đời chiếc AN-225 thứ hai vào khoảng 3 tỷ USD. Công ty Antonov ước tính việc hoàn thành khung máy bay mới sẽ tiêu tốn chi phí 350 triệu USD.

“Cho tới này, chưa có gì là chắc chắn cả”, ông Sovenko nói. “Chi phí sẽ dựa vào mức thiệt hại của các bộ phận còn lại, đồng thời những thay đổi và trang bị mới. Một phần lớn chi phí sẽ phụ thuộc vào số lượng các cuộc kiểm tra chứng chỉ bay cần thiết. Dù trong trường hợp nào, chúng ta có thể ước tính tổng chi phí rơi vào khoảng vài trăm triệu chứ không đến hàng tỷ USD”.

Nhà phân tích hàng không Richard Aboulafia tại Aerodynamic Advisory cũng tán thành ý kiến trên: “Chi phí chế tạo tùy thuộc vào việc chiếc máy bay chỉ là bản thử nghiệm hay thương mại với đầy đủ chứng chỉ. Rõ ràng, kể cả với đầy đủ chứng chỉ, con số 500 triệu USD sẽ hợp lý hơn là 3 tỷ USD”.

Câu hỏi thật sự, theo như ông Aboulafia, đó là ai sẽ trả số tiền này?

“Chiếc AN-225 không có quá nhiều ứng dụng thương mại nên không rõ doanh thu sẽ đến từ đâu”.

Công ty Antonov đã chịu thiệt hại nặng nề do nhiều máy máy bay và cơ sở bị phá hủy. Hiện tại, công ty đang hoạt động cầm chừng và tương lai vẫn chưa rõ. “Tôi là một người lạc quan. Tôi chân thành và sâu sắc mong muốn máy bay Antonov tiếp tục bay trên bầu trời”, ông Sovenko nói.

“Nhưng tôi cũng là một người thực tế. Tôi hiểu rõ rằng chi phí cần thiết để làm một chiếc AN-225 thứ hai liên quan trực tiếp đến năng lực tài chính của Antonov sau cuộc chiến, cùng với doanh thu dự kiến từ hoạt động của chiếc máy bay”.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Minh Quang

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.